Huawei knock out?
Ảnh: investo.vn
Ăn mừng việc đứng thứ 3 thị phần smartphone toàn cầu chưa bao lâu, Tập đoàn Huawei (Hoa Vĩ) đã bị Chính phủ Mỹ giáng một đòn rất đau.
Danh sách trừng phạt
Người dùng và nhiều nhà bán lẻ smartphone Huawei đang đứng ngồi không yên khi các dòng máy Huawei có nguy cơ thành “cục gạch” kể từ khi Google công bố ngưng cung cấp hệ điều hành Android cho Huawei. Vì vậy, tuần qua, nhiều cửa hàng bán lẻ đã bắt đầu than trời vì số lượng máy Huawei bán ra giảm mạnh.
Phần mềm và các ứng dụng là trái tim của các mẫu smartphone và thị trường điện thoại hiện là thị trường độc quyền của các công ty phần mềm. Dù có đến hàng tá hãng sản xuất điện thoại nhưng chỉ có 2 hệ điều hành được sử dụng là iOS (Apple) và Android (Google). Cả 2 công ty này đều là của Mỹ và quyết định quyền được xuất hiện hay biến mất của các ứng dụng chạy trên 2 hệ điều hành này.
“Năm 2018, có đến một nửa số điện thoại của Huawei được tiêu thụ ở các thị trường ngoài Trung Quốc. Và nhóm này sẽ bị ảnh hưởng khi các dịch vụ của Google ngừng cung cấp”, ông Bryan Ma, Phó Chủ tịch IDC Asia, cho biết. Năm ngoái, Huawei đứng thứ 3 toàn cầu về thị phần smartphone (theo IDC, Counterpoint, Canalys) sau Apple và Samsung. Còn quý I/2019, Huawei đứng thứ 3 ở Việt Nam, theo IDC Indochina. Ngay sau Google, hàng loạt hãng công nghệ khác như Qualcomm (bán bộ xử lý modem cho smartphone Huawei), Intel (cung cấp chip cho máy chủ Huawei), Xilinx (cung cấp chip lập trình trong thiết bị viễn thông), Broadcom (cung cấp chip chuyển mạch) cũng đứng về mặt trận hậu thuẫn Tổng thống Mỹ Donald Trump tấn công Huawei.
Không lời dự đoán nào của chuyên gia hay các hãng bán lẻ ở Việt Nam được đưa ra nhưng khá chắc chắn thị phần Huawei sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng trong các quý tới ở diện rộng. Dù Chính phủ Mỹ sẽ cho công ty này thêm 3 tháng để chuẩn bị nhưng mọi chuyện sẽ không sáng sủa hơn.
Không chỉ Huawei, nỗi lo sợ về các thương hiệu Trung Quốc bị gọi tên trong thương chiến ngày càng lớn đối với người tiêu dùng. Trong 2 lần Chính phủ Mỹ ra lệnh trừng phạt thương mại các công ty smartphone đều là của Trung Quốc (trước Huawei là ZTE). Ai sẽ là cái tên tiếp theo?
Thật khó để đưa ra dự đoán chính xác nhưng có thể thấy điểm tương đồng của ZTE và Huawei đều là các công ty cung cấp giải pháp viễn thông và thiết bị đầu cuối (smartphone). Chính phủ Mỹ từ lâu luôn cáo buộc các công ty cung cấp thiết bị viễn thông Trung Quốc là không an toàn và cạnh tranh không lành mạnh vì có sự hỗ trợ nguồn vốn từ các ngân hàng Trung Quốc. Chính vì thế, các hãng điện thoại Trung Quốc còn lại nếu đi theo mô hình của 2 đàn anh kể trên sẽ có nhiều khả năng bị Chính phủ Mỹ nhòm ngó trong thời gian tới.
Liên minh phòng thủ
“Cách làm hiện nay của các chính trị gia Mỹ đánh giá thấp sức mạnh của chúng tôi”, ông Nhậm Chính Phi, sáng lập Huawei, nói với truyền thông Trung Quốc. Trong thời gian qua, Huawei đầu tư rất nhiều vào các bằng sáng chế, nhất là công nghệ 5G. Công ty cũng đã tự sản xuất chip, thành phần đắt nhất trong một chiếc smartphone và duy có hệ điều hành là chưa đụng vào.
Chưa có dấu hiệu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung dừng lại và danh sách trả đũa tiếp tục dài ra. Vodafone (VOD), EE (Anh), Chungwa Telecom (Đài Loan) hay nhà mạng di động hàng đầu Nhật, trong đó có NTT Docomo, SoftBank tuyên bố đã ngừng đặt hàng một số dòng điện thoại mới của Huawei với lý do “xem xét các tác động từ quyết định của Mỹ”.
Lệnh trừng phạt từ Mỹ, hay nói cách khác hơn là chiến tranh lạnh về công nghệ, buộc Trung Quốc phải tìm giải pháp thay thế. Vì vậy, không có gì lạ khi lãnh đạo Huawei và thậm chí Chính phủ Trung Quốc sẽ đổ rất nhiều tiền để thực hiện hệ điều hành riêng trên di động.
Công bằng mà nói, không ai muốn phụ thuộc vào Google. Ngay cả Samsung, hãng hưởng lợi rất nhiều từ Android, từ năm 2009 đã muốn phát triển hệ điều hành riêng mang tên Tizen. Tuy nhiên, Google bằng mọi cách ngăn chặn điều này và động thái mạnh mẽ nhất của Hãng là mua lại Motorola vào năm 2014 để dằn mặt Samsung nếu muốn từ bỏ Android. Trên thực tế, theo Huawei Central, Huawei đã có hệ điều hành riêng mang tên HongMeng, được phát triển từ năm 2012. Nhưng những người phát triển HongMeng hiểu rằng vấn đề không nằm ở hệ điều hành mà là hệ sinh thái các ứng dụng để thu hút các nhà phát triển tham gia. Huawei đã làm điều này rất tốt ở Trung Quốc, nơi Google bị cấm cửa nhưng ở các thị trường khác, hệ điều hành HongMeng không có lấy một cơ hội. Mặc dù vậy, mọi việc sẽ dễ dàng hơn nếu Huawei kêu gọi thành lập một liên minh smarphone Trung Quốc chống lại sự độc quyền của Android và iOS.
Để thu hút các nhà phát triển, hệ điều hành trước hết phải có số lượng lớn. Nên nhớ rằng tổng thị phần các công ty điện thoại Trung Quốc đã gần một nửa số lượng toàn cầu nhờ chiến lược giá cạnh tranh. Dĩ nhiên bản thân Huawei và các công ty smartphone khác đều muốn hợp tác với hệ sinh thái có sẵn của Google nhưng ai biết được chuyện gì khi cuộc chiến tranh lạnh trong lĩnh vực công nghệ ngày càng leo thang
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư