Hủy
Công Nghệ

Canalys: Thị trường điện thoại di động Đông Nam Á tăng 7% trong năm 2024

Lam Ngọc Thứ Hai | 11/03/2024 16:00

Doanh số bán hàng smartphone tại thị trường Đông Nam Á đã tăng trưởng mạnh mẽ. Ảnh: CNBC.

 
 
Thị trường smartphone ở khu vực Đông Nam Á đang có sự biến động mạnh mẽ, đồng thời mở ra nhiều cơ hội mới cho các công ty công nghệ quốc tế.

Doanh số bán điện thoại thông minh (smartphone) ở khu vực Đông Nam Á tiếp tục tăng mạnh vào đầu năm 2024, một viễn cảnh hoàn toàn trái ngược với sự trầm lắng ở các khu vực khác. Thị trường này đang trở thành điểm đến đầy hứa hẹn cho các nhà sản xuất di động, đồng thời thu hút sự quan tâm của các thương hiệu lẫn các nhà đầu tư.

Theo nghiên cứu do công ty phân tích thị trường công nghệ Canalys công bố, 5 thị trường hàng đầu khu vực Đông Nam Á ghi nhận 7,26 triệu chiếc smartphone được xuất xưởng đầu năm 2024, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả này cho thấy đà phục hồi của thị trường bắt đầu từ quý IV/2023, thời điểm mà số lượng smartphone ở khu vực bắt đầu tăng trở lại sau gần 2 năm chững lại, do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.

 

Ông Le Xuan Chiew, Nhà phân tích tại Canalys, cho biết sức ép lạm phát suy giảm nhờ vào sự hỗ trợ từ chính phủ cùng với động lực từ các sự kiện bán hàng diễn ra trong khu vực hồi cuối năm 2023 là những yếu tố thúc đẩy niềm tin và sức mua của người tiêu dùng.

“Để tận dụng cơ hội từ đà phục hồi của thị trường, các nhà sản xuất smartphone đang triển khai những chiến lược mới nhằm giành quyền thống trị thị trường”, ông Chiew nói. Ông cũng đồng thời nhấn mạnh về những xu hướng công nghệ như mạng 5G, tích hợp trí tuệ nhân tạo (A.I), phát triển hệ sinh thái và tối ưu hóa kênh bán hàng.

Tháng 1/2024, Samsung đã giành lại vị trí dẫn đầu thị phần trong khu vực, nhờ vào việc ra mắt thành công dòng sản phẩm cao cấp S24, với ưu điểm thời lượng pin tốt hơn và tích hợp nhiều tính năng A.I mới.

Tuy nhiên, các đối thủ Trung Quốc cũng đang tập trung vào thị trường Đông Nam Á, giành được thị phần và cho ra mắt các mẫu điện thoại mới với mức giá cạnh tranh. Thương hiệu điện thoại Xiaomi ghi nhận mức tăng trưởng hàng năm lên đến 128% trong tháng 1 vừa qua. Transsion, thương hiệu mới gia nhập thị trường, cũng ghi nhận mức tăng trưởng 190%.

“Tầng lớp trung lưu tăng cùng với dân số trẻ gia nhập lực lượng lao động đã kéo thu nhập khả dụng ở khu vực ngày càng tăng. Đây cũng là cơ sở để kỳ vọng vào các khoản đầu tư tiếp tục được đổ vào khu vực”, ông Chiew nói. 

Theo báo cáo của Counterpoint Research, doanh số bán hàng smartphone tại thị trường Đông Nam Á đã tăng trưởng mạnh mẽ, trong khi thị trường điện thoại thông minh lớn nhất thế giới là Trung Quốc lại chứng kiến sự sụt giảm là 7% trong 6 tuần đầu của năm 2024 so với cùng kỳ năm trước.

Doanh số bán hàng sụt giảm ở thị trường Trung Quốc đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của nhiều thương hiệu điện thoại tại nước này, trong số đó là Apple. Doanh số bán smartphone của thương hiệu này tại Trung Quốc giảm 24% trong 6 tuần đầu năm. Bên cạnh tác động từ thị trường, Apple cũng chịu sức ép từ đà phục hồi của Huawei. Song, nguyên nhân phần lớn vẫn là lượng hàng xuất xưởng của Apple vào đầu năm 2023 bị chậm trễ do các vấn đề sản xuất trước đó.

Và khi tốc độ tăng trưởng trên các thị trường smartphone như Trung Quốc và Mỹ chậm lại, các thương hiệu điện thoại cao cấp như Apple và Huawei tích cực tìm kiếm cơ hội mới ở các thị trường mới nổi như Đông Nam Á, nơi được đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng lớn.

Theo dữ liệu từ Canalys, thị trường smartphone Đông Nam Á dự kiến ​​sẽ tăng trưởng 7% so với cùng kỳ năm 2024, cao hơn nhiều so với mức 3% của toàn cầu. Trong khi đó, Trung Quốc được dự đoán sẽ tăng trưởng 1%, còn thị trường Bắc Mỹ sẽ không có sự thay đổi đáng kể.

Thị trường smartphone Đông Nam Á dự kiến ​​sẽ tăng trưởng 7% so với cùng kỳ năm 2024. Ảnh: TL.
Thị trường smartphone Đông Nam Á dự kiến ​​sẽ tăng trưởng 7% so với cùng kỳ năm 2024. Ảnh: TL.

Tờ Bloomberg cho biết cửa hàng bán lẻ đầu tiên của Apple tại Malaysia đã đi vào hoạt động. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc mở rộng mạng lưới kinh doanh của thương hiệu. Về phía Huawei, thương hiệu đang tăng cường  quan hệ đối tác với các công ty viễn thông hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á, như Telkomsel của Indonesia, nhằm gia tăng thị phần cũng như tạo dựng uy tín tại thị trường này.

Được biết, Indonesia vẫn là thị trường smartphone lớn nhất Đông Nam Á, với 38% tổng lượng xuất xưởng trong tháng 1. Tiếp đến là Philippines, với lượng hàng xuất khẩu tăng 77% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy sự phát triển ấn tượng. 

Thái Lan, Việt Nam và Malaysia được đánh giá là các thị trường có tiềm năng tăng trưởng lớn. Nền kinh tế Thái Lan với sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghệ thông tin đang thu hút sự chú ý của các nhà sản xuất điện thoại di động. Việt Nam, mặc dù ghi nhận sự giảm nhẹ 2% trong lượng hàng xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước, vẫn được xem là một thị trường tiềm năng với dân số đông đúc và nhu cầu sử dụng điện thoại thông minh ngày càng tăng. Còn Malaysia với vị trí địa lý thuận lợi và nền kinh tế ổn định, cũng được xem là một thị trường hứa hẹn cho các công ty công nghệ muốn mở rộng hoạt động kinh doanh.

Theo giới chuyên gia, có thể thấy thị trường điện thoại thông minh ở khu vực Đông Nam Á đang có sự biến động mạnh mẽ, đồng thời mở ra nhiều cơ hội mới cho các công ty công nghệ quốc tế. Song, để thâm nhập vào các thị trường này sẽ là một thử thách không nhỏ cho các nhà sản xuất điện thoại di động trên thế giới.

Có thể bạn quan tâm:

Ấn Độ đầu tư 15 tỉ USD vào ngành công công nghiệp bán dẫn

Nguồn CNBC


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới