Hủy
Doanh Nghiệp

Yếu tố X của thời trang nam

Tú Nguyễn Thứ Sáu | 18/03/2022 14:00

Khách hàng thử veston ở Adam Store Hà Nội.

Thương hiệu thời trang nam giới tuy ít gây chú ý nhưng có tốc độ tăng trưởng khá hấp dẫn.
 

Năm 2015, Hoa hậu Việt Nam Ngọc Hân gây chú ý khi đưa Adam Store, một tên tuổi non trẻ tại Hà Nội vào TP.HCM theo hình thức nhượng quyền. Chỉ sau 4 năm, Adam Store mở được 5 showroom tại thành phố lớn nhất phía Nam và sở hữu 60 cửa hàng trên cả nước, trở thành thương hiệu Việt Nam lớn nhất trong thị trường vest may sẵn. 

Ông Ngô Quang Long, CEO của Adam Store, cho biết lượng hàng tồn của Công ty chỉ quanh mức 5% mặc dù trong ngành may mặc cho phép lượng hàng tồn lên tới 15%. Lý do là các sản phẩm của Adam Store đa dạng về mẫu mã, đủ size, số, màu sắc, giá cả dễ chấp nhận... “Mỗi thiết kế đều có 6 size và dựa trên việc phân tích thông số kích thước cơ thể của người Việt Nam, chứ không phải 4 size và theo form châu Âu như nhiều hãng khác. Mặc dù phải đối mặt với nguy cơ rủi ro về lượng hàng tồn lớn nhưng chính yếu tố này đã giúp cho nhiều khách hàng có thể sở hữu bộ vest phù hợp", ông Long chia sẻ thêm.

 

Cùng với quá trình đô thị hóa và sự mở rộng tầng lớp trung lưu, sản xuất trang phục cho nam giới rõ ràng là miếng bánh ngày càng hấp dẫn. Theo báo cáo của Euromonitor, năm 2019, giá trị bán lẻ của ngành thời trang nam Việt Nam tăng 10%, đạt 22.200 tỉ đồng, trong đó An Phước dẫn đầu với 5,3% thị phần, Zara đứng thứ nhì với 4,7%, kế đến là Việt Tiến với 3,3%, Blue Exchange 2,9% và Owen 2,2% thị phần. Euromonitor dự kiến năm 2024 doanh số bán lẻ mảng này sẽ đạt 40,5 tỉ đồng.

Tiềm năng là thế, nên hãng thời trang nữ Ivy Moda gần đây cũng mở thêm mảng thời trang cho nam với các dòng sản phẩm khá đa dạng. Còn Owen đã sở hữu hơn 1.000 điểm bán đầu tư mạnh mẽ vào bán hàng trực tuyến. Chương trình khuyến mãi là một trong những chiến lược kinh doanh hàng đầu của Owen. Vì vậy, nền tảng bán hàng online của hãng này được đầu tư lớn để thiết lập tự động các chương trình khuyến mãi khác nhau.

 

Trong những năm qua, không ít các thương hiệu thời trang trong nước ra đời với những cái tên và mẫu mã trang phục mang phong cách quốc tế nhằm đánh vào tâm lý thích hàng ngoại của phần lớn người trẻ Việt Nam. Những cái tên như Aristino, San Sciaro, Manhattan... đều đã thành công. Chẳng hạn, Aristino, thương hiệu thời trang nam của  K&G Việt Nam, ra mắt từ năm 2015 và chỉ trong 9 tháng đầu năm đó đã thu về doanh thu 123 tỉ đồng, sau 5 năm đã có hàng trăm cửa hàng. 

Bên cạnh các thương hiệu thời trang nam công sở, ít nhất vài chục thương hiệu thời trang street wear (quần jean, áo thun, áo kiểu, đồ thể thao, dạo phố...) nhắm đến lứa tuổi trẻ hơn với mức giá thấp hơn cũng xây dựng được hệ thống từ vài chục cho đến hàng trăm cửa hàng. Dẫn đầu là tên tuổi kỳ cựu Blue Exchange 250 cửa hàng với số lượng quần jean bán ra hàng đầu cả nước, kế đến là những cái tên quen thuộc như Yodi 109 cửa hàng, rồi đến Nino Maxx, Canifa, FMStyle, V-SIXTYFOUR, Couple TX...

Báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường VIRAC ước tính có khoảng hơn 200 thương hiệu thời trang nước ngoài từ tầm trung tới cao cấp đã có cửa hàng chính thức tại Việt Nam. VIRAC cũng đưa ra 2 lý do khiến các thương hiệu Việt khó cạnh tranh trên thị trường nội địa, bao gồm chất lượng sản phẩm không ổn định vì không chủ động được quy trình sản xuất, xây dựng mô hình kinh doanh tự phát khó phát triển bền vững dài hạn.

 

Tuy nhiên, theo nhận xét của Euromonitor, thời trang nam Việt Nam đang và sẽ tiếp tục chứng kiến sự gia nhập mạnh mẽ của nhiều thương hiệu trong nước nhắm đến giới trẻ. Cũng như giới trẻ toàn cầu, giới trẻ trong nước luôn tiếp cận trào lưu tiêu dùng mới như một cách thể hiện cái tôi, đi tìm bản ngã và khẳng định bản thân.

Đây là tinh thần chủ đạo của trào lưu “thương hiệu địa phương - local brands”. Cụ thể, đó là những thương hiệu thời trang mà nhà thiết kế, hay sản xuất tự làm chủ từ việc lên ý tưởng, thiết kế, cho đến sản xuất và phân phối. Điều này cho phép nhà thiết kế nắm bắt sở thích, gu ăn mặc, chủng loại chất liệu... để tạo ra sản phẩm phù hợp và nhanh chóng trở thành làn sóng thời trang mới. Với trào lưu thời trang unisex (phi giới tính), nhiều thương hiệu ban đầu nhắm đến nam nhưng sau đó có thêm cả lượng khách nữ đáng kể.

So với các thương hiệu lớn, các sản phẩm local brands có lợi thế là nắm bắt mẫu mã nhanh hơn, chất liệu, thiết kế phù hợp với điều kiện thời tiết và thực tế sử dụng tại Việt Nam. Hơn nữa, sản xuất trong nước cũng là thế mạnh khi Việt Nam có lượng công nhân lành nghề rất lớn. Local brands Việt hiện có 2 phong cách. Một là thời trang phá cách, với họa tiết hầm hố, màu sắc nổi bật chạy theo xu hướng, như Dirty Coins với 13 cửa hàng, Degrey 7 cửa hàng, Grimm DC 7 cửa hàng, Saigon Swagger 7 cửa hàng... Hai là dòng sản phẩm cơ bản, thiết yếu, đa dụng, phối được nhiều phong cách trong nhiều tình huống, được biết đến nhiều là Routine, Couple TX, Casta... với trên 20 cửa hàng.

Đến nay, dù thị trường Việt Nam đã chịu áp lực lớn từ dịch bệnh, nhưng hầu hết các thương hiệu thời trang nam giới vẫn giữ được thị trường. Đó là nhờ sự thay đổi liên tục mẫu mã quần áo theo mùa, chất liệu may trang phục được chú trọng, đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng, giá cả rất cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại của các thương hiệu quốc tế.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới