Hủy
Kinh Doanh

13.336 tỉ đồng trái phiếu đã được mua lại trước hạn trong tháng 6

Ngọc Tâm Thứ Năm | 04/07/2024 12:00

Trong nửa cuối năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 139.765 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 58.782 tỉ đồng, tương đương 42%. Ảnh: TL.

 
 
Lũy kế từ đầu năm đến nay, có 102 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 104.109 tỉ đồng và 10 đợt phát hành ra công chúng trị giá 11.378 tỉ đồng.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tính đến ngày công bố thông tin 30/6/2024, có 30 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 40.147 tỉ đồng và 3 đợt phát hành ra công chúng trị giá 2.000 tỉ đồng trong tháng 6/2024. 

Lũy kế từ đầu năm đến nay, có 102 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 104.109 tỉ đồng và 10 đợt phát hành ra công chúng trị giá 11.378 tỉ đồng. Trong số các đợt phát hành riêng lẻ, các trái phiếu đã được xếp hạng tín nhiệm chiếm 4,2% giá trị. 

Cũng từ số liệu của VBMA, trong tháng 6, các doanh nghiệp đã mua lại 13.336 tỉ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 68% so với cùng kỳ năm 2023. Trong nửa cuối năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 139.765 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 58.782 tỉ đồng, tương đương 42%. 

Nguồn:
Nguồn: VBMA.

Về tình hình công bố thông tin bất thường, có 2 mã trái phiếu công bố chậm trả gốc, lãi mới trong tháng với giá trị 980 tỉ đồng và 13 mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả lãi, gốc. Trên thị trường thứ cấp, tổng giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 6 đạt 99.469 tỉ đồng, bình quân đạt 4.973 tỉ đồng/phiên, tăng 12,1% so với bình quân tháng 5. 

Theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS), việc trái phiếu phát hành mới vẫn duy trì ở mức khá thấp do các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc phát hành mới và cần tất toán, tái cấu trúc nợ. Thêm vào đó, nợ phải trả tính đến cuối năm ở mức khá lớn. Đa phần các trái phiếu đáo hạn trên thị trường trong thời gian tới đều nằm ở ngành bất động sản (chiếm đến 41% giá trị đáo hạn). 

 

Theo TPS, áp lực thanh toán của doanh nghiệp bất động sản được dự kiến khó được giải tỏa khi thị trường chưa phục hồi hoàn toàn, vướng mắc pháp lý vẫn tiếp diễn vì độ trễ chính sách, và các doanh nghiệp cần thời gian để cân đối lại dòng tiền hoạt động. 

“Chúng tôi đánh giá thị trường trái phiếu sẽ có khởi sắc hơn trong giai đoạn cuối năm nhưng vẫn tồn tại rất nhiều khó khăn khiến nhà đầu tư thận trọng hơn khi tiếp cận kênh đầu tư này”, TPS nhận định. 

Đối với kênh đầu tư trái phiếu, Bộ Tài chính cũng từng lưu ý trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là sản phẩm tài chính chỉ dành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư cần phải có hiểu biết về quy định của pháp luật, tiếp cận đầy đủ thông tin về doanh nghiệp phát hành và trái phiếu, đánh giá kỹ tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, thận trọng đối với các dịch vụ tư vấn, phân biệt rõ sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp với tiền gửi ngân hàng, đánh giá mức độ rủi ro tương xứng với lợi nhuận khi đầu tư trái phiếu và chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình. Nhà đầu tư cần lưu ý rằng rủi ro của trái phiếu là rủi ro gắn với doanh nghiệp phát hành trái phiếu chứ không phải là rủi ro liên quan đến tổ chức phân phối trái phiếu, trong đó có các ngân hàng thương mại phân phối trái phiếu. 

Có thể bạn quan tâm 

Gần 1,54 triệu tỉ đồng được đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng năm 2024


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới