“Mùa đông” của các startup sắp vào giai đoạn cao điểm
Môi trường kinh tế vĩ mô đầy thách thức đã đẩy các starup vào tình trạng khó khăn. Ảnh: Global.
Thị trường IPO thế giới đang diễn ra sôi nổi, tuy nhiên đây lại không phải là tín hiệu tốt dành cho các startup muốn huy động vốn trong lúc này. Nhiều công ty rơi vào tình trạng “chết dần”, buộc phải đóng cửa, tìm nhà đầu tư mới hay thậm chí là rao bán vì cạn kiệt nguồn vốn.
Captain, một startup cho vay, đang đứng trước nguy cơ sụp đổ sau thời gian thua lỗ, Công ty quyết định cắt giảm nhân sự để tiết kiệm chi phí, rồi xoay vốn bằng cách gây quỹ và vay nợ. Tuy nhiên, việc gây quỹ không thành công khiến công ty phải tìm người mua lại trước khi mất khả năng gượng dậy. Trong khi đó, Recur, một startup NFT từng được định giá hơn 300 triệu USD, gần đây đã thông báo đóng cửa. Web3, startup về giáo dục, cũng tuyên bố ngừng hoạt động vô thời hạn.
Thời điểm hiện tại, việc huy động vốn đầu tư mạo hiểm là điều khá khó khăn đối với toàn thị trường. Đó là lý do vì sao có rất nhiều startup từng thành công lại đang chật vật để tồn tại. Số vốn cần huy động đạt mức cao kỷ lục kể từ cuối năm 2019, với hơn 50.000 startup đang nhận hỗ trợ từ các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Mỹ. Con số này lớn hơn gấp đôi so với năm 2016. Theo báo cáo của PitchBook, nếu số lượng tiếp tục tăng, có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt vốn cao.
“Hoạt động huy động vốn của các công ty trên thị trường vốn đầu tư mạo hiểm Mỹ đang sụt giảm trong 5 quý liên tiếp. Mức vốn huy động được giảm xuống thấp nhất trong vòng 9 năm. Trong 2 quý vừa qua, mức thâm hụt còn sâu hơn nếu so với thời điểm năm 2021”, ông Kyle Stanford, Chuyên gia phân tích tại PitchBook, cho biết.
Nguồn vốn đầu tư mạo hiểm “thịnh” nhất vào giai đoạn nửa cuối năm 2022 và cả năm 2021. Thời điểm đó đã có gần 19.000 lượt giao dịch được thực hiện, tuy nhiên những áp lực kinh tế vĩ mô đã làm cho xu hướng này giảm dần vào năm 2022. Tốc độ gây quỹ chậm lại ảnh hưởng đến các startup năm ngoái đã lan sang các nhà đầu tư mạo hiểm. Do đó, các quỹ đầu tư mạo hiểm đặt cược vào các startup cũng đã trì hoãn tốc độ đầu tư, đặc biệt là trong bối cảnh khan hiếm các thương vụ startup IPO thành công.
Ông Stanford cho biết thời gian trung bình giữa các vòng cấp hiện rơi vào khoảng 1,5 năm, tương tự lúc trước khi đại dịch COVID-19 diễn ra. Có nghĩa là nếu một startup từng huy động vốn vào quý I/2022 thì đến khoảng quý IV/2023 startup này sẽ cần phải tìm nguồn vốn mới. Tuy nhiên, tình hình của mỗi công ty có thể khác nhau, tùy thuộc vào chi phí vận hành. Vì vậy, ông Stanford e ngại rằng ngoại trừ những startup trí tuệ nhân tạo (A.I), lĩnh vực đang làm mưa làm gió trên thị trường, khả năng cao các startup khác khó thoát khỏi làn sóng “bán mình”.
Một điều cần lưu ý là không phải các quỹ đầu tư mạo hiểm trở nên “keo kiệt” mà môi trường kinh tế căng thẳng buộc các công ty phải cắt giảm hoạt động hỗ trợ huy động vốn trong năm nay. Tiger Global, công ty đầu tư khởi nghiệp từng thực hiện 335 giao dịch ở Mỹ vào năm 2021, gần đây đã cắt giảm mục tiêu cho quỹ đầu tư mạo hiểm của mình xuống còn 5 tỉ USD thay vì mức 6 tỉ USD đề ra trước đó.
Trước tình hình khó khăn như hiện tại, các startup có thể phải tự kêu gọi để thu hút sự chú ý của các quỹ đầu tư mạo hiểm trong thời gian tới. Môi trường gây quỹ nhiều thách thức dường như đang mang “mùa đông” đến gần hơn với các startup. Một loạt startup đóng cửa trong năm nay cho thấy sự “lạnh lẽo” trong cách hoạt động của lĩnh vực kinh doanh đầu tư mạo hiểm. Các nhà đầu tư mạo hiểm có nhiều sự lựa chọn hơn, và chỉ cần một số ít startup thành công, họ đã có thể thu về lợi nhuận cho mình.
Có thể bạn quan tâm:.
Pháp chi 200 triệu Euro tiêu huỷ rượu vang dư thừa
Nguồn Business Insider
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư