Hủy
Công Nghệ

Những chiếc iPhone được sản xuất trên đất Mỹ, một "giấc mơ xa vời"?

Minh Duy Thứ Tư | 11/08/2021 09:14

Apple phụ thuộc vào Trung Quốc để sản xuất iPhone. Ảnh: CNET.

Những chiếc iPhone sản xuất trên đất Mỹ khả năng cao sẽ không xuất hiện trong tương lai gần, bất chấp việc hỗ trợ từ chính quyền Biden.
 

Ngày nay, hàng triệu công việc sản xuất của Mỹ được chuyển ra nước ngoài và nhiều công ty gần như hoàn toàn phụ thuộc vào các nhà máy đặt cách xa họ cả nửa vòng trái đất. Nhưng điều đó giờ đây có thể bắt đầu thay đổi.

Theo CNET, COVID-19 cho thấy toàn bộ hệ thống này mỏng manh như thế nào. Nhiều nhà máy ở Trung Quốc buộc phải đóng cửa vì virus bắt đầu lây lan. Nhưng đó không phải là tất cả. Ngay cả khi các nhà máy của Trung Quốc bắt đầu từ từ khởi động lại sản xuất, các công ty phải đối mặt với sự gián đoạn trong vận chuyển từ vận tải đường bộ đến hàng không.

Các chuyên gia sản xuất cho biết thời gian đầu bệnh dịch bùng phát ở Trung Quốc đã cho thấy trong tình huống khó khăn, các nhà máy Mỹ chưa đủ khả năng lấp đầy khoảng trống. Đó cũng là một phần lý do hồi đầu năm nay, Tổng thống Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp củng cố chiến lược "Buy American" (Mua hàng Mỹ), khuyến khích chính phủ liên bang chi ngân sách hàng tỉ USD để mua các hàng hóa có 75% bộ phận được sản xuất trong nước.

Sắc lệnh thể hiện hy vọng việc thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm của Mỹ sẽ khiến các công ty bắt đầu tái đầu tư vào lĩnh vực sản xuất ở quê nhà.

Tổng thống Biden không đơn độc trong việc cố gắng giải quyết vấn đề này. Hồi tháng 4, CEO Apple Tim Cook đã cam kết Apple sẽ chi 430 tỉ USD cho các khoản đầu tư tại Mỹ nhằm tạo ra thêm 20.000 việc làm trong 5 năm tới trong các lĩnh vực mạng không dây 5G, trí tuệ nhân tạo và chip silicon.

Tuy nhiên, ngay cả với khoản đầu tư hàng tỉ USD, khó có khả năng Apple và ông Tim Cook sẽ chọn Mỹ làm nơi sản xuất các sản phẩm chủ chốt của Apple. Trong nhiều năm tới, iPhone rất có thể sẽ tiếp tục được lắp ráp tại các nhà máy ở Trung Quốc.

Các chuyên gia và những người ủng hộ ý tưởng sản xuất iPhone tại Mỹ cho rằng, Mỹ sẽ cần phải dành nhiều năm đầu tư vào các công nghệ sản xuất mới đồng thời trợ cấp cho các công ty nhằm bù mức lương và chi phí thấp ở nước ngoài mới có thể tạo ra sự thay đổi.

Mỹ cũng cần phải xây dựng lại hệ thống giáo dục và học nghề để cải thiện nguồn lao động cho công việc sản xuất và thuyết phục mọi người rằng đây là một lĩnh vực nghề nghiệp đáng tham gia.

Chuỗi cung ứng toàn cầu cho các sản phẩm mà người Mỹ yêu thích như điện thoại di động, ôtô, máy tính, tủ lạnh, cũng sẽ cần được đem trở lại các bờ biển của Mỹ.

Có lẽ rào cản lớn nhất đối với ngành sản xuất Mỹ lúc này là người dùng Mỹ. Mặc dù, các cuộc thăm dò "Mua hàng Mỹ" cho kết quả tốt với phần lớn người được hỏi ủng hộ hàng hóa sản xuất trong nước, người dùng Mỹ dường như vẫn tiếp tục mua đồ bất kể nó đến từ đâu.

 

Nhiều thập niên trước, các công ty sản xuất xe hơi, thuốc và đồ chơi đều chế tạo sản phẩm ở Mỹ. Nhưng hiện nay, trong tủ quần áo của hầu hết các hộ gia đình Mỹ đều xuất hiện sản phẩm đến từ các quốc gia như Việt Nam, Bangladesh hoặc Colombia. Những món đồ chơi của Mattel cũng được sản xuất ở Trung Quốc, Indonesia và Mexico.

Khi các tiện ích và thiết bị thông minh ngày càng trở nên tiên tiến và gắn liền với cuộc sống của con người, ngành công nghệ đã biến thành một mạng lưới rộng khắp gồm các nhà cung cấp và nhà sản xuất trên toàn thế giới. Khoáng sản khai thác từ các mỏ ở châu Phi, Australia, Nam Mỹ và Mỹ được đưa đi khắp thế giới để nấu chảy, xử lý và tạo thành các vi mạch, cảm biến, pin và nhiều loại linh kiện đặc biệt.

Sản xuất nhiều sản phẩm hơn ở Mỹ là một ý tưởng mà tổng thống của cả hai đảng từ lâu đã cố gắng thúc đẩy. Cựu Tổng thống Donald Trump với sự ủng hộ của các bang mạnh về sản xuất như Pennsylvania, Ohio, Michigan và Wisconsin, từng hứa sẽ mang công ăn việc làm về Mỹ. Một số công việc thực sự đã quay trở lại Mỹ trong suốt 4 năm ông ấy tại vị, nhưng với tốc độ tương tự thời chính quyền Barack Obama.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm nhà máy sản xuất xe tải Mack Trucks ngày 28/7. Ảnh: AP.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm nhà máy sản xuất xe tải Mack Trucks ngày 28/7. Ảnh: AP.

Giờ đây, ông Biden hy vọng sẽ đạt được nhiều tiến bộ hơn những người tiền nhiệm bằng cách thành lập một nhóm chuyên biệt về chương trình "Buy American" trong Văn phòng Quản lý và Ngân sách.

Mặc dù có khả năng sản xuất một số sản phẩm cao cấp trong nước, việc sử dụng những hàng hóa thiết yếu hàng ngày hoàn toàn do Mỹ sản xuất không phải là điều dễ dàng. Rất nhiều thứ không còn được sản xuất trong một thị trấn hoặc nhà máy duy nhất. Thay vào đó, nó được lắp ráp từ các bộ phận được tập hợp lại từ khắp nơi trên thế giới.

Nhà máy mới nhất của Intel mang tên Fab 42, đã đi vào hoạt động vào năm 2020 trong khuôn viên Ocotillo của công ty ở Chandler, Arizona, Mỹ. Ảnh: Intel.
Nhà máy mới nhất của Intel mang tên Fab 42, đã đi vào hoạt động vào năm 2020 trong khuôn viên Ocotillo của công ty ở Chandler, Arizona, Mỹ. Ảnh: Intel.

Tuy đại dịch và các vấn đề với chuỗi cung ứng toàn cầu có thể thuyết phục các công ty đầu tư trở lại Mỹ. Ba nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới gồm Intel, TSMC và Samsung đã cam kết đầu tư tổng cộng khoảng 42 tỉ USD vào các nhà máy sản xuất chip mới có trụ sở tại Mỹ ở Arizona và Texas.

Mọi chiếc iPhone đều ghi rằng
Mọi chiếc iPhone đều ghi rằng "Được thiết kế bởi Apple ở California." Nhưng nó được lắp ráp ở một nơi khác. Ảnh: CNET.

Về phần mình, Apple cam kết trị giá 430 tỉ USD dành cho các lĩnh vực như sản xuất chip và công nghệ không dây 5G. Năm 2019, Apple cũng đã đem dây chuyền sản xuất máy tính Mac trở lại Mỹ. Tuy nhiên, máy tính Mac chỉ chiếm 10% doanh số của Apple vào năm ngoái, thậm chí Mac Pro mạnh mẽ, được thiết kế cho đồ họa chuyên nghiệp, chỉnh sửa âm thanh và video, lại không nằm trong số những máy tính bán chạy nhất.

Có thể bạn quan tâm:

Chip giả tấn công thế giới công nghệ


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới