Hủy
Công Nghệ

Mỹ Latinh điểm nóng công nghệ mới

Văn Quốc Thứ Tư | 03/11/2021 10:00

Năm ngoái, vốn mạo hiểm đổ vào Mỹ Latinh đã lên tới 4,1 tỉ USD, vượt xa mức 3,3 tỉ USD của Đông Nam Á và cao hơn cả khu vực châu Phi, Trung Đông và Trung và Đông Âu cộng lại. Ảnh: Kavak.

 
 
Mỹ Latinh đã vượt qua Đông Nam Á trở thành điểm nóng nhất về công nghệ của thế giới.

Làn sóng startup mới nhất của Mỹ Latinh

Mua một chiếc xe đã qua sử dụng, thuê một căn hộ hay mở tài khoản ngân hàng... là những trải nghiệm “kinh khủng” ở Mỹ Latinh do thủ tục rườm rà, cơ chế quan liêu. Các startup được tạo ra để giải quyết các vấn đề như vậy đang đưa Mỹ Latinh trở thành tuyến đầu trong cơn sốt công nghệ tại các thị trường mới nổi.

Năm ngoái, vốn mạo hiểm đổ vào Mỹ Latinh đã lên tới 4,1 tỉ USD, vượt xa mức 3,3 tỉ USD của Đông Nam Á và cao hơn cả khu vực châu Phi, Trung Đông và Trung và Đông Âu cộng lại, theo Global Private Capital Association. Trong nửa đầu năm 2021, Mỹ Latinh đã thu hút 6,5 tỉ USD vốn đầu tư mạo hiểm, không quá kém so với mức 8,3 tỉ USD của Ấn Độ.

Nubank là đại diện cho hạt giống mới của thế hệ startup Mỹ Latinh. Nubank là một ngân hàng kỹ thuật số hoàn toàn trực tuyến (neobank) do David Vélez đồng sáng lập vào năm 2013. Vélez đã phải mất 6 tháng mới mở được tài khoản ngân hàng khi ông chuyển đến São Paulo, thôi thúc ông cho ra đời Nubank. Hiện Nubank sở hữu lượng khách hàng lớn hơn bất kỳ ngân hàng số độc lập nào khác trên thế giới.

Một cuộc IPO sắp tới có thể định giá doanh nghiệp Brazil này lên tới hơn 50 tỉ USD. Con số này so sánh với mức định giá 79 tỉ USD của Mercado Libre, công ty có giá trị nhất của Mỹ Latinh được thành lập vào năm 1999 trong làn sóng công nghệ đầu tiên.

Ảnh: labsnews.com.
Làn sóng startup mới nhất của Mỹ Latinh đã thu hút sự chú ý của một số nhà đầu tư giàu có nhất trong ngành công nghệ. Ảnh: labsnews.com.

Làn sóng startup mới nhất của Mỹ Latinh đã thu hút sự chú ý của một số nhà đầu tư giàu có nhất trong ngành công nghệ. Marcelo Claure, Giám đốc Hoạt động của SoftBank (Nhật), mới đây tuyên bố quỹ công nghệ thứ 2 tập trung vào khu vực Mỹ Latinh với vốn cam kết 3 tỉ USD ngoài mức 5 tỉ USD của quỹ thứ nhất ra mắt năm 2019.

“Chúng tôi thực sự rất kinh ngạc trước chất lượng và số lượng các công ty tuyệt vời mà đang rất khát vốn tại Mỹ Latinh. Vì thế, chúng tôi đã bắt đầu triển khai rót vốn. Có quá nhiều dư địa để cải thiện cuộc sống của người dân ở đây, vì tất cả các hệ thống đều thiếu hiệu quả và không thở nổi bởi cơ chế quan liêu... Đây là cơ hội khổng lồ cho ngành công nghệ phá bĩnh”, Claure nói.

Kỳ lân đầu tiên của Mexico - Kavak - là một kẻ phá bĩnh như thế. Được định giá 8,7 tỉ USD trong vòng huy động vốn vào tháng 9/2021, Kavak nhắm đến cải thiện trải nghiệm mua ô tô đã qua sử dụng khi cung cấp cho người mua các dịch vụ như kiểm tra cơ khí, bảo lãnh, tín dụng nhanh trực tuyến và giao xe tận nơi. Các nhà đầu tư vào Nubank có General Catalyst, SoftBank và các công ty khác.

Quinto Andar (Brazil) thì đơn giản hóa thách thức thuê căn hộ bằng cách cắt các khâu trung gian, loại bỏ việc phải đặt cọc khoản tiền lớn, phải có người đứng ra bảo lãnh hay chi phí bảo hiểm đắt đỏ. Còn Notco (Chile) áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để phát triển các sản phẩm thay thế từ thực vật. Được định giá 1,5 tỉ USD trong một vòng gọi vốn vào tháng 7, Notco đang bành trướng vào thị trường Mỹ và Canada.

 

Kavak, Quinto Andar và Nubank là những ví dụ điển hình cho thấy các startup thành công nhất của Mỹ Latinh đã rất xuất sắc trong việc giải quyết các vấn đề của khu vực này như thế nào. Hernán Kazah, đồng sáng lập Kaszek Ventures, cho biết các startup sáng tạo của Mỹ Latinh đang trở thành niềm ganh tị của nhiều người. “Bạn chứng kiến các công ty bên ngoài khu vực nói rằng tôi muốn trở thành Nubank của Đức. Điều đó chưa từng có trước đây”, ông nói.

Các dịch vụ tài chính đã và đang chiếm lĩnh bức tranh startup của Mỹ Latinh với khoảng 40% vốn tư nhân của năm ngoái chảy vào các fintech, theo số liệu của LAVCA. Trước khi đại dịch bùng phát, hơn 50% cư dân ở Mỹ Latinh không sử dụng dịch vụ ngân hàng. Nhưng chỉ trong vài tháng (từ tháng 5-9/2020), 40 triệu người dân đã mở một tài khoản ngân hàng, theo nghiên cứu của Mastercard. Các fintech như Nubank và Ualá (Argentina) đã đóng vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy sự bành trướng này. Tại Brazil, Ngân hàng Trung ương đã tung ra Pix, một hệ thống chuyển tiền nhanh qua thiết bị di động có tới 110 triệu người đăng ký sử dụng.

Đón đầu cơ hội

Giống như ở các khu vực khác, đại dịch COVID-19 đã làm tăng tốc cuộc chuyển đổi số tại đây. “Trong nhiều năm, Mỹ Latinh - một khu vực chiếm tỉ trọng lớn trong GDP toàn cầu bởi đây là những quốc gia thu nhập trung bình - đã bị thiếu đầu tư về mặt công nghệ.

Điều mà chúng tôi đang chứng kiến là một sự bắt kịp về chất cũng như về lượng, khi ai nấy đều háo hức khai thác các cơ hội ở đây”, Pierpaolo Barbieri, sáng lập Ualá, nói. Tuy nhiên, tại một số lĩnh vực, Mỹ Latinh vẫn còn tụt hậu. “70% thương mại ở Trung Quốc là qua mạng, gần 50% ở Mỹ nhưng chỉ có 20% ở Mỹ Latinh. Vì thế, quá trình số hóa nền kinh tế vẫn còn một quãng đường dài để đi”, Barbieri nói.

 

Theo Julio Vasconcellos, đồng sáng lập Atlantico, quỹ đầu tư mạo hiểm Mỹ Latinh, tổng vốn hóa thị trường công nghệ của Mỹ Latinh ở mức 3,4% GDP, so với 30% ở Trung Quốc và 14% ở Ấn Độ. “Nếu Mỹ Latinh đạt tới mức độ thâm nhập công nghệ trong nền kinh tế như ở Trung Quốc, chúng ta đang nói đến việc tương đương sẽ có hơn 1.000 tỉ USD giá trị thị trường được tạo ra”, ông nói.

Còn bao lâu mới đạt được mức độ này thì chưa rõ. Nhưng nhiều công ty đã sớm nhảy vào thị trường này để đón đầu cơ hội. Francisco Alvarez-Demalde, đồng sáng lập Riverwood Capital (trụ sở tại Mỹ), đã và đang đầu tư vào Mỹ Latinh kể từ năm 2008. Ông dự báo tốc độ tăng trưởng doanh thu ở ngành công nghệ Mỹ Latinh sẽ rất mạnh. “Có lượng vốn đáng kể chảy vào khu vực này và đang tăng tốc rất nhanh trong vài năm qua”, ông nói.

Nhưng Alvarez-Demalde cũng khuyến cáo "cần sẵn sàng cho những biến động tại đây”. Thực tế, khu vực này đang đối mặt với nhiều thách thức như bị ảnh hưởng bởi chu kỳ giá cả hàng hóa (Mỹ Latinh là nhà xuất khẩu chính hàng hóa của thế giới), biến động chính trị, thiếu kỹ sư phần mềm, hạ tầng viễn thông còn yếu... Nhưng điều đó cũng không hề ngăn cản bước chân của SoftBank, vốn đang tăng mạnh canh bạc đặt cược vào Mỹ Latinh. “Hiện quỹ Mỹ Latinh có tỉ suất hoàn vốn nội bộ hơn 100% theo giá trị đồng nội tệ và có lẽ là quỹ có kết quả tốt nhất mà chúng tôi có được xét về IRR”, Claure thuộc SoftBank nói.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới