Hủy
Công Nghệ

Khi Internet về đồng ruộng

Huy Vũ Thứ Ba | 09/05/2017 13:00

 
 
Nhiều ứng dụng được phát triển để hướng tới mô hình nông nghiệp thông minh ở nhiều cấp độ khác nhau nhằm thay đổi cách người nông dân sống với đồng ruộng.

Liên kết trong kho dữ liệu về kiến thức nông nghiệp, các chuyên gia và nông dân để giải quyết bất cứ một vấn đề gì trong nông nghiệp. Đây chính là mô hình nông nghiệp thông minh mà nhiều nước trên thế giới đang hướng tới. Tại Việt Nam, nhiều ứng dụng cũng được phát triển để hướng tới mô hình này ở nhiều cấp độ khác nhau nhưng cùng chung mục đích: thay đổi cơ bản cách người nông dân sống với đồng ruộng.

Bỏ qua yếu tố may rủi

Không đi theo hướng phát triển thiết bị phần cứng hỗ trợ nông nghiệp mà tập trung xây dựng giải pháp phần mềm giải quyết vấn đề thông tin giữa người nông dân với chính quyền, sau hơn một năm giải pháp của Công ty Cổ phần Ứng dụng di động Xanh (GMA) đã phủ 11 huyện/thị của An Giang. Cơ chế hoạt động của giải pháp này rất đơn giản: hằng ngày, nông dân sẽ nhận được báo giá các loại nông sản trên toàn tỉnh từ ứng dụng. Người báo giá là kỹ thuật viên trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang, các cộng tác viên và cả người sử dụng.

Sau khi có dữ liệu giá đầu vào, hệ thống sẽ phân tích giá dựa trên những người cung cấp có uy tín, vốn là những thành viên gửi dữ liệu về giá gần đúng nhất trong thời gian qua.

Ngoài ra, khi gặp các sự cố trong việc nuôi trồng và chăn nuôi, nông dân có thể truy cập vào hệ thống dữ liệu nông nghiệp ứng dụng hoặc trò chuyện trực tiếp với cán bộ chuyên trách. Hiện hệ thống này có dữ liệu về 300 loại cây trồng, vật nuôi cùng 10.000 câu hỏi về các bệnh, dịch liên quan.

Từ con số không tròn trĩnh hơn một năm trước, hiện ứng dụng Nông nghiệp An Giang do GMA phát triển đã có 18.000 thành viên sử dụng hằng tháng, tương đương 1/3 nông dân ở khu vực này, thu thập hơn 1.200 đầu giá thu mua hằng ngày, hơn 10.000 dữ liệu được số hóa và tiếp nhận 1.500 vấn đề hỗ trợ.

Ông Trần Viết Quân, nhà sáng lập GMA, có cái nhìn khá “ngược đời” khi gia nhập  lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Ông cho rằng, việc xây dựng hệ  thống Internet of Things (IoT) trong nông nghiệp chưa chắc là điều người nông dân cần vì các giải pháp như vậy đòi hỏi nhiều vốn đầu tư và chi phí vận hành khá lớn. Trong khi đa phần người nông dân vẫn đang vật lộn với bài toán đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp.

“Qua khảo sát ở nhiều địa phương, cho đến nay, người nông dân trồng cây nào hay nuôi con gì vẫn còn nặng tính tự phát và phụ thuộc rất lớn vào yếu tố may rủi. Chính vì thế, việc đưa các giải pháp thông tin trên điện thoại di động là khả dĩ hơn” , ông Quân cho biết. Theo tìm hiểu của NCĐT, các doanh nghiệp startup cung cấp giải pháp IoT trong nông nghiệp khá nhiều, có thể kể đến như MimosaTek, Hachi… nhưng mảng cung cấp giải pháp cho chính phủ  thì chỉ có GMA tham gia.

Khi Internet ve dong ruong
 

Kết nối với thế giới

Thực ra, cách mà GMA đang làm với An Giang không mới. Giải pháp này đã được triển khai tại nhiều quốc gia có nền nông nghiệp phát triển như Nhật, Mỹ, Israel, Hàn Quốc… nơi mà công nghệ thông tin được áp dụng rộng rãi vào lĩnh vực nông nghiệp.

Việt Nam đang trong thời điểm thuận lợi để tiến hành số hóa nền nông nghiệp. Thứ nhất, theo Google, Việt Nam hiện có 45,8 triệu người sử đăng ký sử dụng 3G, số lượng điện thoại smartphone đã vượt qua điện thoại phổ thông. Thứ hai, trong các nền nông nghiệp phát triển, việc số hóa các dữ liệu nông nghiệp sẽ cung cấp rất nhiều lợi ích cho các thành phần tham gia vào nền nông nghiệp. Chiến lược của GMA khá rõ ràng, chỉ tập trung vào các những người nông dân giỏi nhất ở từng xã, tỉnh.

Cuối cùng, việc số hóa nông nghiệp chỉ thành công khi có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước. Chính các cơ quan quản lý là đơn vị hiểu nhất về nền nông nghiệp của địa phương. Các cơ quan này cũng sở hữu nhiều dữ liệu, tài liệu nông nghiệp cần được số hóa và lực lượng nhân sự rất lớn, sâu sát tại nhiều khu vực.

Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang, cho biết theo Nghị quyết 09-NG/TU An Giang về phát triển nông nghiệp công nghệ cao có 3 lĩnh vực đặc biệt quan tâm là công nghệ gen di truyền, công nghệ tưới tiêu và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khuyến nông. “Triển khai ứng dụng di động trong việc cung cấp thông tin cho bà con nông dân là một trong ba lĩnh vực tỉnh An Giang quan tâm”, ông Thư nói.

GMA đang tiếp tục chuẩn bị cho giai đoạn hai: thu thập dữ liệu và phân vùng nguyên liệu, năng suất nuôi trồng từng khu vực khác nhau để phục vụ cho dự án phân tích dữ liệu nông nghiệp phục vụ cho việc kết nối thương mại tại An Giang. Đây là mô hình tỉnh sẽ quy hoạch các loại vật nuôi, cây trồng có giá trị cao và kêu gọi người nông dân tham gia.

Ông Quân cho biết hiện giải pháp GMA cung cấp cho tỉnh An Giang có kinh phí đầu tư tính đến nay là gần 3 tỉ đồng. Hiện đã có vài tỉnh quan tâm đến giải pháp của GMA. Nhưng GMA không dừng ở việc bán giải pháp, tham vọng xa hơn của ông Quân là xuất khẩu nông sản ra nước ngoài. Ở giai đoạn hai, các đối tác nước ngoài sẽ được kết nối trực tiếp vùng nguyên liệu, các công ty sản xuất hàng nông sản Việt Nam ở khu vực đó thông qua ứng dụng di động để xúc tiến thương mại. “Hiện chúng tôi đang xây dựng phần mềm và sẽ triển khai với thị trường Singapore trước. Dự kiến cuối năm nay sẽ đưa giải pháp ra thị trường”, ông Quân nói.

Huy Vũ


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới