Công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
Tọa đàm do Hội Thân nhân Việt kiều tỉnh Quảng Ninh tổ chức tại TP Hạ Long.
Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, ngày 3/12 đã tham dự Tọa đàm về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, do Hội Thân nhân Việt kiều tỉnh Quảng Ninh tổ chức tại thành phố Hạ Long.
Năm 2024 đánh dấu chặng đường 20 năm triển khai Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, đây là dịp để rút ra bài học quý báu, đưa công tác người Việt Nam ở nước ngoài phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của kiều bào. Nắm bắt được xu thế này, ALOV đã và đang triển khai các hoạt động kết nối kiều bào ta ở nước ngoài với trong nước, theo chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”.
Nhiều năm qua, Hội Thân nhân Việt kiều Quảng Ninh đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước như xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Hội không chỉ là nơi kết nối tình cảm giữa kiều bào và người thân trong nước, mà còn là cầu nối vững chắc để kiều bào ở nước ngoài hướng về Tổ quốc. Hiện nay Quảng Ninh có trên 15.000 kiều bào đang sinh sống, làm việc và học tập tại 38 nước và vùng lãnh thổ. Hệ thống tổ chức của Hội Thân nhân Việt kiều Quảng Ninh được xây dựng đồng bộ, bao gồm 10 hội cấp huyện, thị xã, thành phố và 65 hội, chi hội trực thuộc tại các xã, phường, thị trấn, thôn, khu phố. Với 1.350 hội viên, các tổ chức này đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa thân nhân trong nước và kiều bào ở nước ngoài.
Người Việt Nam tại Hàn Quốc đang sinh sống, học tập, làm việc bình thường
Đến nay, cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc đang sinh sống, học tập, làm việc bình thường, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc thông báo ngày 5/12, theo Bộ Ngoại giao. Hiện cơ quan này đang tiếp tục theo dõi sát tình hình, sẵn sàng các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết. Tình trạng thiết quân luật tại Hàn Quốc được dỡ bỏ mà không có bất kỳ hành vi bạo lực nào, các hoạt động kinh doanh hằng ngày đã trở lại bình thường, hòa bình và trật tự công cộng vẫn được đảm bảo. Một ngày trước đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã gửi thông báo tới các phái đoàn ngoại giao tại Seoul chia sẻ về lo ngại của các nước liên quan đến diễn biến gần đây ở Hàn Quốc song khẳng định tiến trình dân chủ và trật tự công cộng vẫn đang được bảo đảm.
Ngay sau khi nhận được thông tin liên quan, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc theo dõi sát diễn biến, liên hệ ngay với các cơ quan chức năng sở tại, các hội/đoàn người Việt Nam tại Hàn Quốc để nắm bắt tình hình công dân đang sinh sống, học tập, làm việc tại đây, theo TTXVN. Đại sứ quán cũng phối hợp chặt chẽ với cộng đồng người Việt Nam, khuyến cáo công dân tuân thủ các quy định và hướng dẫn của cơ quan sở tại, tránh tụ tập đông người và giữ liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam.
Họa sĩ Đặng Dương Bằng: Khoa học làm hội họa thăng hoa
Với tư duy của người làm khoa học, họa sĩ Việt kiều Đặng Dương Bằng đã sáng tạo nghệ thuật thông qua những thử nghiệm, nghiên cứu và cách đặt vấn đề mới. Nhiều tác phẩm của ông nằm trong bộ sưu tập của các nhân vật nổi tiếng như Elton John và Gates Foundation của Bill Gates.
Ban ngày làm khoa học, đêm về vẽ tranh, 2 hoạt động tưởng chừng như không liên quan nhưng lại khiến cho cuộc sống của ông Bằng hạnh phúc. Nếu hội họa giúp ông vượt qua căng thẳng trong công việc nghiên cứu, thì khoa học lại giúp cho hội họa của ông có những cách đặt vấn đề mới.
Họa sĩ Đặng Dương Bằng, vốn là giáo sư về công nghệ nano trong an toàn thực phẩm tại Đan Mạch, đã bắt đầu sự nghiệp hội họa năm 1974 với tư cách là hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội. Sau đúng 50 năm, triển lãm Nocturne được tổ chức ở thủ đô, là sự tri ân của ông dành cho Hà Nội - quê hương yêu dấu của ông.
Phở Hà Nội 1979 tại ÚC
Nhà hàng “Phở Hà Nội 1979” được khai trương vào đầu tháng 12, ngay giữa lòng thành phố Sydney của Úc, tại 128 đường Burwood, khu Burwood, bang New South Wales, theo TTXVN. Ngay trong ngày khai trương, “Phở Hà Nội 1979” đã thu hút rất đông những người yêu phở Việt. Phở không những là món ăn tồn tại trong tâm thức của người Hà Nội nói riêng mà giờ đây đã trở thành một biểu tượng cho nền ẩm thực của người Việt Nam nói chung và vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, vươn tầm ẩm thực thế giới.
Phở đã theo chân người Việt đi khắp thế giới, là món ăn truyền thống của người Việt nhưng lại được rất nhiều người nước ngoài yêu thích, góp phần tôn vinh văn hóa ẩm thực của Việt Nam. Tại Úc, rất nhiều người bản xứ có thể phát âm rõ từ “Phở” và khá quen thuộc với các loại nguyên liệu từng rất lạ lẫm với họ như rau thơm, nước mắm, giấm, tỏi và cả cách dùng đũa khi ăn. Đặc biệt, nhiều người Úc rất thích phở Việt Nam và thường chọn phở là món ưu tiên trong các bữa tiệc vì hương vị hấp dẫn và lôi cuốn.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Hằng Nguyễn