Hủy
Doanh Nghiệp

Kido Group tiến sâu vào ngành hàng thiết yếu

Thứ Hai | 29/06/2015 12:00

Sau khi chuyển nhượng mảng bánh kẹo, tương lai của Kinh Đô sẽ như thế nào và Kinh Đô sẽ dùng thương hiệu nào để phát triển những lĩnh vực mới?
 

Sau hơn 20 năm phát triển, thương hiệu Kinh Đô đã tạo được dấu ấn trên thị trường, đặc biệt là lĩnh vực bánh kẹo. Tuy nhiên, sau khi chuyển nhượng 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho Mondelēz International - Mondelēz, giới kinh doanh đã không ít lần đặt câu hỏi: tương lai của Kinh Đô sẽ như thế nào và Kinh Đô sẽ dùng thương hiệu nào để phát triển những lĩnh vực mới?

Bước ngoặt mới

Sau khi công bố chuyển giao mảng bánh kẹo, KDC tung sản phẩm mì gói, hợp tác liên doanh cùng các đối hàng đầu trong ngành. Gần đây nhất, KDC tung liên tiếp 3 sản phẩm mới là mì gói, dầu ăn, hạt nêm. Tất cả đều mang thương hiệu Đại Gia Đình, dưới bảo chứng của thương hiệu mẹ là KIDO Group. 

KIDO là thành viên của Tập đoàn Kinh Đô và đã khẳng định tên tuổi trong lĩnh vực kem, sữa và các sản phẩm từ sữa. Trong khi đó, Kinh Đô đã tạo được vị thế vững mạnh trên thị trường cũng như trong lòng người tiêu dùng với mảng bánh kẹo suốt hơn 20 năm qua. Và khi bước chân vào lĩnh vực mới là ngành hàng thiết yếu, KDC đã tham gia dưới thương hiệu KIDO Group, tiếp tục mở rộng mảng thực phẩm thiết yếu mà KIDO đã thành công từ mảng kem, sữa và các sản phẩm từ sữa.

Tại Đại hội cổ đông thường niên của KDC vào ngày 26.6.2015, các cổ đông cũng đã thông qua tờ trình sửa đổi điều lệ công ty với tên giao dịch chính thức là Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO (KDC).

Kido Group tien sau vao nganh hang thiet yeu
 

Với các cổ đông của Kinh đô, tên gọi mới KIDO Group có lẽ là không có gì bất ngờ. Nhắc đến KIDO, người ta không thể quên thương vụ đình đám vào năm 2003: mua lại nhà máy kem Wall’s từ một tập đoàn đa quốc gia. Ngành kem lúc đó là một lĩnh vực hoàn toàn mới, thị trường kem Việt Nam lại chịu rất nhiều sức ép từ các hãng kem ngoại nhập. Thế nhưng khi các sản phẩm dưới thương hiệu KIDO được ra đời, phần lớn thị phần kem trong nước lại vào tay của công ty này.

Theo ông Trần Quốc Việt, Phó tổng Giám đốc KDC, hiện KIDO sở hữu hệ thống phân phối rộng khắp, vững mạnh, hệ thống vận hành sản xuất, bán hàng cùng nền tảng marketing, quảng bá chuyên nghiệp. Đồng thời, KIDO cũng thừa hưởng những nền tảng đã làm nên thành công của Kinh Đô như nguồn lực ban lãnh đạo, định hướng chiến lược, hệ thống vận hành, nguồn lực tài chính…

Bước tiến dài của Kido Group trong ngành hàng thiết yếu

Lãnh đạo KDC cho biết, KIDO Group đã có chiến lược dài hơi cho ngành hàng thiết yếu. Cụ thể, KIDO sẽ đầu tư để tiếp tục phát triển và duy trì vị thế dẫn đầu trong ngành kem và ngành hàng thiết yếu bao gồm mì gói, dầu ăn, gia vị và các sản phẩm khác. Để phát triển ngành hàng mới, KDC đã có bước chuẩn bị chiến lược trong vòng 5 năm song song với giai đoạn thực hiện quá trình chuyển đổi.

Cùng với việc chuyển giao mảng bánh kẹo, KDC đã nhân đôi toàn hệ thống, đảm bảo về nhân sự, nguồn lực, hệ thống cho sự phát triển của KDC trong ngành hàng thiết yếu. Việc tung sản phẩm mì gói, dầu ăn, hạt nêm trong thời gian qua là bước thăm dò tiềm năng thị trường, phản ứng của người tiêu dùng cũng như luật chơi của ngành. Sau khi chính thức chuyển giao mảng bánh kẹo cho đối tác ngoại, KDC sẽ đầu tư mạnh cho ngành hàng thiết yếu.

Theo ông Việt, tăng trưởng ngành thực phẩm dự báo đến năm 2017 là 15%. Trong đó, ngành thực phẩm gia vị có độ phủ rộng, thâm nhập cao (tiêu dùng hằng ngày), dung lượng thị trường lớn với quy mô khoảng 193.000 tỉ đồng. Cụ thể, mức tiêu thụ toàn thị trường chiếm 26% là ngành thực phẩm, trong đó 24% là thực phẩm đóng gói. “Bằng việc thâm nhập vào ngành thực phẩm và gia vị, thị trường tiềm năng của KDC sẽ tăng hơn gấp 12 lần”, ông Việt cho biết. Khả năng thực thi một cách nhanh chóng khi triển khai những sản phẩm mới của KIDO trong thời gian qua cho thấy sự quyết tâm của ban lãnh đạo KIDO Group vào lĩnh vực này.

Trong lĩnh vực mì gói, vào cuối năm 2014, KIDO Group đã đưa ra dòng sản phẩm mì Đại Gia Đình. KIDO Group đã ký kết hợp tác liên doanh với Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Saigon Ve Wong xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm mì gói, phở, nui, cháo, hạt nêm...

Kido Group tien sau vao nganh hang thiet yeu
 

Trong khi đó với lĩnh vực dầu ăn, KIDO Group cũng đã có những quyết định chiến lược quan trọng. Ngày 22.6 vừa qua KiDo Group đã ký kết bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Felda Global Ventures (FGV) của Malaysia và Tập đoàn Indo - Trans Logistics Corporation (ITL). Trong liên doanh này, FGV sẽ giữ vai trò hỗ trợ công ty mới đảm bảo được nguồn cung tinh dầu cọ chất lượng cao. KDC lo xây dựng thương hiệu và phân phối sản phẩm tại Việt Nam. Còn ITL đóng góp bằng hệ thống kho hàng và mạng lưới phân phối trải dài tại Việt Nam.

Kido Group tien sau vao nganh hang thiet yeu
 

Phát biểu trước cổ đông tại đại hội vừa qua, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc KDC, cam kết sau 2 năm KDC sẽ quay lại mốc doanh thu 5.000 tỉ đồng và sau 3 năm, lợi nhuận sẽ đạt mức 600 tỉ đồng (tức tương đương mức lợi nhuận hiện tại của KDC). “Tham gia vào ngành hàng thiết yếu, KDC đã có quá trình chuẩn bị nền tảng và nội lực rất kỹ càng. Cùng với các bước thực thi chiến lược, KDC cũng hợp tác liên doanh với các tập đoàn hàng đầu trong ngành nhằm thiết lập lợi thế cạnh tranh bền vững để tiến xa trong ngành”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Như vậy, bên cạnh việc sở hữu cổ phần tại Vocarimex thì động thái hợp tác với FGV được xem là bước đi chiến lược giúp KIDO Group vững chân với thế đứng đầu của ngành hàng dầu ăn ở thị trường trong nước, khi nắm trong tay được nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng, giá cả cạnh tranh, hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối. Theo ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc KDC, thị trường dầu ăn Việt Nam đạt quy mô 30.000 tỉ đồng/ năm, trong đó 90% nguyên liệu sản xuất được nhập khẩu từ nước ngoài. “Chúng tôi biết rằng thị trường dầu ăn hiện nay cạnh tranh rất gay gắt. Tuy nhiên, với dân số 90 triệu người, tiềm năng tăng trưởng của thị trường này là rất lớn và chúng tôi hiện đang có các đối tác mạnh để tham gia vào sân chơi này. Thông qua việc hợp tác cùng FGV, một trong những tập đoàn trồng và sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, KDC sẽ ổn định được nguồn nguyên liệu, giá thành”. 

Còn nhớ, khi Kinh Đô chuyển giao mảng bánh kẹo và quyết định bước sang lĩnh vực thiết yếu với tham vọng lọt tốp 3, nhiều cổ đông tỏ vẻ không tin tưởng. Tuy nhiên, với những bước đi căn cơ, vững vàng của KIDO Group hiện nay thì ngay những cổ đông khó tính nhất cũng phải thay đổi.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới