Hủy
Công Nghệ

Tân chủ tịch Daniel Zhang và sứ mệnh làm gián đoạn Alibaba

Thảo Nhi Thứ Ba | 10/09/2019 13:30

Tân Chủ tịch Alibaba, Daniel Zhang. Ảnh: TL

 
 
Ông Zhang muốn khởi động một startup trong lòng Alibaba và tự mình làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hiện tại của gã khổng lồ thương mại điện tử.

Muốn tạo ra một startup mới trong lòng Alibaba

Trong nhiều tháng, Daniel Zhang cùng một nhóm nhỏ làm việc trong một ga-ra dưới lòng đất tại Thượng Hải. CEO của Tập đoàn Alibaba đang thực hiện một kế hoạch bí mật, vốn nghe có vẻ điên rồ, ngay cả với đồng sự của ông tại Hàng Châu, cách đó 100 dặm. Ông Zhang muốn khởi động một startup trong lòng gã khổng lồ thương mại điện tử, startup này sẽ kết hợp cửa hàng tạp hóa, nhà hàng, và ứng dụng giao hàng, sử dụng rô-bốt và nhận diện gương mặt để tăng tốc việc giao nhận và thanh toán.

Dự án Freshippo đã trở thành một phần chủ chốt trong kế hoạch mà ông Zhang dành cho tương lai của Alibaba, với 150 cửa hàng (và còn hơn nữa) trên 17 thành phố Trung Quốc. Trong một cửa hàng tại Hàng Châu, những thùng nhựa tự động chạy theo đường ray trên trần nhà, thu thập hàng hóa trong cửa hàng cho những đơn hàng trên mạng. Nhân viên giao hàng sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến bất kỳ đâu trong bán kính 1,9 dặm chỉ trong 30 phút.

aa
Cửa hàng Freshippo. Ảnh: cifnews.com.

Ông Zhang, vốn ít được biết đến, đang đảm đương nhiệm vụ khó khăn là thay thế tỷ phú Jack Ma, doanh nhân nổi tiếng nhất Trung Quốc. Vào ngày 10/9, ông sẽ đảm nhận vị trí chủ tịch Alibaba sau khi lên làm CEO vào năm 2015, và ông sẽ là người đầu tiên sau Jack Ma đảm nhiệm cả hai vị trí cùng một lúc. Ông Ma được cả thế giới biết đến vì thân thiết với các nguyên thủ quốc gia và vì những bài phát biểu hùng hồn tại những cuộc họp như Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Ông Zhang là người ăn nói nhỏ nhẹ, thậm chí tại Trung Quốc, cũng không có nhiều người biết đến ông.

Tuy nhiên, ông Zhang chứng tỏ mình là người cấp tiến như Jack Ma. Ông cho biết Alibaba đang ở một vị thế đặc biệt, có thể kết hợp hai thế giới trực tuyến và truyền thống trong bán hàng, và những sáng kiến mới của ông đang đưa Alibaba tiến vào những lĩnh vực bao gồm tài chính, chăm sóc sức khỏe, phim ảnh, và âm nhạc. Ông Zhang nói trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Bloomberg tại trụ sở Alibaba ở Hàng Châu rằng: “Mọi công ty đều có một vòng đời. Nếu chúng tôi không giết mảng kinh doanh hiện tại của mình, sẽ có người làm việc đó. Vì thế tôi thà chứng kiến những công ty mới của mình loại bỏ công ty hiện tại.”

Nền tảng thị trường trực tuyến của Alibaba đã biến hãng trở thành công ty lớn nhất Trung Quốc, với giá trị trên thị trường vào khoảng 460 tỷ USD, nhưng trong những tháng gần đây, công ty đã có dấu hiệu chững lại. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, người tiêu dùng siết chặt chi tiêu và quảng cáo. Ông Mitchell Green, đối tác quản lý của Lead Edge Capital, một nhà đầu tư của Alibaba, cho biết: “Ông ấy phải tìm được những hạt giống mới để phát triển thị trường. Ông ấy đang gieo rất nhiều hạt giống.”

Bề dày thành tích

Ông Zhang theo học tại Đại học Thượng Hải khoa Tài chính Kinh tế. Ông trở thành kiểm toán viên tại chi nhánh Trung Quốc của Arthur Andersen.

Sau đó, ông Zhang trở thành Giám đốc Tài chính tại Shanda Interactive, một công ty phát triển game, vào lúc đó đây là công ty internet lớn nhất Trung Quốc. Đây là nơi Phó Chủ tịch và đồng sáng lập Alibaba, ông Joseph Tsai gặp ông Zhang vào năm 2007. Theo ông Tsai, “Daniel thật sự am hiểu doanh nghiệp. Bạn không thể gây gián đoạn nếu bạn không thật sự hiểu mình đang gây ra sự gián đoạn cho điều gì.”

Chính tại Alibaba, ông Zhang trở nên nổi bật. Khi ông gia nhập công ty, trang web nổi nhất của công ty là Taobao, một trang tương tự EBay, đang thua lỗ và có rất nhiều hàng giả. Ông Zhang cho biết: “Khi tôi nhìn vào bản báo cáo tài chính, Chúa ơi. Doanh thu? Bằng không. Kết quả kinh doanh sau thuế? Lỗ rất nhiều. Sau đó, tôi nhìn sang bảng cân đối, còn tệ hơn.”

Bắt đầu từ năm 2008, ông Zhang quản lý phát triển Tmall, một nền tảng thị trường trực tuyến tương tự Amazon, hiện là bộ phận sinh lời nhất Alibaba. Để thu hút các nhãn hàng đến trang web này, ông đã trang bị cho các nhà bán hàng hàng đầu những lớp thông tin mới về khách hàng: ai mua cái gì, sống ở đâu, loại quảng cáo nào có hiệu quả nhất. Doanh thu tăng vọt, và ông Zhang từ từ thuyết phục những thương hiệu toàn cầu như Tide và SK-II thuộc Tập đoàn Procter & Gamble (P&G) bán hàng trên trang mạng tại Trung Quốc. Ông cho thấy Alibaba nghiêm túc trong việc chống hàng giả bằng cách cài đặt phần mềm phát hiện hàng nhái, và cung cấp đường dây nóng cho các công ty để báo cáo vi phạm. P&G dự đoán chỉ khoảng 1% hàng hóa mang thương hiệu của công ty trên trang Alibaba là giả.

Vào năm 2009, ông Zhang và đội ngũ của mình đã tạo ra Ngày Độc Thân, một ngày hội hàng giảm giá hàng năm diễn ra vào ngày 11/11, để ăn mừng cuộc sống độc thân. Ông Zhang dành hàng tháng trời thuyết phục các nhà bán hàng tham gia, sau đó theo dõi doanh thu, các ưu đãi và những mặt hàng được đưa lên trang web chính. Doanh thu của kỳ mua sắm này đạt 135 triệu USD trong năm thứ hai, sau đó là 5,8 tỷ trong năm thứ 5. Năm 2018, tổng doanh thu của kỳ mua sắm lễ độc thân đạt 31 tỷ USD, vượt xa ngày Black Friday, vốn là ngày mua sắm lớn nhất của Mỹ.

Tmall và Ngày Độc Thân “biến công ty trở thành gã khổng lồ bán lẻ ngày hôm nay,” theo lời ông Duncan Clark, tác giả của cuốn Alibaba: The House That Jack Build (tạm dịch là Căn Nhà Jack Dựng Nên). Ông Jerry Yang, một thành viên của hội đồng quản trị Alibaba và là đồng sáng lập Yahoo, cho biết phong cách nhỏ nhẹ của Zhang là một lợi thế. “Những kết quả của Daniel còn hơn cả những lời nói. Ông ấy là người chủ trương hành động.”

Khái niệm bán lẻ mới

Những công ty con như Freshippo là một phần trong điều mà Alibaba đang gọi là “bán lẻ mới.” Những siêu thị này được ông Hou Yi, CEO của Freshippo, tạo nên. Ông Zhang đã thuyết phục ông Hou gia nhập Alibaba và đưa ông 100 triệu USD để tiến hành dự án mà không đặt ra kỳ vọng về lợi nhuận trong vào hai năm đầu. Ông Hou cho biết: “Đó là lúc tôi biết ông ấy quyết tâm đến thế nào. Điều này tương đương với startup thứ hai của Daniel. Ông ấy chia sẻ rằng, sau rất nhiều năm rằng cuối cùng ông cũng thấy một dự án có thể vượt qua Tmall.”

Mở rộng ra nước ngoài có thể là thách thức lớn nhất. Ông Ma cam đoan rằng một ngày nào đó, một nửa doanh thu của Alibaba sẽ đến từ bên ngoài Trung Quốc, một mục tiêu mà ông Zhang cho biết mình đang theo đuổi. Nhưng doanh số từ nước ngoài vẫn còn cách xa mục tiêu. Alibaba đã đầu tư 4 tỷ USD vào Lazada của Singapore để mở rộng tại Đông Nam Á, nhưng họ đang gặp khó khăn trong những thị trường chủ chốt như Indonesia.

Những sáng kiến mới cũng lấy đi nhiều sức lực của Zhang. Thậm chí là với tiêu chuẩn  trong ngành tại Trung Quốc, vốn xem làm việc theo “996” – từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần – là bình thường, lịch trình của Zhang cũng thật căng thẳng. Ngoài việc cố gắng vượt qua đối thủ, ông cũng phải đối mặt với những ký ức về Jack Ma; những người kế nhiệm của một CEO biểu tượng thường bị gạt qua một bên khi việc kinh doanh gặp khó khăn và sự luyến tiếc quá khứ xuất hiện. Theo ông Jeffrey Sonnenfeld, phó khoa nghiên cứu sự lãnh đạo tại Đại học Yale Khoa Quản trị, “Kế nhiệm những nhà sáng lập thường rất khó. Nó còn khó hơn khi bạn kế nhiệm một người mang tầm vóc toàn cầu.”

Nguồn Bloomberg


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới