Dòng vốn đổ vào start-up tiếp tục tăng
Ông Mai Duy Quang, Phó chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), cho biết, chưa có thống kê chính thức về lượng tiền đổ vào start-up năm nay, nhưng dự báo lượng tiền đổ vào start-up sẽ tăng “đột biến” do có thêm các thương vụ lớn, như tiki, Foody.
Tìm kiếm các startup tài năng
Các start-up Việt vừa có thêm cơ hội tiếp cận vốn từ các nhà đầu tư Hàn Quốc. Bà Youn Jang Park, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Phát triển công nghệ thông tin Hàn Quốc tại Hà Nội thuộc Cơ quan Xúc tiến Công nghệ thông tin Quốc gia (NIPA) của Hàn Quốc, cho biết, Chương trình K-Start-up Grand Challenge 2018 được khởi động và đó là “cơ hội tốt” cho các start up Việt.
Hiện nay, hỗ trợ khởi nghiệp được nhiều quốc gia trong đó có Hàn Quốc thực hiện. Thế nhưng, K-Start-up Grand Challenge, một chương trình duy nhất nhận được sự hỗ trợ mức độ cao của Chính phủ, theo bà Youn Jang Park.
Chính phủ Hàn Quốc và các tập đoàn nước này, đã “mạnh tay” đầu tư vào các start-up, bởi tinh thần khởi nghiệp chưa cao trong khi đang diễn ra tình trạng già hóa dân số. Thông qua K-Start-up Grand Challenge, Chính phủ Hàn Quốc không chỉ muốn có thêm tương tác cho các start-up Hàn với start-up thế giới, mà còn muốn thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp quốc gia, bằng những chính sách ưu tiên khởi nghiệp tại Hàn Quốc có các start-up nước ngoài.
Phó chủ tịch VINASA cho biết, một nền tảng về khoa học kỹ thuật cao, nhân sự trẻ trong một thị trường còn rất mới, đang là những yếu tố chính thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư đổ tiền vào start-up Việt Nam, trong bối cảnh một số lĩnh vực công nghệ mới trí tuệ nhân tạo, big data... đang rất “hot”.
“Đang có nhiều tập đoàn và quỹ đầu tư tìm kiếm các start-up tài năng trên khắp thế giới”. Ông Quang nói và dẫn chứng, tại Việt Nam, VINASA mỗi tuần đã tiếp từ 2- 3 đoàn các nhà đầu tư đến liên hệ, tìm kiếm các start-up tài năng. Những năm trước, chỉ 2-3 đoàn mỗi tháng đến làm việc với VINASA về nội dung này.
Dòng vốn không ổn định
Việt Nam, một quốc gia được đánh giá “tiềm năng” về start-up, nhất là lĩnh vực công nghệ. Năm 2017, đầu tư vào 92 doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam đã lên tới 291 triệu USD, tăng 42% so với năm 2016 là 205 triệu USD và năm 2015 là 137 triệu USD.
Tốc độ tăng trưởng về khởi nghiệp của Việt Nam đang tăng lên rất nhanh. Nếu như năm 2014 chỉ có 28 thương vụ, thì năm 2015 đã tăng “đột biến” với 67 thương vụ, năm 2016 có 60 thương vụ và để đến 2017 đã tăng lên 92 thương vụ đầu tư vào khởi nghiệp ở Việt Nam.
Thậm chí, các start-up của Việt Nam vẫn được rót vốn rất đều ở những thời điểm khó khăn, start-up trên thế giới “chết” rất nhiều do số lượng các thương vụ đầu tư vào khởi nghiệp giảm sâu vào năm 2016 và giảm sâu hơn nữa vào 2017.
Ông Quang cho rằng, Việt Nam không phải “hạng gà”, trong khu vực Đông Nam Á, thậm chí còn thuộc diện có “số má” về khởi nghiệp. Một báo cáo của Thái Lan năm 2017 ghi nhận, số tiền đầu tư vào startup của nước này chỉ bằng một nửa con số tiền start-up Việt Nam gọi được trong năm này.
Thế nhưng không phải khi nào dòng vốn đầu tư vào start-up cũng ổn định. Đã có thời điểm vốn vào ít đến mức không thể đo được lượng tiền. Năm 2011, chỉ hơn chục thương vụ quy mô nhỏ đầu tư vào khởi nghiệp, với quy mô nhỏ. Và phải đến năm 2014 và 2015 mới đo được tiền đổ vào star-up.
Theo quan sát của Phó chủ tịch VINASA, start-up Việt trên thực tế vẫn phát triển chậm hơn một số nước. Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã huy động được vốn nhưng hầu hết các giao dịch ở quy mô nhỏ, khoảng hơn 100 triệu USD.
Lượng vốn vào start-up phụ thuộc 2 yếu tố: quy mô thị trường và kỹ năng. Do đó, chỉ những start-up có kỹ năng rất cao mới có thể gọi được vốn vài trăm triệu đô la. Thế nhưng, cho đến nay, chỉ duy nhất “kỳ lân” VNG gọi được hơn 1 tỷ USD.
Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát triển “đột biến”. Về nguyên tắc, số lượng không phản ánh chất lượng, nhưng số lượng start-up tăng mạnh trong thời gian ngắn đã bộc lộ những điểm yếu.
Năm 2017, gần 92 start-up được đầu tư, nhưng chỉ phản ánh được 70-80% lượng đầu tư thực chất vào Việt Nam. Phần còn lại, những “thương vụ ngầm” rất “khó kiểm đếm” do thông tin công khai chỉ chiếm một nửa.
Dù vậy, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam, theo ông Quang, vẫn phát triển “lành mạnh” và “không đứt quãng”. Với tốc độ đào thải nhanh, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều start-up chất lượng, điều này được chứng minh bằng dòng tiền đổ vào start-up đang tiếp tục tăng lên.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Công Sang
-
Hằng Nga
-
Trực Thanh
-
Nguyễn Long
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Surajit Rakshit