Hủy
Công Nghệ

Mơ lớn với chip nhỏ RFID

Thứ Ba | 26/07/2016 14:00

Công nghệ vi mạch, mà tiêu biểu là RFID, có tiềm năng trở thành một ngành kinh tế chủ lực.
 

Công nghệ vi mạch, mà tiêu biểu là RFID, có tiềm năng trở thành một ngành kinh tế chủ lực.

Thiết bị chống trộm cắp xe máy được chào bán rất nhộn nhịp, tập trung trên đoạn đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5, TP.HCM. Những tay trộm dù sử dụng những “chìa khóa vạn năng” để lấy cắp xe máy đã phải chào thua trước một loại khóa thông minh mới ứng dụng công nghệ thẻ RFID (công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến). Loại khóa này có phần mềm quản lý cài đặt trực tiếp vào bộ phận khởi động máy xe và cài đặt đồng thời với chìa khóa xe. Nếu kẻ gian cố phá khóa, thậm chí, sử dụng khóa không chính chủ thì xe không thể khởi động và còi báo động sẽ hú lên ngay lập tức.

Trên thế giới, ứng dụng của công nghệ RFID được sử dụng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ của các tập đoàn bán lẻ từ hơn 60 năm trước. Tuy vậy, dự án phát triển RFID của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC), trực thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, cùng chủ trì thực hiện với Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn vào 4 năm trước khiến dư luận nghi ngờ về tính khả thi. Nguyên nhân nằm ở tổng kinh phí 145,756 tỉ đồng chỉ nhằm mục đích “thiết kế và chế tạo chip, thẻ, đầu đọc RFID và xây dựng hệ thống ứng dụng”, nghĩa là một dự án công nghệ được đầu tư lớn ngang ngửa các dự án về hạ tầng và năng lượng, vốn là các ngành được xếp vào hàng “cơ bản, không thể không phát triển”. Thời điểm đó, áp lực dồn lên vai các kỹ sư trẻ của ICDREC.

Hiện nay, tài xế khi lưu thông trên Quốc lộ 1 qua trạm thu phí Tasco Quảng Bình đã không phải xếp hàng dài chờ đợi dịch vụ thu phí thủ công như trước, mà đã được thay thế bằng hệ thống tự động đường bộ ETC. Đây là hệ thống được đầu tư và vận hành của liên doanh Công ty TASCO và Công ty VETC. Các trạm thu phí tự động tiếp theo ứng dụng công nghệ RFID cho phép các phương tiện tham gia thông suốt, đồng thời kiểm soát tải trọng xe tự động trên các quốc lộ và cao tốc từ Đà Nẵng trở ra Bắc. Hệ thống sẽ được đưa vào hoạt động có giá trị đầu tư khoảng 3.173 tỉ đồng.

Kỳ nghỉ hè sôi động, tính nhân văn của ứng dụng RFID cũng thể hiện được rõ nét tại trung tâm giải trí dành cho trẻ em Vietopia (quận 7, TP.HCM). Tại cổng soát vé vào cửa, mỗi em bé sẽ được Vietopia đeo một vòng tay nhỏ có gắn thẻ định vị, một chiếc vòng còn lại có cùng tần số sẽ được đeo vào tay người đi cùng. Trong trường hợp trẻ em bị lạc, nhân viên chỉ cần quét vòng tay của người đi cùng và dò tìm tần số trong máy định vị tại khu vui chơi. Vài phút sau, em bé sẽ được tìm thấy trong sự ngỡ ngàng và vui mừng của người thân.

Thực tế, giá trị thương mại của công nghệ RFID lại trải rộng trong rất nhiều lĩnh vực từ quản lý tài sản của các tập đoàn, quản lý kho nguyên liệu và thành phẩm trong dây chuyền may mặc, giải pháp an ninh tổng thể cho thư viện, bảng giá điện tử trong ứng dụng bán hàng tự động hay hệ thống an ninh trong bệnh viện. Qua khảo sát của Ban Quản lý các khu công nghiệp công nghệ cao chính trên địa bàn TP.HCM, NCĐT ghi nhận hơn 70% các khu vực này đã ứng dụng RFID trong hệ thống an ninh quản lý ra vào.

Quay trở lại thời điểm ban đầu gian nan của dự án RFID, ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Thương mại Kỹ thuật Việt Net, là một trong số không nhiều những chuyên gia tin tưởng vào sự thành công của Trung tâm ICDREC. Theo ông, ước tính thị trường này tại Việt Nam có giá trị khoảng 7 triệu USD mỗi năm.

Mo lon voi chip nho RFID
Kỹ thuật viên của ICDREC đang thao tác trên thiết bị. Ảnh: tiepthithegioi.vn

Cũng theo ông Sơn, công nghệ chip RFID và các thiết bị ứng dụng công nghệ này của ICDREC đã theo kịp trình độ của thế giới, giá cả cạnh tranh so với sản phẩm ngoại nhập kể cả của Trung Quốc, nhưng mẫu mã sản phẩm chưa đẹp và cần nâng cấp các tiêu chuẩn để được nước ngoài công nhận. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Bùi Ngọc Châu, một chuyên gia về công nghệ chip RFID tại Thụy Sĩ, các kỹ sư của ICDREC Việt Nam chỉ mới nắm được công nghệ sản xuất chip RFID dành cho một số lĩnh vực giới hạn của thị trường. Thách thức còn rất nhiều đối với các ứng dụng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, lĩnh vực yêu cầu bảo mật cao hơn thì cần phải đầu tư nghiên cứu sâu hơn với việc sản xuất chip theo chuẩn ISO 14.443.

Sau 2 năm triển khai, Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á về thiết kế vi mạch điện tử. Mức đầu tư cho dự án khoa học công nghệ này có giá trị lớn nhất cả nước hiện nay. Bước đầu, dự án đã nghiên cứu và sản xuất thành công chip SG8V1. Lộ trình thương mại hóa được giới chuyên môn đánh giá khả thi vì hàng loạt ứng dụng thiết thực đã được tạo ra từ chip SG8V1 sản xuất quy mô nhỏ (Lab-To-Fab), cho ra thành phẩm khoảng 150.000 con chip ứng dụng trong khóa container, thiết bị giám sát hành trình, điện kế điện tử, modem thu thập dữ liệu DCM, hệ thống quản lý ứng dụng RFID, thiết bị giám sát và định vị nguồn phóng xạ.

Gần đây, ICDREC hợp tác sản xuất các sản phẩm sử dụng vi mạch như chế tạo các thiết bị dùng công nghệ giao tiếp không dây cho các hệ thống điều khiển chiếu sáng thông minh của Điện Quang. Điện Quang có nhu cầu rất lớn sử dụng chip để sản xuất bóng đèn, nhất là đèn LED, vào khoảng 10 triệu con chip các loại  mỗi năm, nhưng chủ yếu nhập khẩu từ Mỹ, Nhật, Đài Loan. Do đó, Điện Quang sẽ sử dụng chip của ICDREC thay thế chip ngoại nhập, tăng tỉ lệ nội địa hóa. Theo ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC, tính đến nay, chip Việt của ICDREC đã được dùng cho gần 50 sản phẩm của các công ty khác.

Việt Nam tiêu thụ khoảng 20 tỉ con chip các loại mỗi năm, nên công nghệ vi mạch mà tiêu biểu là RFID có tiềm năng trở thành một ngành kinh tế chủ lực hỗ trợ sự phát triển của các ngành công nghệ cao khác. Theo Giáo sư Đặng Lương Mô, cố vấn của Đại học Quốc gia TP.HCM, việc làm ra những con chip cũng mới chỉ là bước đầu. Để ngành công nghiệp vi mạch trong nước phát triển, cần tạo ra một hệ sinh thái cho ngành này. Trước tiên, cần tạo thói quen sử dụng hàng nội của cả người dân và doanh nghiệp, cùng với đó là chính sách hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp ứng dụng chip.

An Cầm


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới