Hủy
Kiều bào

Startup Việt thành danh trên xứ Kiwi

Thứ Ba | 14/06/2016 14:21

 
 
Mặc dù tập đoàn của ông Mitchell Phạm đã lọt vào nhóm 200 doanh nghiệp hàng đầu của New Zealand, nhưng ba năm đầu khởi nghiệp là một chặng đường gian nan...

Đầu tháng 6, doanh nhân Mitchell Phạm có mặt trong đoàn doanh nhân tháp tùng ông Steven Joyce, Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Giáo dục và Kỹ năng nghề New Zealand, đến Việt Nam trên chuyến bay thẳng đầu tiên từ Auckland đến TP.HCM. Sự kiện đặc biệt trong chuyến đi này là lễ khai trương Trung tâm Kiwi Connection, thúc đẩy kết nối các doanh nghiệp New Zealand đến Việt Nam đầu tư kinh doanh. NCĐT đã có buổi trò chuyện với Mitchell Phạm về con đường 22 năm gây dựng Tập đoàn Augen Software lọt vào nhóm 200 doanh nghiệp hàng đầu của New Zealand. Tuy vậy, giai đoạn ba năm đầu khởi nghiệp là một chặng đường gian nan...

Vẫn giữ lửa trong những câu chuyện tràn đầy năng lượng, Mitchell Phạm kể lại động lực quan trọng nhất khiến người thanh niên Việt Nam 22 tuổi quyết định thành lập công ty startup cùng 4 người bạn học vào năm 1993. “Kinh doanh là con đường ngắn nhất khi lập thân nơi đất khách. Dù sống nơi đâu, tôi cũng nung nấu nối nghiệp gia đình...”, Mitchell tâm sự về việc ông muốn giữ truyền thống kinh doanh của gia đình.

Xuất phát điểm là doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực phần mềm vốn dĩ còn quá mới mẻ ở thị trường New Zealand những năm 90, Mitchell và những người bạn chủ yếu viết phần mềm miễn phí để có kinh nghiệm. Suốt 3 năm đầu, ngày giữ lửa đam mê bằng việc ngồi “gõ code” miễn phí ở Augensoftwave 8 tiếng, tối đi làm thêm 6-8 tiếng đủ mọi nghề để nuôi “cái bụng đói”. Ông Mitchell cho rằng, nếu ngày ấy đi làm thuê cho các công ty lớn như các bạn học ở Đại học Auckland thì sẽ không có nhiều cơ hội để hòa nhập vào đời sống văn hóa New Zealand.

Theo ông, những tháng ngày gian nan tuổi trẻ ấy là cơ hội trui rèn bản lĩnh sống, được hòa mình vào cuộc sống khi chia sẻ khó khăn với những người bạn New Zealand đồng sáng lập công ty. “Khi nói chuyện, tôi hiểu ẩn ý đằng sau mỗi câu nói, khi tôi đùa họ hiểu và cùng cười với tôi”, đó là khoảnh khắc nhẹ nhàng mà theo ông là giá trị sống vô giá trong hành trình hòa nhập với những người bản xứ. “Mỗi sáng thức dậy, bạn phải đối diện với hai lựa chọn: hoặc sự thầm lặng cô độc của một người viễn xứ hoặc phải lao động và nỗ lực hơn ngày hôm qua để vươn lên”, Mitchell đã chọn sự vươn lên mỗi ngày như thế. Không chỉ là doanh nhân thành đạt, Mitchell cũng khiến những người bạn New Zealand kính nể trước năng lực học hỏi kiến thức mới. Vừa làm quản lý ông vừa kịp có trong tay 2 bằng Master trong lĩnh vực công nghệ và y tế sức khỏe, đồng thời bằng MBA của Đại học Harvard.

Hợp đồng viết phần mềm đầu tiên trị giá 10.000 đô la New Zealand đến được với Augen Software là thành quả chung sức của cả nhóm. Năm người chia nhau lập trình và sản phẩm đã được hoàn thành 1 tháng. Tuy không có lời nhưng hợp đồng đầu tiên cho ông trải nghiệm cảm giác đầu tiền về sự “thành công sẽ luôn đến khi duy trì được đam mê”. Ba năm sau, vào thời điểm năm 1996, ông và người bạn đồng sáng lập Augen Software Peter Vile “ngộp thở” khi lần đầu tiên được nhận số tiền cổ tức 12,5 USD của Công ty. Suốt quãng thời gian ấy, người đàn ông Việt Nam này vẫn đều đặn 3 lần mỗi tuần, trong suốt 11 năm trời, tìm về nơi ông sống những ngày đầu tiên đến đất New Zealand, để kiên trì tìm mọi manh mối nuôi hy vọng tìm lại được gia đình thân yêu bị ly tán lúc mới ông mới 11 tuổi.

Ông Peter Vile, người đã luôn sát cánh với Mitchell suốt cả tuổi thanh xuân, tâm sự rằng, lý do khiến ông đồng ý thành lập công ty là vì “nhìn thấy thái độ lạc quan sống, vươn lên trong mọi khó khăn của người bạn đến từ Việt Nam xa xôi”. Cũng theo Peter chính nhờ sự quyết liệt và tầm nhìn chiến lược ở Mitchell đã giúp cả hai đưa ra những quyết định đúng vào thời khắc sống còn của Augen Software. Đó là thời điểm sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, Augen Software đối mặt với 2 quyết định lớn: sa thải 1/3 nhân sự và có nên tiếp tục mảng kinh doanh cốt lõi đang sụt giảm doanh thu hay không. Cuối cùng, chỉ một câu nói của Mitchell đã khiến Peter quyết định theo đuổi đến cùng “giấc mơ Kiwi” của cả hai thời trai trẻ. Khi ấy, Mitchell trầm lặng nói: “Dù còn 2 cái laptop, chúng ta vẫn có thể cùng nhau ngồi lập trình như những ngày đầu, phải không Peter?”. “Tôi biết Mitchell là người giỏi đàm phán, marketing và thuyết phục khách hàng. Nhưng vào thời điểm đó, tôi biết cậu ấy nói với tôi bằng cả trái tim chân thành chứ không phải là kỹ năng của người lãnh đạo”, Peter xúc động nhớ lại. Niềm tin và sự đoàn kết đã nở hoa. Hơn 2 năm sau, doanh thu của Augensoft đã tăng trưởng gấp 1,5 lần so với trước khủng hoảng.

Cùng với sự lớn mạnh của công nghệ trên toàn cầu, Augen Software ngày nay, đã trở thành tập đoàn đa quốc gia với 6 công ty thành viên, nằm trong số 28.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao. Đây là lĩnh vực đóng góp 8% GDP NewZealand, 9% kim ngạch xuất khẩu trong năm 2015. Sau 11 năm hoạt động tại Công viên Phần mềm Quang Trung TP.HCM, Công ty Augensoft Việt Nam (công ty con của Augen Software Group) đã có doanh thu xấp xỉ 10 triệu USD năm 2015. Khi khai trương Trung tâm Kiwi Connection, do Tập đoàn Công nghệ Phần mềm Augen đầu tư, Bộ trưởng Steven Joyce dành nhiều lời khen đầy tin tưởng vào Mitchell Phạm - người đại diện cho doanh nhân Việt Nam. Ông khẳng định, Kiwi Connection sẽ là cửa ngõ chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp công nghệ cao New Zealand đang đầu tư tại Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung. Còn Mitchell Phạm chỉ bộc bạch: “Tôi muốn góp sức nhỏ bé của mình để giúp doanh nghiệp Việt đứng vững trước cạnh tranh và hội nhập sâu rộng trong những năm tới”.

Khoảnh khắc khi Mitchell Phạm tất bật trong buổi khai trương, đứng lặng lẽ phía xa, chăm chú theo dõi bằng những tràng vỗ tay mạnh mẽ, ánh mắt Peter Vile khi đó rạng ngời và đầy tin tưởng! Như ông đã từng tin người bạn nhỏ bé Việt Nam ngay những ngày đầu khởi nghiệp.

Minh Nguyệt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới