Người hùng Climate Tech
Ảnh: shutterstock.com.
Cuộc thi Thách thức Net Zero năm nay thu hút tới 500 đội tham gia đến từ 55 quốc gia. Tại đây, nhiều giải pháp bảo vệ môi trường được trình diễn một cách thuyết phục. Như đội CO2L Tech (Canada) với công nghệ thu hồi và chuyển hóa CO2 thành các hóa chất như axit formic và muối formate, giúp giảm 90% lượng phát thải carbon. Đội N&E Innovations (Singapore) với lớp phủ và bao bì kháng khuẩn có khả năng phân hủy sinh học, giúp giảm tổn thất sau thu hoạch ít nhất 20%. Đội Bygen (Úc) sản xuất than hoạt tính từ chất thải công nghiệp với chi phí sản xuất thấp hơn 60%...
Có thể thấy, các startup công nghệ khí hậu (climate tech) đang chọn Việt Nam là điểm đến khi quốc gia này đưa ra cam kết mạnh mẽ sẽ đạt trung hòa khí thải carbon vào năm 2050. Cũng như Việt Nam, áp dụng công nghệ khí hậu thay thế cho các nguồn năng lượng thông thường đang được thúc đẩy trên toàn thế giới do nhận thức ngày càng tăng về những tác động tiêu cực của suy thoái môi trường...
Trong xu hướng này, startup khí hậu ngày càng thu hút sự quan tâm của chính phủ cũng như nhà đầu tư. Theo Future Market Insights, thị trường công nghệ khí hậu toàn cầu ước tính sẽ tăng trưởng ở mức CAGR là 24,5% từ năm 2023-2033, so với mức CAGR 22,4% trong giai đoạn 2018-2022. Hội nghị Thượng đỉnh Biến đổi Khí hậu Liên Hiệp Quốc (COP29), diễn ra tại Baku, Azerbaijan mới đây, đã đạt được thỏa thuận về việc hỗ trợ 300 tỉ USD mỗi năm cho các nước nghèo đến năm 2035 để giúp họ đối phó với hậu quả ngày càng thảm khốc của cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu.
Theo Báo cáo hệ sinh thái tài trợ công nghệ khí hậu tại Việt Nam 2024 do New Energy Nexus Việt Nam kết hợp Clickable Impact Consulting Group công bố, trong giai đoạn 2015-2023, 49 doanh nghiệp climate tech tại Việt Nam đã nhận 92,6 triệu USD từ các quỹ đầu tư.
World Bank ước tính Việt Nam sẽ cần đầu tư thêm vào climate tech với tổng trị giá 368 tỉ USD cho đến năm 2040 để tiếp tục hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0.
Bà Heng Li Lang, Trưởng Bộ phận Khí hậu và Phát triển bền vững của Quỹ Temasek, tin rằng vì là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu, Việt Nam đang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư này.
Ở góc nhìn thực tế hơn, bà Ngô Thùy Ngọc Tú, đồng sáng lập Touchstone Partners, cho rằng đối với các giải pháp công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu, không chỉ cần phát triển nhanh, mà còn phải được thương mại hóa ở quy mô lớn và có nguồn lực tại chỗ dồi dào để thực hiện mục tiêu.
Thực tế, dù đứng trước nguồn vốn sẵn sàng nhưng nhiều startup đang rơi vào tình trạng thiếu vốn ở giai đoạn mà họ cần hàng chục hoặc hàng trăm triệu USD để xây dựng nhà máy đầu tiên. Bà Thảo Trần, Giám đốc Quốc gia New Energy Nexus tại Việt Nam, khẳng định vấn đề này trầm trọng hơn trong bối cảnh pháp lý không ổn định, tín hiệu cầu không đủ và tình trạng thiếu nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể tạo thêm giá trị cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Tại Việt Nam, hầu hết các đầu tư vào climate tech đều ở giai đoạn đầu, với nguồn tài trợ hạt giống và series A chiếm 47% tổng số giao dịch. Chỉ có 2 công ty khởi nghiệp đã hoàn thành vòng series B là Entobel và Logival.
Vì vậy, khi thị trường climate tech sôi động trên khắp thế giới, các nhà đầu tư và startup trong lĩnh vực này càng mong muốn thúc đẩy sự hỗ trợ thiết thực và đáng kể hơn từ chính phủ.
Chẳng hạn, đại diện AirX Carbon nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thành lập các trung tâm cung cấp thiết bị, máy móc và cơ sở phòng thí nghiệm cần thiết để phát triển nguyên mẫu. Do thiếu ưu đãi về thuế đối với việc sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc sinh học để khuyến khích nhu cầu trong nước, những công ty khởi nghiệp này thường tập trung vào việc xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Mỹ và Nhật để tạo ra doanh thu.
Để giảm rào cản gia nhập thị trường, Việt Nam có thể tham khảo cách tiếp cận của Singapore khi triển khai Kế hoạch Xanh Singapore 2030, phát triển những trung tâm chuyên biệt, nơi các startup có thể tiếp cận thiết bị và cơ sở hiện đại để phát triển sản phẩm. Hay Hong Kong (Trung Quốc) đã triển khai một số chương trình cung cấp hỗ trợ tài chính giai đoạn đầu và tạo điều kiện thương mại hóa các sáng kiến mới. Những sáng kiến này giúp giảm gánh nặng tài chính và khuyến khích nhu cầu trong nước đối với sản phẩm xanh. Việt Nam cũng có thể tiếp tục thử nghiệm các phương pháp tiếp cận sandbox để kiểm tra và giảm thiểu rủi ro pháp lý đầu tư trong những lĩnh vực như carbon, kinh tế tuần hoàn và tài chính xanh.
Một nghiên cứu năm 2024 của PwC cho biết Việt Nam có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong cuộc chạy đua với biến đổi khí hậu. Trong đó, Việt Nam đã không đạt gần đến tỉ lệ giảm phát thải carbon theo yêu cầu là 17,2% hằng năm. Thời thế tạo anh hùng và đây là lúc các startup công nghệ khí hậu phải trở thành người hùng để giải bài toán khó của Việt Nam.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Hồ Đắc Nguyên Ngã
-
Văn Kim
-
Tiến sĩ - Bác sĩ Lâm Đức Hoàng (Trần Chung ghi)
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Vân Nguyễn