B2B tìm đơn hàng triệu USD online
Bên cạnh chất lượng, doanh nghiệp vẫn có nhiều cách để tối ưu, xây dựng thương hiệu sản phẩm của mình trên Amazon để tiếp cận được nhiều khách hàng hơn Ảnh: Quý Hòa.
Vài năm gần đây, Gốm sứ Minh Long 1 đã phát triển kênh bán hàng thương mại điện tử trên Amazon.com. Cùng với các hoạt động bán hàng quốc tế, kênh bán hàng mới này còn giúp Minh Long 1 quảng bá sản phẩm sứ Việt Nam chất lượng cao và tạo thuận lợi cho việc bán hàng đến nhiều quốc gia và người tiêu dùng quốc tế.
Amazon thắng lớn
Ông Lý Huy Sáng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Minh Long 1, cho biết: “Trước khi xuất hiện trên Amazon Global Selling, việc mở rộng hoạt động kinh doanh ra thị trường bán lẻ quốc tế luôn là tham vọng của chúng tôi. Tuy nhiên, chỉ sau khi trở thành đối tác với Amazon, chúng tôi mới có thể từng bước hiện thực hóa tham vọng này và bắt đầu một hành trình kinh doanh mới”.
Như một kết quả tốt đẹp, sản phẩm gốm sứ của Minh Long 1 là một trong những mặt hàng bán chạy trên Amazon, theo báo cáo gần nhất của kênh thương mại điện tử này. Đại diện của Amazon Global Selling công bố số liệu cho thấy số sản phẩm của doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam bán trên nền tảng Amazon đã tăng 34% so với năm ngoái. Con số này trong năm qua đạt 7,2 triệu sản phẩm. Amazon cho biết lượng doanh nghiệp đạt mốc doanh số 500.000 USD tăng 53%; số lượng đạt cột mốc 1 triệu USD cũng tăng hơn 40%. Các doanh nghiệp Việt Nam đạt được thành công về xuất khẩu trên Amazon có thể kể đến Gốm sứ Minh Long 1, nón bảo hiểm Royal Helmet, Rong nho Trường Thọ, Hạt điều Lafooco...
Ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, cho biết: “Việt Nam là nước có mức tăng trưởng doanh thu trên nền tảng này cao nhất so với một số thị trường khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines. Từ năm 2019, khi Amazon lần đầu đặt chân vào Việt Nam, doanh thu của các doanh nghiệp đã tăng gần gấp đôi”.
Có thể thấy, dịch bệnh và các lệnh giãn cách nghiêm ngặt đã thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử, mang lại thành công cho kênh thương mại điện tử xuyên biên giới như Amazon hay Alibaba.
Tin vui của cuối năm 2021 là tính đến hết 11 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 602 tỉ USD, giữ vững vị thế xuất siêu gần 1,5 tỉ USD. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp đã nhận ra lợi ích tiềm năng của kênh thương mại điện tử xuyên biên giới.
Ngay cả nông hộ và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cũng tận dụng cơ hội này để giải cứu nông sản. Chẳng hạn, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã hợp tác với Viettel Post và sàn thương mại điện tử Voso xuất khẩu thí điểm thành công vải thiều Bắc Giang sang thị trường châu Âu trên nền tảng thương mại điện tử của Việt Nam - Voso Global. Chương trình “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” cũng được triển khai trên sàn thương mại điện tử JD.com, phối hợp với Vinanutrifood, Viettel Post, VPBank... tạo thành kênh phân phối mới cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc.
Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số
Số liệu của 2 kênh thương mại điện tử lớn nhất thế giới hiện nay là Amazon và Alibaba đều cho thấy số doanh nghiệp xuất khẩu, giá trị lẫn số lượng sản phẩm bán qua dịch vụ của họ đã tăng trưởng mạnh trong năm qua. Amazon đang cạnh tranh mạnh mẽ với Alibaba và cả 2 liên tục đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ để thu hút người bán từ Việt Nam.
Trên Alibaba.com, hoạt động B2B đã chuyển lên môi trường trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhu cầu đối với các sản phẩm F&B trên nền tảng vào năm 2021 đã tăng vọt lên 40% so với cùng kỳ năm trước. Ông Stephen Kuo, Tổng Giám đốc Alibaba.com châu Á - Thái Bình Dương, chia sẻ: “Các nhà cung cấp sản phẩm F&B của Việt Nam có vị thế nhất định trên Alibaba.com và mức độ phổ biến trên toàn cầu, điều này khiến người mua trên thế giới có xu hướng tìm kiếm các nhà cung cấp Việt Nam”.
Những ngân hàng như MSB, HDBank cũng nhanh nhẹn bắt tay với Alibaba và Amazon để hỗ trợ các doanh nghiệp về tài chính, thanh toán... khi xuất khẩu thông qua các nền tảng trực tuyến.
Theo Amazon, dự báo năm 2022, giá trị thương mại điện tử toàn thế giới sẽ đạt khoảng 3.300 tỉ USD, gấp 6 lần so với thương mại truyền thống. Trong khi đó, theo báo cáo của Công ty tư vấn Bain & Company (Mỹ), Việt Nam được dự báo sẽ là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á vào năm 2026, với tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử (GMV) đạt 56 tỉ USD, gấp 4,5 lần giá trị ước tính vào năm 2021. Trong mảng B2B, theo số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, hiện có khoảng 11% doanh nghiệp Việt Nam tham gia các sàn thương mại điện tử, 35% doanh nghiệp thiết lập được quan hệ với đối tác nước ngoài thông qua kênh trực tuyến. Con số này vẫn quá nhỏ so với hơn 700.000 doanh nghiệp đang hoạt động.
Thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu cho nông sản nói chung và các sản phẩm khác vốn là thế mạnh của Việt Nam. Ảnh: TTXVN |
Đánh giá chung cho thấy, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu cho nông sản nói chung và các sản phẩm khác vốn là thế mạnh của Việt Nam, nhất là khi Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực. Đây là cơ hội còn dành cho cả doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, cá nhân có sản phẩm chất lượng tốt. “Các thương hiệu Việt Nam chưa có thế mạnh về mặt hàng công nghệ. Tuy nhiên, bên cạnh chất lượng, doanh nghiệp vẫn có nhiều cách để tối ưu, xây dựng thương hiệu sản phẩm của mình trên Amazon để tiếp cận được nhiều khách hàng hơn”, ông Seong nhận định.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng cho biết sẽ đẩy mạnh phương thức xúc tiến thương mại mới dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin như kết nối khách hàng online và tham gia các triển lãm số. Bộ Công Thương đặt mục tiêu đến năm 2025 xây dựng, hình thành hệ sinh thái xúc tiến thương mại số với 100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 200.000 doanh nghiệp được cấp tài khoản trên hệ sinh thái xúc tiến thương mại số. 50% trong số này có phát sinh giao dịch và chia sẻ thông tin.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Trực Thanh
-
Nguyễn Mai
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Hằng Nguyễn