Hủy
Công Nghệ

Khởi nghiệp thua lỗ hơn 2 tỷ đồng, tôi rút ra được 4 bài học

Ý Nhi Thứ Năm | 11/05/2017 16:16

 
 
Trước tiên, hãy nghiên cứu thật kỹ và dành thời gian nói chuyện với những khách hàng tiềm năng của mình.

Đại đa số các công ty khởi nghiệp (startup) đều thất bại, vì vô số lý do khác nhau. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận về những lý do thất bại thường rơi vào 1 trong 2 thái cực: hoặc là né tránh không nói gì cả, hoặc là tô hồng quá mức và xem đây là chuyện bình thường phải có.

Robert Tregaskes, người đồng sáng lập dự án Shnergle vốn đã đóng cửa vào năm 2013 chỉ sau 1 năm hoạt động, cho biết: “Chúng ta không nên tô hồng những thất bại vì điều này liên quan đến việc nhiều người bị mất việc và mất tiền. Cũng chính vì vậy, chúng ta cần phải nói về nó thay vì cứ mãi cảm thấy xấu hổ, vì vậy tôi hy vọng mọi người sẽ cố gắng làm theo tôi”. Hiện tại, Tregaskes đang làm việc cho công ty kỹ thuật tim mạch Qardio với vị trí giám đốc hậu cần.

Ý tưởng hay, nhưng làm sao thu tiền?

Tregaskes đã xây dựng nên Shnergle với đối tác Jonny Bull vào tháng 11/2012, trong khi cả hai đang làm việc toàn thời gian tại ngân hàng RBS (Anh). Họ lên ý tưởng về một ứng dụng miễn phí trên smartphone, cho phép người dùng kiểm tra hình ảnh và thông tin về một địa điểm mà họ muốn tham quan ngay tức khắc, để từ đó quyết định xem họ có nên đi tới đó hay không.

Tregaskes kể: “Chúng tôi đã huy động được một khoản vốn nho nhỏ, thuê các kỹ sư và bắt đầu triển khai dự án vào cuối tháng 2 năm 2013.” Tuy nhiên, sau 8 tháng, các nhà sáng lập nhận ra rằng mặc dù đó là một ý tưởng tuyệt vời, nhưng mô hình kinh doanh vẫn chưa được chứng minh, việc mở rộng sẽ cực kỳ tốn kém và không đảm bảo mang lại thành công.

Tregaskes nói: “Về cơ bản, chúng tôi nhận ra rằng phải có vấn đề về thần kinh thì mới tiếp tục đầu tư vào dự án này”. Thời điểm họ phát hiện ra điều này là khi tính toán được chi phí thu thập khách hàng (customer acquisition cost) và tỷ lệ chuyển đổi (conversion rate). Theo đó, nếu muốn Shnergle thành công, họ sẽ phải cần rất nhiều người tại cùng một khu vực cùng sử dụng ứng dụng này.

Khoi nghiep thua lo hon 2 ty dong, toi rut ra duoc 4 bai hoc
Ứng dụng Shnergle cho phép người dùng xem hình ảnh và thông tin mới nhất về những nơi họ muốn đến.

Tregaskes giải thích: “Để tính toán được mật độ người dùng cần thiết, bạn sẽ phải tính được bao nhiêu người ở London có iPhone, bao nhiêu cái iPhone cần chạy Shnergle, và chi phí cho mỗi người dùng là bao nhiêu. Chúng tôi nhận thấy mình cần đến 1,2 triệu người dùng ở London để đạt được mức độ bão hòa cần có cho việc kinh doanh”.

Sự ngây thơ

Theo Tregaskes, một trong những vấn đề chính là mô hình doanh thu của Shnergle chưa được chứng minh gì cả. Mặc dù họ đã cho chạy quảng cáo tại các địa điểm và sự kiện để thu hút người dùng đến với họ, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy cơ chế tính giá là khả thi, hoặc các địa điểm sẵn sàng mời mọi người đăng ký sử dụng.

“Chúng tôi không thể biện minh cho việc rót vốn vào dự án này, thực sự khi đó chúng tôi đã quá ngây thơ, và chúng tôi đã học được rất nhiều điều khi mọi thứ thất bại”.

Vấn đề này trở nên rõ ràng hơn khi nhóm đi gặp và trao đổi email với các nhà đầu tư mao hiểm (VC). Tregaskes kể: “Rất nhiều người vào thời điểm đó cho rằng ý tưởng này là tuyệt vời. Mọi người đều hiểu giá trị của nó, nhưng về cơ bản mô hình kinh doanh này không thể hoạt động được”.

“Chúng tôi không thể chuyển sang hướng kinh doanh mới (pivoting) để cứu vãn dự án, vì chẳng thấy có hướng nào khả thi. Tôi rất thích việc chuyển hướng, nhưng sự thực là đôi lúc việc chuyển hướng chỉ là tấm bình phong che đậy cho việc nhảy từ một ý tưởng tồi sang một ý tưởng tệ, và thuyết phục nhà đầu tư rằng ‘yên tâm đi, ý tưởng mới này sẽ tốt hơn cái cũ, hãy cho tôi thêm một ít tiền nào’. Tuy nhiên, thực tế lại chỉ ra rằng mọi thứ sẽ tốt hơn, dễ hơn, ít tốn kém hơn nếu bạn đơn giản là chấm dứt mọi thứ và làm lại từ đầu”.

Sụp đổ

Tregaskes và Bull cuối cùng đã buộc phải chấp nhận thất bại vào tháng 10/2013. Họ đã chi tổng cộng 76.000 bảng Anh (hơn 2,2 tỷ đồng Việt Nam), trong đó 18.000 bảng là tiền cá nhân của Tregaskes. Họ còn lại 2.000 bảng Anh, và số này được chia lại cho các nhà đầu tư.

Tregaskes kể: “Về cơ bản, chúng tôi đã hoàn toàn bị xóa sổ. Tôi đã được hưởng một khoản trợ cấp từ RBS, và còn đủ tiền cho 1 tháng thuê nhà.”

“Tôi cảm thấy rất đau đớn, tôi đã bị phá sản - điều đó thật buồn bã và khiến tôi bị tổn thương. Tôi đã từng ở trong quân đội và chiến đấu ở khu vực Trung Đông. Việc thất bại trong kinh doanh cũng có chấn thương tâm lý tương tự như những năm trong quân ngũ”.

Khoi nghiep thua lo hon 2 ty dong, toi rut ra duoc 4 bai hoc
Website của Shnergle lúc đóng cửa

Không có kiến thức nhưng lại quá vội vã

Theo Tregaskes, rất nhiều người không hiểu phương thức vận hành một dự án khởi nghiệp thành công. Thay vào đó, họ lại vội vã thực hiện mọi thứ mà không nghĩ một cách thấu đáo.

Anh nhấn mạnh: “Một phần của vấn đề này là hầu hết các thông tin mà bạn đọc trên báo chí về các câu chuyện khởi nghiệp đều rất ít chi tiết và nặng tính PR, do đó bạn có thể dễ dàng hiểu sai về việc khởi nghiệp.”

Tregaskes nói thêm: “Khi bị cuốn vào những ảo tưởng và sự hào nhoáng một cách dễ dàng, bạn không thể thấy rõ mọi việc nữa. Rất nhiều thứ trong đó là vớ vẩn và hão huyền”.

Bài học cho các startup

Tregaskes chia sẻ lại một số bài học cho những ai nuôi giấc mơ khởi nghiệp: hãy nghiên cứu thật kỹ và dành thời gian nói chuyện với người dùng của mình, thử làm việc cho một công ty startup trước khi “ra riêng”, biết mình có thể chấp nhận rủi ro tới đâu và chi tiêu tiền một cách khôn ngoan.

