Hủy
Công Nghệ

VBF 2019: Các nhà đầu tư tiếp tục nêu quan ngại về hạn chế trong lĩnh vực fintech

Thứ Bảy | 11/01/2020 08:00

Ảnh: Vietnam Insider.

Các startup về công nghệ tài chính (fintech) ở Việt Nam đang nhanh chóng bắt kịp Singapore trong việc thu hút vốn đầu tư mạo hiểm ở Đông Nam Á...
 

Tỷ trọng vốn mà các quỹ đầu tư mạo hiểm khu vực Asean rót vào các fintech ở Việt Nam đã tăng từ 0,4% trong năm 2018 lên 36% trong 9 tháng đầu năm 2019.

Dù vậy, chính sách cho khối công nghệ tài chính (fintech) vấn được nêu lên như một quan ngại lớn của các nhà đầu tư nước ngoài. Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ tổ chức tại Hà Nội ngày 10/1 vừa qua, đại diện của nhiều hiệp hội và nhóm công tác doanh nghiệp đã trao đổi với Chính phủ về đề xuất của Ngân hàng Nhà nước về hạn chế đầu tư nước ngoài đối với dịch vụ trung gian thanh toán tại Dự thảo Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo Bà Amenda Rasussen, Chủ tịch Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), sự phát triển của dịch vụ tài chính sẽ phụ thuộc vào việc thực thi một khung pháp lý, chính sách và quy định hỗ trợ cho đầu tư và cho phép các lĩnh vực này tiếp tục đóng góp vào ngành tài chính toàn diện và thịnh vượng của Việt Nam. Do đó, việc đặt ra giới hạn tỷ lệ vốn nước ngoài trong lĩnh vực thanh toán nhanh và công nghệ tài chính sẽ hạn chế đáng kể khả năng của các công ty khởi nghiệp về công nghệ tài chính của Việt Nam trong việc kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, dẫn đến việc giới hạn khả năng thu hút nhân tài và làm cho các công ty khởi nghiệp kém cạnh tranh hơn so với các công ty cùng ngành trong khu vực. Bên cạnh đó, dịch vụ công nghệ tài chính dựa vào sử dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn – các lĩnh vực mà doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế đi trước. Dự thảo nghị định với giới hạn sở hữu nước ngoài có thể làm chệch hướng các nỗ lực đổi mới hiện nay và trong tương lai.

Chia sẻ quan điểm này, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam (BBGV) cho rằng khung pháp lý fintech còn thiếu gây ra những quan ngại cho nhà đầu tư. Các nhà đầu tư trong lĩnh vực này gặp phải một số rào cản về thủ tục và phụ thuộc vào quyền quyết định của cơ quan cấp phép. Trong thời gian tới, việc Chính phủ dự kiến giảm thiểu quyền sở hữu nước ngoài đối với các doanh nghiệp fintech sẽ làm hạn chế sự phát triển bền vững của lĩnh vực này tại Việt Nam.

Báo cáo của Nhóm công tác về Đầu tư và Thương mại trình bày tại hội nghị cũng cảnh báo việc quy định tỷ lệ sở hữu tối đa 49% cho nhà đầu tư nước ngoài tại tại các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán “có khả năng rất cao” trái với các cam kết quốc tế của Việt Nam trong một loạt các hiệp định thương mại như GATS, CPTPP, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – ASEAN và Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam.

Thêm vào đó, giới hạn sở hữu này có thể làm suy giảm dòng vốn đầu tư nước ngoài đang hứa hẹn đem lại kinh nghiệm quốc tế, tri thức và công nghệ có vai trò đặc biệt quan trọng cho ngành fintech Việt Nam. Đồng thời, việc dự thảo buộc doanh nghiệp đã được cấp phép phải giảm vốn đầu tư về mức 49% sau một thời hạn nhất định mâu thuẫn với quy định không hồi tố của Luật Đầu tư và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có thể dồn các tổ chức trung gian thanh toán có vốn nước ngoài vào thế phải ngừng hoạt động, khiến Việt Nam đứng trước nguy cơ bị các nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện theo luật trong nước và các điều ước quốc tế.

Nhóm công tác Đầu tư và thương mại khuyến nghị Chính phủ “Cân nhắc lại giới hạn 49% đối với sở hữu nước ngoài và cân nhắc lại việc áp dụng hồi tố của yêu cầu tuân thủ giới hạn sở hữu nước ngoài. Trong trường hợp Chính phủ cuối cùng lựa chọn áp dụng mức giới hạn sở hữu nước ngoài, sở hữu nước ngoài tại thời điểm đạo luật được thông qua sẽ không bị hồi tố và không phải thoái vốn theo quy định về hạn mức của luật”.

Những rào cản về luật lệ với fintech dường như là một vấn đề chung với cả Asean, trong một bài viết mới đây trên tờ Nikkei Asian Review, ông Geoffrey Prentice, đồng sáng lập Oriente - một công ty công nghệ và khoa học dữ liệu, cho rằng các nước trong khu vực cần phải có chính sách quản lý phù hợp để thúc đẩy toàn diện tài chính. Vị chuyên gia này nhận định, Asean là khu vực có một môi trường luật pháp đa dạng, phân mảnh nhất trên thế giới. Việc phải điều chỉnh theo một môi trường lập pháp phức tạp, liên tục biến đổi như vậy khiến hoạt động của các công ty trở nên khó khăn. Và đối với các startup và liên doanh mới trong thế giới fintech, điều này có thể là ngột ngạt.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới