Schneider đồng hành cùng cam kết xanh của Việt Nam
Schneider được bình chọn Top 50 Doanh nghiệp phát triển bền vững 2022.
Là một chuyên gia trong ngành quản lý năng lượng và tự động hóa, ông Đồng Mai Lâm, Tổng Giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia, cho rằng số hóa hệ thống năng lượng hay xây dựng một nền điện năng 4.0 là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc xây dựng nền kinh tế tăng trưởng xanh, đảm bảo tương lai bền vững cho Việt Nam.
Đặt ra những vấn đề về tăng trưởng bền vững, kinh tế xanh tại thời điểm này có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam, thưa ông?
Việt Nam nhận được từ 35-40 tỉ USD vốn FDI mỗi năm, nhiều hơn bất kỳ nước nào trên thế giới. Con số này chiếm khoảng 8-10% GDP quốc gia và 80% trong số đó được đưa vào sản xuất và tạo ra hàng hóa cho xuất khẩu. Đó là chưa kể nhu cầu điện hằng ngày của gần 100 triệu dân và nhu cầu này sẽ còn tiếp tục tăng lên trong tương lai.
Những con số trên cho thấy tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam nhưng cũng đồng thời đặt ra nhiều bài toán về năng lượng, về bảo vệ môi trường… Đây cũng là xu hướng chung đang diễn ra trên toàn thế giới. Người tiêu dùng yêu cầu nhiều hơn về các sản phẩm dựa trên nền tảng xanh và các nhà đầu tư cũng yêu cầu phải tính đến yếu tố môi trường và bền vững trong sản xuất…
Tại Hội nghị COP26, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết giảm phát thải còn 0 vào năm 2050 cho thấy tầm quan trọng của xu hướng chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Việt Nam không chỉ đưa ra cam kết rõ ràng, mà còn phải có những bước đi cụ thể để thực hiện cam kết đó. Chúng tôi sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam để hiện thực hóa những giải pháp về tối ưu hóa năng lượng, góp phần giúp Việt Nam thực hiện các cam kết của mình.
Được biết, Schneider Electric được Corporate Knights công nhận là Tập đoàn Phát triển bền vững nhất năm 2021. Mới đây, Schneider Việt Nam cũng được bình chọn Top 50 Doanh nghiệp Phát triển Bền vững 2022. Vậy theo ông, yếu tố nào là quan trọng nhất để một doanh nghiệp có thể phát triển bền vững?
Trước tiên, một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững cần bắt đầu bằng việc xây dựng một chiến lược hay một kế hoạch với lộ trình cụ thể. Doanh nghiệp phải tích hợp được yếu tố bền vững vào tất cả chuỗi giá trị của công ty, từ việc xây dựng giá trị doanh nghiệp, kế hoạch kinh doanh, xây dựng quy trình hoạt động sản xuất cho đến xây dựng văn hóa doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ nhân sự. Đặc biệt, mong muốn phát triển bền vững phải được dẫn dắt và truyền lửa từ người lãnh đạo. Tại Tập đoàn chúng tôi, việc đưa ra một lộ trình phát triển bền vững là chiến lược xuyên suốt của tất cả những việc chúng tôi làm.
Ví dụ, trong nghiên cứu phát triển sản phẩm, chúng tôi cam kết tất cả sản phẩm của chúng tôi đều phải đạt các tiêu chí xanh, sạch, có khả năng tái chế; tất cả những thiết bị do chúng tôi làm ra đều phải có tính kết nối - có thể phục vụ cho việc số hóa hệ thống năng lượng trong tương lai.
Về mặt quản trị, chúng tôi xây dựng văn hóa trao quyền, linh hoạt để nhân viên có thể làm việc ở nhà 40% thời gian của mình, qua đó mọi người cân bằng được cuộc sống và công việc, đồng thời giảm khí thải carbon từ phương tiện di chuyển cũng như năng lượng văn phòng.
Bên cạnh đó, Schneider Electric cũng xác định phát thải ròng bằng 0 là kim chỉ nam cho việc không ngừng cải tiến toàn bộ chuỗi giá trị của Tập đoàn, cũng như với tất cả các đối tác trong lộ trình phát thải ròng bằng 0 trước năm 2050. Trước mắt, đến năm 2025 chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng bộ máy vận hành trung tính carbon và giảm thiểu cho khách hàng 800 triệu tấn CO2.
Về mặt công nghệ, tôi cho rằng muốn phát triển bền vững, chúng ta phải tiến tới số hóa toàn bộ các hoạt động của doanh nghiệp. Số hoá việc quản lý năng lượng là yếu tố then chốt để tối ưu hoá sử dụng tài nguyên, giảm thiểu carbon.
Ông nhận định như thế nào về sự liên quan giữa chuyển đổi số trong việc quản lý năng lượng và phát triển bền vững, thúc đẩy kinh tế xanh?
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Việt Nam là nước tiêu thụ điện nhiều thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á và là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng nhu cầu năng lượng nhanh nhất thế giới. Vì vậy, quốc gia này buộc phải tìm cách phát triển ngành điện để hỗ trợ phát triển kinh tế. Chính phủ sẽ không thể một mình giải quyết thách thức này. Với nhu cầu như vậy đòi hỏi sự tham gia của doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài… nhằm đảm bảo Việt Nam có đủ và đúng loại năng lượng đất nước này cần để tiếp tục phát triển bền vững.
Về mặt chiến lược, có thể nói, chuyển đổi số trong việc quản lý năng lượng chính là yếu tố quan trọng nhất đối với việc phát triển bền vững. Bởi vì năng lượng chính là lý do lớn gây ra biến đổi khí hậu. Hiện nay, ngành năng lượng đang chiếm 80% lượng phát thải carbon toàn cầu. Chính vì vậy, cần có hệ thống quản lý năng lượng để tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực. Theo tôi, số hóa việc quản lý năng lượng chính là chìa khóa để thấy được những thứ vô hình và trực quan hóa việc sử dụng năng lượng, đưa ra các giải pháp để tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên môi trường. Đó là yếu tố chính để xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững.
Theo ông, trong doanh nghiệp, việc xây dựng một quy trình quản lý năng lượng hiệu quả cần những yếu tố nào và có sự chuẩn bị như thế nào?
Trong quá trình thực hiện các cam kết xanh của mình, chắc chắn sẽ có khoảng cách giữa những gì chúng ta muốn thực hiện với những gì đạt được. Trước khi có thể hoạch định cụ thể hơn trong chiến lược xanh hóa, doanh nghiệp cần tối ưu các giải pháp đơn giản đã được chứng minh là có hiệu quả, như giảm sử dụng nước, tiết kiệm năng lượng, giảm sử dụng nhựa…
Về mặt quản lý năng lượng, doanh nghiệp cần xây dựng được kế hoạch sử dụng năng lượng hiệu quả, sau đó cần liên tục kiểm tra, kiểm toán các quy trình sử dụng năng lượng để bảo đảm ngày càng tối ưu hóa. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần nâng cao nhận thức và kiến thức về các tiêu chí, quy chuẩn trong quản lý năng lượng. Ví dụ, cần tìm hiểu về tiêu chuẩn Quản lý năng lượng ISO50001, có kế hoạch đào tạo nhân sự cũng như số hóa hệ thống điện, nâng cấp cơ sở hạ tầng về đo lường giám sát và các phần mềm, dịch vụ quản lý năng lượng.
Ông có thể cho biết trong quá trình chuyển đổi số quản lý năng lượng, các tập đoàn lớn như Schneider Electric sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam như thế nào?
Rõ ràng, doanh nghiệp Việt Nam, kinh tế Việt Nam có thể tăng thêm giá trị và lợi nhuận cho các sản phẩm của mình nếu đạt được các mục tiêu môi trường đã đề ra. Đồng thời, những bài toán về quản lý năng lượng hiệu quả cũng giúp doanh nghiệp gia tăng khả năng cạnh tranh. Quá trình dịch chuyển năng lượng đặt ra không ít thách thức nhưng cũng mang đến nhiều cơ hội mà chúng ta có thể cùng mở ra cho Việt Nam.
Vì vậy, chúng tôi luôn hướng đến việc nâng cao tính hiệu quả và phát triển bền vững trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, với mong muốn đồng hành cùng Chính phủ trong việc thúc đẩy chuyển đổi số thông minh hướng đến mục tiêu phát triển bền vững giai đoạn 2021-2030. Cụ thể, Schneider Electric sẽ tham vấn kế hoạch, thực thi chính sách vĩ mô của Chính phủ như phát thảo cơ chế chính sách về quản lý năng lượng, ứng dụng chuyển đổi số để phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, với những kinh nghiệm, kiến thức năng lực trong xây dựng lộ trình quản lý năng lượng đã được quốc tế công nhận, Schneider Electric đưa ra dịch vụ tư vấn phát triển bền vững. Dịch vụ này hoàn toàn độc lập với toàn bộ các hoạt động kinh doanh khác của doanh nghiệp chúng tôi. Dịch vụ tư vấn của Schneider Electric sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng kế hoạch sử dụng năng lượng, triển khai hệ thống quản lý năng lượng, kiểm toán toàn bộ hệ thống, đưa ra được lộ trình giảm thải carbon rất rõ ràng cho từng doanh nghiệp.
Kỳ vọng về một tương lai xanh của Việt Nam và cũng rất hào hứng tham gia hỗ trợ để hiện thực hóa mục tiêu bền vững. |
Ngoài ra, chúng tôi còn đưa ra các giải pháp về số hóa cho các ngôi nhà thông minh, cao ốc thông minh, trung tâm dữ liệu thông minh, cơ sở hạ tầng thông minh, lưới điện thông minh. Từ đó giúp khách hàng tối ưu hóa được việc sử dụng tài nguyên.
Với sự hỗ trợ từ Schneider Electric toàn cầu, mục tiêu dài hạn của chúng tôi là trở thành đối tác số chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về việc đạt được tiến bộ trong chuyển đổi năng lượng, tiết kiệm và tái tạo năng lượng.
Chúng tôi kỳ vọng về một tương lai xanh của Việt Nam và cũng rất hào hứng tham gia hỗ trợ để hiện thực hóa mục tiêu bền vững mà mọi người dân Việt Nam đều mong đợi sớm đạt được.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Andreas Kaplan (Bảo Hân ghi)
-
Trọng Hoàng
-
Hằng Nguyễn
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Thái Huệ