Cuộc chạy đua đến bao tử
Giao đồ ăn đang là một lĩnh vực rất được quan tâm. Theo hãng nghiên cứu CB Insights, trong năm 2014, đã có hơn 1 tỉ USD được rót vào thị trường này, tăng gấp 4 lần so với năm trước đó. Trong quý I/2015, đã có thêm nửa tỉ USD vốn mới dành cho thị trường này.
Cạnh tranh khốc liệt là vậy, nhưng lĩnh vực này cũng mới chỉ chiếm một tỉ trọng khiêm tốn 1% trong lưu lượng internet hiện nay. Vì thế, đây vẫn là sân chơi màu mỡ cho các công ty khởi nghiệp công nghệ (start-up).
Trận chiến giao đồ ăn trên thế giới hiện có 3 loại hình dịch vụ chính: cung cấp thông tin và hỗ trợ đặt món (marketplace), hỗ trợ đặt món kiêm giao đồ ăn (on-demand delivery) và ẩm thực kiểu 2.0 (fast-food 2.0).
Loại hình marketplace chỉ những website chuyên cung cấp thông tin về món ăn và hỗ trợ đặt món, nhưng không can thiệp vào quá trình giao đồ ăn đến cho khách hàng. Khâu này sẽ do phía nhà hàng đảm nhận. Ðại diện cho mô hình marketplace tại Việt Nam là Vietnammm hay DiaDiemAnUong. Loại hình dịch vụ này thường lấy phí 10-15% từ phía nhà hàng.
Loại thứ hai là on-demand delivery, tức là vừa nhận đơn đặt món vừa kiêm khâu giao đồ ăn. Vì công việc phải đảm nhận là nhiều hơn mô hình marketplace, nên nhà cung cấp thường lấy 20-25% phí dịch vụ. Một số đại diện của mô hình này ở Việt Nam là Foodpanda và deliveryNow.
Loại thứ ba, fast-food 2.0, cũng tương tự những việc mà mô hình on-demand delivery phải làm. Nhưng điểm nhấn của hình thức này là cho phép các đơn vị kinh doanh ẩm thực có thể dần loại bỏ những chi phí hoạt động truyền thống như thuê mặt bằng, giảm thiểu nhân viên phục vụ và thậm chí chỉ cần nấu ăn ngon. Các nhà cung cấp dịch vụ fast-food 2.0 sẽ lo liệu toàn bộ những khâu còn lại.
Tuy nhiên, ở Việt Nam đang manh nha một loại hình mới. Đó là sẽ có một đơn vị đứng ra chuyên cung ứng nhân lực giao hàng. Nhờ vậy, chi phí bình quân phải trả sẽ ít hơn, mà lại có lực lượng giao hàng đông đảo hùng hậu hơn. Sự cộng hưởng như vậy luôn có lợi cho các bên sử dụng dịch vụ. Start-up tiên phong trong mô hình này là Ahamove, một sản phẩm của Giao Hàng Nhanh, một công ty khởi nghiệp khá nổi trong lĩnh vực hậu cần.
Với lợi thế là công ty công nghệ, các start-up này sẽ tích góp dữ liệu về người dùng. Ngày qua ngày, họ sẽ biết được khách nào thích ăn những món nào, thường hay đặt vào khung giờ nào, đi những cung đường nào. Như vậy, cả phía nhà hàng lẫn đơn vị giao nhận đều có thể chủ động nguồn lực một cách tối ưu. Thậm chí, khi nắm bắt được thói quen của người dùng nhưng thấy sau một thời gian họ không đặt món, start-up có thể kích thích khách bằng món ăn tặng kèm hay mã giảm giá.
Tại Mỹ và một số nước châu Âu, Uber cũng đang thử nghiệm loại hình dịch vụ UberEAT để giao đồ ăn. Như vậy, dù là UberEAT hay Ahamove, lực lượng giao nhận có thể đến từ bất kỳ ai có xe máy và điện thoại thông minh. Mô hình này còn có thể mở rộng ra giao bất cứ món nào, như giao báo hay giao sữa vào sáng sớm chẳng hạn. Rõ ràng, công nghệ đang liên tục thay đổi thói quen của người tiêu dùng mỗi ngày.
Vũ Hoàng Tâm
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư