Cà phê Việt rộng đường xuất ngoại
Ảnh: QH
Điều gây bất ngờ trong cuộc thi pha chế cà phê Vietpresso 2019 mới đây là đội thi đến từ Real Bean Coffee, một công ty chỉ mới được thành lập từ tháng 4.2019, đã được trao giải vàng trong tổng số 15 ly cà phê của 15 thương hiệu cà phê, chuỗi quán cà phê uy tín Việt Nam tham gia cuộc thi. Ngay sau cuộc thi, nhiều người nước ngoài đã xếp hàng để thưởng thức cà phê của Real Bean Coffee vì tò mò. “Mùi cà phê thoang thoảng thơm, vị đậm đà rất vừa với khẩu vị”, ông Richard Toix, đầu bếp ẩm thực nổi tiếng người Pháp, một trong những vị giám khảo của cuộc thi Vietpresso 2019, chia sẻ.
Mặc dù mới thành lập được 7 tháng nhưng Real Bean Coffee đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật. Hiện Công ty đang đàm phán để xuất khẩu cà phê sang thị trường Thái Lan và Mỹ, theo bà Văn Thị Loan, Giám đốc Real Bean Coffee. Bà cũng tiết lộ, sau cuộc thi, Công ty sẽ đưa sản phẩm giới thiệu tại thị trường châu Âu.
Doanh nghiệp nhỏ xuất ngoại
Thực tế, không chỉ có Real Bean Coffee, hiện nhiều doanh nghiệp cà phê vừa và nhỏ của Việt Nam đang đưa sản phẩm ra thế giới, đặc biệt là châu Á. Người Hàn Quốc hoặc Nhật không xa lạ gì với thương hiệu cà phê Con Sóc của Trường Sơn Coffee nhưng rất ít người Việt Nam biết đến, dù công ty này đã được thành lập từ 10 năm nay. Theo đại diện Công ty, người tiêu dùng ở 2 thị trường này thích cà phê đậm đà, chủ yếu là Arabica. Trường Sơn Coffee đã có hơn 7 năm xuất khẩu sản phẩm cà phê với tỉ trọng 70% xuất vào các thị trường Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc… Công ty cũng đang đàm phán với các khách hàng đến từ Mỹ và tìm hiểu thị trường châu Âu.
Anh Coffee của Anh Phạm là một ví dụ khác. Thay vì đối đầu với những thương hiệu cà phê lớn đang chiếm lĩnh thị trường trong nước, Anh Phạm quyết định đi theo ngõ hẹp bằng cách đưa sản phẩm đến các cửa hàng bán cà phê, quán cà phê nhỏ, chợ truyền thống tại Sài Gòn. Sau một thời gian đưa hàng vào chợ, Anh Coffee bắt đầu tìm đến các hội chợ vừa và nhỏ để tham gia trưng bày. Trong một lần may mắn gặp được Central Group, nhận thấy chất lượng sản phẩm tốt của Anh Coffee, Central Group đã mời Công ty tham gia triển lãm ở nước ngoài.
“Sản phẩm cà phê của chúng tôi đã vào được thị trường Nhật, Malaysia, Thái Lan. Hiện nay, 90% sản lượng của Anh Coffee được xuất khẩu. Sản phẩm tốt, chất lượng đảm bảo sẽ vẫn xuất khẩu tốt chứ khách hàng nước ngoài không quan tâm đến thương hiệu. Sắp tới, chúng tôi sẽ theo chân Central Group để tìm đến thị trường châu Âu và châu Phi”, Anh Phạm, Giám đốc Anh Coffee, chia sẻ.
Anh cho biết thêm: “Thị trường trong nước đã được lấp đầy bằng những thương hiệu lớn nên doanh nghiệp nhỏ khó chen chân, trong khi thị trường xuất khẩu vẫn khá tốt”.
Xu hướng mới của thị trường xuất khẩu
“Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê và dẫn đầu toàn cầu về cà phê Robusta nhưng giá trị mang về chưa tương xứng”, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường Âu - Mỹ, Bộ Công Thương, cho biết.
Cụ thể, năm 2018 kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 1,88 triệu tấn, trị giá 3,5 tỉ USD, tăng gần 20% về lượng nhưng chỉ tăng 1% về trị giá so với năm 2017. Thực tế, Việt Nam đang mất dần lợi thế xuất khẩu cà phê Robusta. Theo Ngân hàng Rabobank, sản lượng cà phê Robusta của Brasil sẽ tăng mạnh trong vài năm tới. Dự báo trong niên vụ 2020-2021, sản lượng cà phê Robusta của Brasil có thể đạt từ 20-25 triệu bao. Nhiều khả năng, Brasil sẽ thay thế Việt Nam trở thành nước sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất toàn cầu.
Trước nhiều thay đổi của thị trường, theo ông Linh, việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu và quảng bá các sản phẩm cà phê chế biến của Việt Nam ra thế giới là một đòi hỏi cấp thiết. Đó là lý do sắp tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh xúc tiến các cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp cà phê trong nước để mở rộng thị trường tiêu thụ, không chỉ là nguyên liệu thô mà quan trọng hơn là các sản phẩm đã qua chế biến.
Cũng theo ông Linh, trong thời gian tới, những sản phẩm cà phê có chất lượng tốt nhất sẽ được quảng bá tại một số nước châu Âu trong năm 2020. Ông Paul Lê, Giám đốc Xuất nhập khẩu của Central Retail Việt Nam, cũng chia sẻ, nhiều người nước ngoài, nhất là châu Âu rất thích cà phê sữa đá của Việt Nam, vì thế Công ty muốn mang cà phê Việt quảng bá vào thị trường châu Âu và châu Phi.
“Chúng tôi mong muốn được cùng nhau xây dựng một sản phẩm cà phê hoàn toàn mới để phù hợp với thị hiếu của các nước phương Tây, nơi có số người tiêu dùng cà phê lớn nhất thế giới”, ông Paul Lê nói.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Trực Thanh
-
Nguyễn Mai
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Hằng Nguyễn