Tregaskes cho biết: “Hãy nói chuyện với những khách hàng tiềm năng của bạn trước khi bạn làm bất cứ điều gì khác. Bài học lớn nhất, theo tôi, là đừng để bị ám ảnh về việc bảo vệ ‘ý tưởng của tôi’. Chúng tôi đã làm rất nhiều thứ một cách bí mật và điều đó thật sự rất ngu ngốc. Nếu bạn cứ thích giữ bí mật thì khi bạn tung ra sản phẩm, sẽ chẳng có người dùng nào chờ đón cả. Lời khuyên chính ở đây là: Hãy ra ngoài và nói chuyện với mọi người.”

Khoi nghiep thua lo hon 2 ty dong, toi rut ra duoc 4 bai hoc
Nhà đồng sáng lập Jonny Bull chia sẻ về các trải nghiệm của mình. Ảnh: shnergle.com

Bài học tiếp theo là hãy thử làm việc cho một startup trước khi thành lập công ty của riêng bạn: “Nếu bạn muốn lập startup, đầu tiên hãy thử làm việc cho một startup khác trước. Bằng cách đó, bạn có thể học hỏi  được kinh nghiệm từ những sai lầm của người khác. Bạn có thể không nhận được một mức lương tương xứng, nhưng bạn có thể bù đắp cho điều đó bằng cách học hỏi, và nhìn thấy những thứ xảy ra ngay trước mắt như thế nào. Hãy bảo đảm là bạn chọn đúng startup để giả nhập. Mọi thứ sẽ khó khăn, tuy nhiên bạn sẽ trải nghiệm được rất nhiều thứ”.

Điều quan trọng nữa là phải biết lùi lại, hít một hơi thật sâu và cân nhắc xem liệu bạn có thực sự có đủ khả năng để gánh vác một dự án khởi nghiệp hay không.

Ví dụ, mặc dù thực tế không ai quan tâm nếu bạn thành lập một công ty và thất bại khi bạn 23 tuổi, nhưng khi bạn lớn tuổi hơn thì bạn phải tính đến chuyện trả tiền vay mua nhà hay chu cấp cho gia đình, điều này khiến bạn khó khăn hơn trong việc đối phó với những khó khăn về tài chính.

Tregaskes nói: “Đây là cách nhanh nhất có thể để làm bay hơi tài sản cá nhân của bạn nếu bạn không biết mình đang làm gì và hãy tin tôi đi, hầu hết mọi người không biết họ đang làm gì đâu”.

Anh nói thêm: “Hãy tìm hiểu xem bạn có thể chấp nhận rủi ro được tới mức nào. Bất kỳ người bạn nào nghĩ tới việc khởi nghiệp đều liên lạc với tôi. Và tôi phải nói thật là trong phần lớn các trường hợp, họ đều không biết mình đang làm gì, hoặc là đang có quá nhiều người phụ thuộc vào họ, để họ có thể tham gia vào canh bạc này”.

Cuối cùng, Tregaskes khuyên các công ty mới thành lập phải chi tiền một cách khôn ngoan, ngay cả khi đã huy động được nhiều vốn đầu tư.

“Trong cuộc sống cá nhân của bạn, bạn có thể lãng phí tiền để đi ra ngoài ăn tối, hoặc tham dự các bữa tiệc tùng. Bây giờ hãy tưởng tượng là bạn không chỉ chi tiêu cho bản thân mà còn phải trả lương cho nhân viên, trả tiền cho nhà cung cấp, trả tiền cho các luật sư và một mớ các chi phí linh tinh khác.”

“Bạn có thể sẽ đốt tiền cực kỳ nhanh chóng. Bất kể bạn giàu như thế nào, bạn có thể tiêu hết cả gia tài nếu bạn không cẩn thận. Ngay cả khi giàu có, tôi cũng sẽ suy nghĩ cẩn thận về chi phí. Nếu không làm như vậy, hoặc là bạn quá liều lĩnh hoặc là bạn chẳng quan tâm gì đến người khác”.

Ý Nhi

Nguồn TechWorld


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới