Hủy
Công Nghệ

Thương mại điện tử Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng từ 16-30% mỗi năm

Cẩm Tú Thứ Sáu | 24/11/2023 09:50

Theo số liệu khảo sát thống kê của Bộ Công Thương, thương mại điện tử Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng 20% năm 2022. Ảnh: T.L.

 
 
Tổng giá trị hàng hoá của Việt Nam dự kiến đạt tỉ lệ tăng trưởng kép ở mức 20%, từ 30 tỉ USD năm 2023 lên gần 45 tỉ USD năm 2025.

Tại Diễn đàn Quốc gia Thương mại Điện tử và Kinh tế số ngành Công Thương năm 2023 (Vietnam Digital Industry and Trade Summit 2023), ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương dẫn báo cáo mới nhất của Google, Temasek và Bain & Company cho biết, Việt Nam tiếp tục là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, 2 năm liên tiếp (2022 và 2023) và được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này trong năm 2025 (đồng hạng với Philippines).

Tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Việt Nam dự kiến đạt tỉ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ở mức 20%, từ 30 tỉ USD vào năm 2023 lên gần 45 tỉ USD vào năm 2025. Đặc biệt, tăng trưởng GMV trong 2 năm tới của kinh tế số tại Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi lĩnh vực thương mại điện tử.

 

Theo số liệu khảo sát thống kê của Bộ Công Thương, thương mại điện tử Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng 20% năm 2022. Có thể thấy, trong suốt những năm qua, thương mại điện tử Việt Nam luôn giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16-30%, dự kiến đạt 20,5 tỉ USD trong năm nay.

Đại diện Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam cho biết, có 2 đặc điểm nổi bật nhất của thương mại điện tử trong giai đoạn vừa qua là số người tiêu dùng trực tuyến mới tiếp tục tăng cả về số lượng và chất lượng. Tức là người tiêu dùng mua nhiều hơn, giá trị mua hằng ngày càng cao; đồng thời người mua đã trở thành người tiêu dùng thông minh, thành thạo kỹ năng mua sắm trực tuyến. Về phía thương nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp thương mại điện tử đã tích cực chuyển đổi số.

Ông Đặng Anh Dũng, Phó Tổng Giám đốc Lazada tại Việt Nam cho biết, theo khảo sát và thống kê của sàn thương mại điện tử này, có tới 57 triệu người Việt Nam tham gia mua sắm online trong năm 2022, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… Đáng chú ý, 43% người tiêu dùng thuộc thế hệ Gen Z truy cập vào các ứng dụng mua sắm online hàng ngày.

Theo ông Đặng Anh Dũng, tương lai của thương mại điện tử là hướng tới phát triển bền vững bao gồm: kinh doanh bền vững; phát triển cơ sở hạ tầng tiên tiến; phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao và phát triển, ứng dụng công nghệ nâng cao trải nghiệm người dùng…

Có thể bạn quan tâm:

Những quốc gia nào là cường quốc đổi mới trên toàn cầu?


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới