Ba lời khuyên giúp Gen Z quản lý tiền hiệu quả
Một trong những thay đổi đáng kể nhất của giới trẻ Gen Z trong thời buổi kinh tế khó khăn là việc nấu ăn ở nhà thường xuyên hơn. Ảnh: Getty Images.
Theo một cuộc khảo sát mới từ Bank America, hơn một nửa (53%) trong số những người được phỏng vấn thuộc Gen Z, cho biết chi phí sinh hoạt cao là rào cản đối với thành công tài chính của họ.
Gần 3 trong 4 thanh niên được khảo sát (73%) đã thay đổi thói quen chi tiêu trong bối cảnh lạm phát cao kỷ lục.
Ông AJ Barkley, người đứng đầu bộ phận cho vay cộng đồng tại Bank of America, cho biết: “Nhiều người trong số họ đang cố ổn định cuộc sống”, đồng thời gọi kết quả này là “tin tốt”.
Một trong những thay đổi đáng kể nhất của giới trẻ Gen Z trong thời buổi kinh tế khó khăn là việc nấu ăn ở nhà thường xuyên hơn (43%); chi tiêu ít hơn cho quần áo (40%); và chỉ mua sắm tạp hoá ở mức cần thiết (33%).
Hầu hết đều có kế hoạch duy trì những thay đổi đó trong năm tới, theo cuộc khảo sát tháng 8 của Công ty với gần 1.200 thanh niên từ 18-26 tuổi.
Gen Z phải đối mặt với những thách thức tài chính đặc biệt
Tuy nhiên, cuộc khảo sát cho thấy hơn 1/3 thế hệ Z trẻ tuổi cũng phải đối mặt với những thất bại trong năm qua, điều này có thể khiến họ ngừng tiết kiệm hoặc gánh thêm nợ.
Gen Z phải đối mặt với những thách thức tài chính đặc biệt so với các thế hệ cũ. Nghiên cứu gần đây cho thấy sinh viên tốt nghiệp đại học kiếm được ít hơn 10% so với cha mẹ họ.
Lạm phát cao và mối lo ngại về khả năng chi trả của Gen Z không chỉ dừng lại ở nước Mỹ. Một cuộc khảo sát của Deloitte được công bố vào đầu năm nay bao gồm khoảng 14.500 thành viên Gen Z ở 44 quốc gia cho thấy mức lương đủ sống là mối lo ngại của khoảng 1/2 thế hệ (51%); tiếp theo là có nhu cầu làm thêm công việc phụ (46%); và chi phí sinh hoạt (35%).
Nhưng có một tin tốt, theo nghiên cứu của Bank of America, hầu hết những người được hỏi đều cảm thấy tự tin rằng họ có thể quản lý chi phí, ngân sách và tín dụng hàng ngày của mình. Tuy nhiên, kết quả cho thấy họ tỏ ra kém tự tin hơn khi nói đến việc tiết kiệm để nghỉ hưu hoặc đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Ông Douglas Boneparth, Nhà lập kế hoạch tài chính kiêm Chủ tịch của Bone Fide Wealth ở New York, cho biết: “Đây thực sự là thời điểm để xây dựng một nền tảng vững chắc để thành công về mặt tài chính trong suốt nhiều thập kỷ tiếp theo”.
Các chuyên gia cho biết, 3 lời khuyên bên dưới có thể giúp các thành viên Gen Z học cách quản lý tiền của mình một cách khôn ngoan hơn.
1. Biến việc tiết kiệm thành thói quen
Cuộc khảo sát của Bank of America cho thấy, hơn 1/2 Gen Z, 56%, không có đủ tiền tiết kiệm để trang trải chi phí trong 3 tháng.
Ông Boneparth nói rằng, Gen Z nên có những khoản tiền mặt tiết kiệm phòng hờ và liên tục suy nghĩ về một mục tiêu quan trọng để duy trì động lực.
“Hãy tập thói quen tiết kiệm nhất quán”, ông Boneparth nói.
Một khoản tiết kiệm dành cho lúc khẩn cấp sẽ giúp Gen Z tiếp tục theo đuổi mục tiêu ngay cả khi có những cú sốc ngoại tác xảy ra.
2. Bắt đầu đầu tư cho hưu trí ngay bây giờ
Theo ông Barkley, mặc dù nghỉ hưu có vẻ là một mục tiêu xa vời, đặc biệt là trong những năm đầu của chặng đường sự nghiệp, nhưng thực ra đó là lúc Gen Z có lợi thế lớn nhất để tích lũy tài sản.
Bất kỳ số tiền nào đầu tư bây giờ sẽ có nhiều thời gian hơn để tích lũy lợi nhuận gộp theo thời gian.
3. Chống lại sự thôi thúc FOMO (Hội chứng sợ bỏ lỡ)
Bank of America nhận thấy phụ nữ thuộc thế hệ Z có xu hướng cảm thấy áp lực hơn khi phải chi tiêu để bắt kịp những người xung quanh mình.
Phương tiện truyền thông xã hội là yếu tố chính thúc đẩy những cảm xúc đó, với 41% phụ nữ thuộc Gen Z nói rằng họ ước mình có nhiều tiền hơn cho những chi tiêu không cần thiết, so với chỉ 24% nam giới.
Theo Ông Ted Jenkin, Giám đốc Điều hành của oXYGen Financial ở Atlanta, tất cả Gen Z sẽ khôn ngoan hơn nếu tránh FOMO.
Ông Jenkin nói: “Bạn bè của bạn không đăng giá trị tài sản ròng của họ lên Instagram và TikTok, vì vậy hãy hiểu rằng không phải ai cũng có một cuộc sống hào nhoáng như những gì họ đăng lên mạng xã hội”.
Ông nói thêm, việc tránh nợ thẻ tín dụng và kiểm tra điểm tín dụng thường xuyên cũng cần được chú trọng hơn.
Có thể bạn quan tâm:
Tại sao nhà phố thương mại Singapore có giá trên trời?
Nguồn CNBC
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Thanh Hằng
-
Nguyễn Việt Dũng