Ngân hàng nhắm đến "mỏ vàng" thanh toán dịch vụ công
Các dịch vụ thu hộ qua ngân hàng ngày càng tăng. Ảnh: Quý Hòa
Trong một buổi hội thảo về “Xã hội không tiền mặt” gần đây, đại diện Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) cho biết đã ngừng thu tiền điện tại nhà từ năm 2018. Với mô hình cộng tác 23 ngân hàng và 9 đối tác thu hộ, tỉ lệ thu hộ tiền điện của Công ty Điện lực ở TP.HCM đã lên đến 90% vào năm 2017, tăng vọt so với con số 21,6% vào năm 2010. Nhưng con số đáng chú ý nữa là tính đến cuối năm 2018, tỉ lệ thanh toán không tiền mặt lên đến 90,51%.
Trong tương lai, mọi khoản dịch vụ công khác cũng kỳ vọng điều tương tự, như trường học, bệnh viện, môi trường, bưu chính, an sinh xã hội... khi Chính phủ mới ban hành Nghị quyết 02/2019 yêu cầu đẩy nhanh các hoạt động thanh toán không tiền mặt với dịch vụ công trước tháng 12.2019. Trước đó, vào đầu năm ngoái, đề án “đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và các chương trình an sinh xã hội” đã được giới thẩm quyền phê duyệt.
Trước đây, có nhiều khoản dịch vụ công là nhỏ, lẻ nên các ngân hàng rất ngại đi thu vì chi phí cao (chi phí kết nối, xây dựng hạ tầng...). Đây cũng là lý do vì sao các ví điện tử nhảy vào lấp khoảng trống đó. Tuy nhiên, khi quy mô lớn hơn, thói quen thay đổi và công nghệ cho phép, các ngân hàng không dễ gì bỏ qua “mỏ vàng” mới mẻ này.
Điển hình như dịch vụ nộp thuế điện tử. Từ khi Tổng cục Thuế bắt đầu quy trình khai nộp thuế trực tuyến, rất nhiều ngân hàng nhảy vào cung cấp dịch vụ này. Chưa tính đến số tiền phí giao dịch, ngân hàng cũng thu lợi ở nhiều khía cạnh khác như huy động vốn giá rất rẻ, hay bán chéo sản phẩm với các đơn vị liên kết hay doanh nghiệp.
Thêm nữa, tập trung vào hoạt động thanh toán cũng là mục tiêu trong chiến lược “ngân hàng bán lẻ” mà tổ chức tín dụng nào cũng hướng đến trong thời điểm hiện nay. Trên thực tế, các ngân hàng nhận ra điều này từ sớm và chủ động đi kết nối với các đơn vị công. Tuy nhiên, các đại gia “buôn tiền” này khó mà nhận được cái “gật đầu” từ các đơn vị đối tác, mặc dù phía ngân hàng đồng ý lo hết phần công nghệ và hạ tầng thanh toán, vì nhiều lý do khác nhau.
Ông Từ Tiến Phát, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB, chia sẻ Ngân hàng đã hỏi thăm nhiều trường học trên toàn quốc. “Rào cản lớn nhất là không có chi phí trả cho Ngân hàng, trong khi mỗi trường có hệ thống công nghệ thông tin riêng, thậm chí là không có”, ông Phát cho biết.
Tuy nhiên, phí không phải là rào cản duy nhất. Theo bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch Trường Đại học Fulbright, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam, sự thuận tiện mới là yếu tố đầu tiên cần tính đến, một khi đã trở thành thói quen thì lúc đó người dân khó bỏ.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, cho rằng cần phải có thêm nhiều sản phẩm phù hợp với hành vi và nhu cầu người sử dụng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. “Cần tăng cường sự kết nối, tích hợp giữa đơn vị cung ứng dịch vụ với các hệ thống thanh toán tạo cơ sở để triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới”, ông Dũng nhấn mạnh.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện có 76 đơn vị đã triển khai dịch vụ thanh toán qua internet và 41 đơn vị triển khai thanh toán qua di động. Số lượng ngân hàng tham gia vào mảng thanh toán dịch vụ công là rất nhiều bởi ngân hàng nào cũng muốn “xí phần” trước, đặc biệt là dưới áp lực của các fintech (công ty công nghệ tài chính), nhưng chi phí để phát triển và kết nối với các đơn vị lại quá tốn kém.
Khi nhiều ngân hàng tham gia vào cuộc chơi hơn, các chuyên gia cũng đặt câu hỏi về mức độ và khả năng cạnh tranh. “Hệ sinh thái mà chúng ta xây dựng sẽ thống nhất và đồng bộ như thế nào để chúng ta cạnh tranh, nhiều khi là không lành mạnh cho những người tham gia”, bà Thủy đặt câu hỏi.
Hiện tại, Việt Nam có tỉ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh và dữ liệu di động rất cao. Đây là tiền đề cho các dịch vụ thanh toán qua di động phát triển. Công nghệ thanh toán ngày nay cũng đã tiến bộ hơn nhiều, cho phép thiết lập một nền tảng mà các bên có thể liên kết với nhau, thay vì mạnh ai nấy làm như trước kia. Điều này cho phép mạng lưới thanh toán được mở rộng nhanh hơn và tiện lợi hơn rất nhiều. Tuy nhiên, một yếu tố khác là vấn đề bảo mật khi những giao dịch điện tử cũng có những rủi ro riêng, bà Thủy cho biết.
Trong năm nay cơ quan quản lý buộc các tổ chức tín dụng chuyển đổi thẻ nội địa từ thẻ từ sang thẻ chip, cùng với các thiết bị chấp nhận thẻ sẽ phải tuân thủ tiêu chuẩn cao hơn. Đây cũng là lần đầu tiên mà ngành ngân hàng có bộ tiêu chuẩn chung thống nhất về thẻ thanh toán.
Ngoài những nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng pháp lý, cơ sở hạ tầng thanh toán, một vấn đề quan trọng nữa là truyền thông nhằm thay đổi nhận thức, hành vi, giảm tâm lý e dè với hệ thống ngân hàng. Bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ phó Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước, cho biết: “Đây cũng là 3 trụ cột chính để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt trong thời gian tới”.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư