CEO Tiki: "Nhà đầu tư Việt Nam chưa mặn mà với thương mại điện tử"
Ông Trần Ngọc Thái Sơn, Nhà sáng lập Tiki.vn. Quý Hòa
Theo nghiên cứu của Google-Temasek mới đây, nền kinh tế trực tuyến Đông Nam Á sẽ có giá trị lên đến hơn 200 tỷ USD vào năm 2025. Thương mại điện tử sẽ là phân khúc tăng trưởng nhanh nhất. Điều này đến từ sự tương tác trực tuyến của người dân ở khu vực này với mức trung bình 3,6 giờ mỗi ngày dành để sử dụng internet trên điện thoại, nhiều hơn bất kỳ khu vực nào trên thế giới.
Do đó, tiềm năng của khu vực ASEAN là rất lớn, bởi hiện nay nền kinh tế số mới chỉ chiếm tỷ trọng 7% GDP, so với mức 16% ở Trung Quốc, 27% ở châu Âu và 35% ở Mỹ.
Tại Việt Nam, mặc dù thương mại điện tử đang có mức tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ trong những năm gần đây, nhưng nếu không bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam cũng có thể phải đối mặt với sự tụt hậu về công nghệ. Cùng với những thay đổi rất lớn từ công nghiệp 4.0 đã đạt được, thì Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức đối với thị trường lao động.
Qua báo cáo gần đây nhất của Tổ chức thương mại thế giới, thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đứng thức 73 trong tổng số 140 nước được xếp hạng. Như vậy, trình độ phát triển, quy mô của thương mại điện tử tại Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng. Do hiện nay, quy mô tăng trưởng tại lĩnh vực này đạt hơn 23%/năm, Việt Nam đang là 1 thị trường còn rất tiềm năng về thương mại điện tử trong khu vực.
Nhìn nhận vấn đề này ở góc độ đầu tư, ông Trần Ngọc Thái Sơn, cho biết: “Cách đây một năm, chúng tôi nói đùa rằng chưa có nhà đầu tư Hàn Quốc tham gia vào Tiki, thì đầu năm nay, đã có một số quỹ tham gia. Trong số đó có cả những vườn ươm đến từ Hàn Quốc, số tiền tham gia cũng không quá lớn. Trong khi doanh nghiệp Việt Nam thì chưa mặn mà”, ông Sơn nói.
Tính đến nay, chỉ có VNG là đại diện Việt Nam đầu tư vào Tiki, còn lại là các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Cũng theo ông Sơn, các nhà đầu tư này không mạo hiểm vì mô hình như Tiki đã được chứng minh trên thế giới như ở Mỹ là Amazon, Trung Quốc là Tmall, Hàn Quốc là Coupang...
“Việt Nam cũng giống như các thị trường khác, các nhà đầu tư tin rằng những gì Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc đã trải qua thì Việt Nam cũng vậy. Và đó cũng là lý do họ đầu tư.”, ông Sơn nói.
Theo nghiên cứu riêng của Tiki, tính đến thời điểm hiện tại, tổng doanh thu thương mại ở VIệt Nam năm 2017 130 tỉ USD, thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp đến người tiêu dùng) chiếm khoảng 1%. Dự đoán đến năm 2025, tỷ lệ này sẽ tăng lên khoảng 5%, trị giá khoảng 12 tỉ USD đến 14 tỉ USD.
Bên cạnh đó, không chỉ các sàn thương mại điện tử, sự bùng nổ của mua sắm trực tuyến cũng mở cơ hội cho các nhà đầu tư khi rót vốn vào mô hình kho bãi, nền tảng quảng cáo bán hàng hiệu quả, livestream. Tuy nhiên, theo ông Sơn khả năng sinh lời sẽ không “khủng” như các sàn thương mại điện tử.
Ngoài ra, các mô hình thương mại điện tử kiểu mới cũng sẽ là cánh cửa cơ hội cho các nhà đầu tư. Như Pinduoduo (Trung Quốc), thương mại điện tử xã hội kết hợp mua theo nhóm vừa định giá 30 tỉ USD; Wish (Mỹ) mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới (từ Trung Quốc sang Mỹ) đã gọi được 1 tỉ USD đầu tư.
“Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam đã có các startup âm thầm làm các mô hình này. Nếu họ đã có dũng cảm thử, tôi nghĩ các nhà đầu tư trong nước cũng nên mở lòng”, ông Sơn nói.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư