CEO Mekong Capital: “Mô hình đầu tư lấy tầm nhìn làm định hướng là thành công nhất”
Ảnh: DealStreetAsia
Sau 12 năm vận hành, Quỹ Mekong Enterprise Fund II (MEF II) do Mekong Capital quản lý đã khép lại chặng đường đẹp bằng một kết quả rực rỡ: tỉ lệ hoàn vốn thuần 4,5 lần và suất sinh lời (IRR) 22,5%. Như vậy, MEF II đã trở thành quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân có kết quả khả quan nhất tại Việt Nam và là một trong những quỹ hiệu quả nhất tại châu Á, theo số liệu của Preqin.
MEF II, quỹ thành công nhất trong 3 quỹ đầu tiên của Mekong Capital, là ví dụ điển hình về chiến lược của quỹ trong việc tập trung vào các ngành hàng tiêu dùng và áp dụng mô hình đầu tư lấy tầm nhìn làm định hướng (Vision Driven Investing) vào những công ty trong danh mục đầu tư. NCĐT đã trao đổi với ông Chris Freund, nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Mekong Capital, về vấn đề này.
Thế Giới Di Động (MWG) là khoản đầu tư thành công nhất của chúng tôi, với tỉ lệ hoàn vốn đạt 57 lần so với vốn đầu tư ban đầu vào Công ty năm 2007. Những khoản đầu tư ít thành công nhất của chúng tôi thường thuộc danh mục đầu tư của quỹ đầu tiên, Quỹ Mekong Enterprise. Một vài công ty trong đó thường là doanh nghiệp gia đình và không sẵn lòng xây dựng một đội ngũ quản lý giỏi.
*Trong các khoản đầu tư, đâu là khoản thành công nhất và đâu là khoản ít thành công nhất? Ông rút ra được bài học gì từ các thương vụ này?
Chúng tôi đã đúc kết và đưa những bài học kinh nghiệm quan trọng vào mô hình đầu tư lấy tầm nhìn làm định hướng của mình. Các công ty hoạt động rất hiệu quả như MWG và Cổng Vàng (Golden Gate) là hình mẫu cho việc áp dụng mô hình đầu tư lấy tầm nhìn làm định hướng và các công ty hoạt động chưa hiệu quả thường là những công ty không áp dụng hoặc chỉ áp dụng một phần nhỏ của mô hình này. Mô hình đầu tư lấy tầm nhìn làm định hướng có 14 yếu tố và các công ty triển khai trọn vẹn 14 yếu tố này luôn hoạt động rất hiệu quả.
*Vậy ông có thể chia sẻ một chuyện đáng nhớ trong quá trình đầu tư vào MWG, thương vụ thành công nhất của MEF II?
Khi được MEF II đầu tư vào năm 2007, MWG có 5 sáng lập viên điều hành, mỗi người giữ một vị trí quan trọng trong Công ty như Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc, Trưởng bộ phận Marketing, Giám đốc Tài chính và Trưởng phòng Công nghệ Thông tin. Tại thời điểm đó, họ có 7 cửa hàng. Vì vậy, họ làm tròn vai tương đối dễ dàng.
Tuy nhiên, một năm sau đó, Công ty đã tăng trưởng với tốc độ hơn 100% và để tiếp tục mở rộng, họ cần tuyển thêm các nhà quản lý chuyên nghiệp. Lúc đó, Mekong Capital có một bộ phận chuyên tuyển dụng các vị trí quản lý và chúng tôi đã giới thiệu 3 thành viên tham gia vào các vị trí chủ chốt, gồm ông Trần Kinh Doanh, người sau đó trở thành Giám đốc Kinh doanh, rồi lên vị trí Giám đốc Vận hành và gần đây nhất là Tổng Giám đốc; ông Đặng Minh Lượm với vai trò Giám đốc Nhân sự; bà Lê Thảo Trang với vai trò Giám đốc Marketing.
11 năm sau, MWG đã phát triển từ 7 cửa hàng tại thời điểm MEF II đầu tư ban đầu lên đến hơn 2.000 cửa hàng và trở thành nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam. Ngày nay, ông Doanh, ông Lượm và bà Trang vẫn nắm giữ các vai trò quan trọng tại MWG. Trong đó, ông Doanh và ông Lượm còn là thành viên Hội đồng Quản trị.
MWG là một ví dụ điển hình cho thấy tầm quan trọng của việc cần tuyển dụng một đội ngũ quản lý chuyên nghiệp xuất sắc và cam kết liên tục phát triển các tài năng này.
* Đâu là các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư vào một doanh nghiệp?
Một trong những yếu tố chúng tôi thường cân nhắc kỹ nhất là công ty cam kết như thế nào với việc xây dựng đội ngũ quản lý giỏi. Chúng tôi nhận thấy công ty có đội ngũ giỏi nhất thường sẽ là công ty thành công trong dài hạn. Một vấn đề thường thấy là nhiều cơ hội đầu tư rất hấp dẫn lại có quy mô quá nhỏ để chúng tôi đầu tư. Vì vậy, chúng tôi có thể phải chờ vài năm sau cuộc họp đầu tiên để họ tăng trưởng đến quy mô đủ lớn mới có thể đầu tư.
* Thời gian thoái vốn của mỗi khoản đầu tư là khác nhau. Nhân tố nào ảnh hưởng đến việc quyết định thời điểm này?
Thực ra, chúng tôi phạm nhiều sai lầm về chọn thời điểm thoái vốn, nhiều hơn những lần chúng tôi thoái vốn đúng thời điểm. Một số khoản đầu tư mà chúng tôi thoái vốn đã hoạt động rất tốt và tăng giá rất nhiều sau khi chúng tôi bán, làm chúng tôi ước là mình vẫn nắm giữ khoản đầu tư đó lâu hơn. Công ty Hàng Tiêu dùng Masan, Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Cổng Vàng, Trường Quốc tế Việt Úc, Maison... là những ví dụ tiêu biểu.
Mặt khác, trong giai đoạn sơ khởi, từ 2002-2005, chúng tôi đã có vài khoản đầu tư vào những công ty không được quản lý tốt. Tôi ước chúng tôi đã thoái các khoản đầu tư đó sớm hơn.
* Gần đây, việc Ba Huân và VinaCapital chấm dứt thỏa thuận đầu tư khiến dư luận quan tâm đến vấn đề hợp tác giữa quỹ đầu tư và doanh nghiệp tư nhân. Dưới góc nhìn của một quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân, ông nhìn nhận sự việc này như thế nào?
Tôi không thể đưa ý kiến cá nhân về vụ việc này. Khi Mekong Capital đầu tư vào doanh nghiệp, mục tiêu cao nhất của chúng tôi là quỹ và doanh nghiệp, cũng như các bên liên quan của doanh nghiệp, có cùng tầm nhìn về tương lai của doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ cùng hợp tác để đạt được tầm nhìn đó. Quá trình hợp tác bao gồm giao tiếp trực tiếp, cởi mở để tránh hiểu nhầm và đảm bảo mọi người đều hành động nhằm đạt được tầm nhìn. Đây là một phần trong phương pháp đầu tư lấy tầm nhìn làm định hướng.
* Ông có chia sẻ gì với các doanh nghiệp trong việc ra quyết định về nhà đầu tư chiến lược?
Không phải nhà đầu tư nào cũng giống nhau. Một số nhà đầu tư rất tuyệt vời, một số khác thì không. Tốt nhất là các doanh nghiệp nên trao đổi với tổng giám đốc hoặc sáng lập viên của các doanh nghiệp đã và đang nằm trong danh mục đầu tư của nhà đầu tư tiềm năng, để hiểu rõ cách thức làm việc của nhà đầu tư đó. Nhà đầu tư sẽ đóng góp giá trị cho doanh nghiệp như thế nào, họ sẽ tham gia, giao tiếp và xử lý những bất đồng ra sao..
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư