Hủy
Công Nghệ

SWIFT, đòn trừng phạt duy nhất thật sự ảnh hưởng đến Nga là gì?

Quyên Phạm Thứ Năm | 03/03/2022 10:13

Ảnh: CNBC.

 
 
Trong hệ thống tài chính quốc tế, Swift đóng vai trò trung tâm đến nỗi bất kỳ động thái liên quan đến nó đều làm các chủ ngân hàng bối rối.

Khi Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt mới lên Nga, để đáp lại động thái của nước này tại Ukraine, việc cắt quyền truy cập vào hệ thống nhắn tin mang tên Swift là một lựa chọn hàng đầu. Trong hệ thống tài chính quốc tế, Swift đóng vai trò trung tâm đến nỗi bất kỳ cuộc nói chuyện nào như trên đều làm các chủ ngân hàng và các nhà ngoại giao bối rối.

Tổng thống Vladimir Putin. Ảnh: Mikhail Metzel/ AFP/ Getty Images
Tổng thống Vladimir Putin. Ảnh: Mikhail Metzel/ AFP/ Getty Images.

1. Vậy Swift là gì?

Hãy nghĩ về Swift (Hiệp hội Viễn thông Liên Ngân hàng và Tài chính Quốc tế) như Gmail của ngân hàng toàn cầu. Nó cung cấp các tin nhắn bảo mật giữa hơn 11.000 tổ chức tài chính và công ty, tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, giúp các quốc gia này chuyển tiền cho nhau. Vào năm ngoái, lưu lượng tin nhắn trung bình một ngày đạt 42 triệu tin - bao gồm các đơn đặt hàng và xác nhận thanh toán, giao dịch, trao đổi tiền tệ. Hiệp hội này có trụ sở ngay bên ngoài Brussels, được thành lập vào năm 1973 để chấm dứt sự phụ thuộc vào hệ thống telex. 

2. Tại sao mất quyền truy cập là một vấn đề lớn như vậy? 

Một quốc gia bị tách khỏi Swift có thể phải gánh chịu những tổn thất kinh tế đáng kể. Đó là những gì đã xảy ra với Iran vào năm 2012, khi các ngân hàng của nước này mất quyền truy cập vào Swift do một phần của các lệnh trừng phạt nhằm vào chương trình hạt nhân và các nguồn tài chính của nước này (Nhiều ngân hàng đã được kết nối lại vào năm 2016 sau khi EU đưa họ ra khỏi danh sách trừng phạt). Khi các quốc gia phương Tây đe dọa việc Nga tiếp cận Swift vào năm 2014, ông Alexei Kudrin, một bộ trưởng tài chính từng thân cận với Tổng thống Vladimir Putin, ước tính rằng điều đó có thể làm giảm tổng sản phẩm quốc nội của Nga khoảng 5% trong một năm. Việc cắt đứt Nga khỏi Swift cũng có thể gây ảnh hưởng đến các quốc gia khác, vì Nga là nhà cung cấp năng lượng quan trọng cho châu Âu và các quốc gia dựa vào hệ thống Swift để thanh toán nhiên liệu. 

3. Có lựa chọn thay thế cho Swift không? 

Không thực sự có, hoặc ít nhất là chưa. Kể từ năm 2014, Ngân hàng Trung ương Nga đã điều hành hệ thống nhắn tin tài chính của riêng mình cho các ngân hàng trong và nước ngoài, nhưng chỉ có khoảng 400 người dùng. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vào năm 2021 đã công bố liên doanh với Swift trong vài quý, như một chính sách đối phó để tránh bị loại khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Một trong những lo ngại giữa các quan chức phương Tây là việc cấm các quốc gia sử dụng Swift có thể khuyến khích sử dụng các giải pháp thay thế như vậy. Các loại tiền kỹ thuật số và công nghệ cơ bản cũng đã được xem là mối đe dọa đối với Swift trong vài năm, nhưng chúng không có khả năng thay thế nó.

4. Swift bảo mật như thế nào?

Đã có nhiều nỗ lực để cướp các tổ chức tài chính thông qua tin nhắn lừa đảo trên Swift, một số trong số đó đã thành công. Được biết đến nhiều nhất là khi ngân hàng trung ương của Bangladesh bị mất 81 triệu USD vào tay những tin tặc đã xâm nhập vào Swift, vào năm 2016. Swift nhấn mạnh rằng mạng riêng của họ không bị xâm phạm, nhưng vẫn không ngừng tăng cường bảo mật trong ngành với các biện pháp kiểm soát tại các công ty thành viên. 

5. Ai giám sát Swift?

Vì không giữ tiền gửi, Swift không được quản lý như một ngân hàng. Nó được giám sát bởi Ngân hàng Quốc gia Bỉ và các đại diện từ Hệ thống Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, Ngân hàng Anh, Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Ngân hàng Nhật Bản và các ngân hàng trung ương lớn khác. Nói chung, Swift sẽ cắt quyền truy cập chỉ nếu Liên minh Châu Âu thông qua các biện pháp trừng phạt đối với một tổ chức hoặc quốc gia cụ thể. Swift đã đình chỉ một số công ty cho vay của Iran vào năm 2018 sau khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt mới, mặc dù họ nói rằng động thái của họ chỉ là một sự kiện cô lập được thực hiện vì lợi ích ổn định và toàn vẹn của hệ thống tài chính toàn cầu.

Có thể bạn quan tâm: 

Tổng thống Ukraine chính thức ký đơn gia nhập Liên minh châu Âu, điều gì xảy ra tiếp theo?

Nguồn Bloomberg


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới