Bắt bệnh Zoomcar
Cuối tháng 5 vừa qua, Zoomcar, ứng dụng cho thuê xe tự lái của Ấn Độ, bất ngờ phát đi thông báo dừng hoạt động ở Việt Nam dù rằng trước đó không lâu đơn vị này công bố đã hòa vốn ở Việt Nam chỉ sau 1 năm tham gia và chuẩn bị IPO ở Mỹ thông qua hình thức SPAC (công ty mua lại với hình thức đặc biệt).
Cuộc rút lui thầm lặng
Zoomcar là mô hình trung gian kết nối người thuê xe tự lái với các chủ cho thuê xe và thu phí 40% trên mỗi thương vụ thành công. Trước khi dừng hoạt động ở Việt Nam, Zoomcar cho biết đã kết nối với 3.000 chủ xe và thực hiện 10.000 chuyến đi. Đối tác cho thuê xe là các chủ xe muốn tăng công suất thuê vào các ngày trong tuần, vốn ít khách. Khách thuê đa phần là khách hàng Việt Nam, đặc thù nhóm này là đã có các mối quen và thuê vào các ngày cuối tuần, lễ Tết.
Quy mô thị trường cho thuê xe tự lái ở Việt Nam dự kiến đạt hơn 880 triệu USD vào năm 2027, với tốc độ CAGR 13,82% trong giai đoạn 2022-2027 (theo Mordor Intelligence). Ngoài Zoomcar, còn nhiều cái tên nội địa tham gia thị trường này là Mioto, Bean Travel… Công ty hoạt động rầm rộ nhất so với các đối thủ bằng các chương trình khuyến mãi, quảng cáo nhưng nhưng lại là đơn vị rời thị trường sớm nhất.
Thành lập năm 2013 ở Ấn Độ, điểm mạnh của Zoomcar ở thị trường này là giao xe tự động, tức chủ xe sẽ đặt xe ở một điểm thỏa thuận trước và người thuê dùng ứng dụng Zoomcar để mở khóa xe. Tuy nhiên, cách làm này không thực hiện được ở Việt Nam vì các thành phố lớn ở Việt Nam không có nhiều bãi đậu xe như Ấn Độ dẫn đến tăng chi phí vận hành. Thứ đến, nó cũng không quá khó để không bị sao chép, như bên Viettel có giải pháp VCAR chẳng hạn.
Mấu chốt ở chỗ chủ xe vẫn muốn gặp trực tiếp khách để đảm bảo người thuê phải cọc một khoản tiền hoặc giao xe máy (bao gồm giấy tờ) để làm tin. Nói cách khác, Zoomcar ở Việt Nam hoạt động cũng như các doanh nghiệp nội địa nhưng giá luôn cao hơn mặt bằng chung do tác động của phí chiết khấu. Bởi mức chiết khấu cao nên Công ty gặp phải tình trạng chủ xe thường kết nối trực tiếp với khách thuê cho các lần sau để đỡ chi phí trả cho Zoomcar. “Đó là đặc thù của thị trường này”, anh Bình Nguyễn, sáng lập Bean Travel, chia sẻ với NCĐT.
Sở dĩ các công ty như Grab hay Gojek ít gặp phải tình trạng trên vì nhu cầu sử dụng hằng ngày của khách hàng là cao và giá trị đơn hàng không quá lớn. Còn với các ngành có tần suất sử dụng thấp vài tuần hay vài tháng/một lần và giá trị dịch vụ càng lớn sẽ càng dễ dẫn đến tình trạng khách hàng và đối tác làm việc riêng. Không chỉ cho thuê xe mà mô hình kết nối người giúp việc theo giờ, thợ sửa chữa cũng gặp tình trạng trên ở Việt Nam.
Mặt khác, do phần lớn đối tác cho thuê xe trên các ứng dụng là chủ xe chuyên nghiệp, chứ không phải như Mỹ vốn là xe cá nhân như Turo - đã tự vận hành rất tốt nên thường không chấp nhận trả thêm phí cho bên thứ 3. Rõ ràng, thị trường cần thời gian để phát triển khi người thuê hiểu được việc thông qua các nền tảng cho họ có nhiều lựa chọn và đảm bảo có xe. Còn về phía chủ xe, thì đó là chi phí tiếp thị và chăm sóc khách hàng thuê ngoài.
Phép thử cho startup từ Ấn Độ
Không tham gia thị trường Việt Nam như nhiều quốc gia khác nhưng người Ấn cũng đã cử các cái tên nặng ký thử sức. Trước Zoomcar, một startup kỳ lân khác của Ấn Độ là Oyo (chuỗi khách sạn phổ thông nhượng quyền dựa trên công nghệ) cũng gặp tình trạng tương tự. Cùng công thức như Zoomcar, Oyo mở rộng ở Việt Nam, công bố đây là thị trường chiến lược, quảng cáo rầm rộ thu hút đối tác, người dùng, chuẩn bị IPO rồi lặng lẽ rút lui khỏi thị trường.
Quan sát kỹ hơn, đây chính là công thức chung của các công ty công nghệ Ấn Độ theo mô hình kinh tế chia sẻ. Họ chọn các quốc gia có tỉ lệ người sử dụng internet hấp dẫn ở Đông Nam Á, Việt Nam là một ví dụ, đổ tiền giành thị phần để phục vụ mục tiêu IPO.
Và các công ty này cũng cùng một kết quả: mở rộng quá nhanh, quản lý không theo kịp và tốc độ tiêu tiền nhiều hơn số tiền họ gọi vốn và có được từ hoạt động kinh doanh dẫn đến hụt dòng vốn, phải thu hẹp hoạt động. Oyo là một ví dụ điển hình, bất chấp việc quản lý ở Ấn Độ còn rất nhiều điều cần giải quyết, công ty này vẫn mở rộng sang các thị trường khác và kết quả là phải giảm tốc độ mở rộng để ổn định tình hình tài chính cùng khả năng quản lý.
Cách làm này cũng tạo một thói quen rất xấu cho thị trường do lượng tiền đầu tư quảng cáo, trợ giá cho người sử dụng quá dễ dãi nên hình thành thói quen săn giảm giá, trái ngược với mục đích ban đầu các nền tảng hứa hẹn với doanh nghiệp đối tác. Theo website Economictimes, Oyo từng được định giá 9 tỉ USD vào đầu năm 2022, nhưng cuối năm đó, SoftBank, nhà đầu tư chiếm 45% cổ phần Công ty, đã giảm định giá còn 2,7 tỉ USD. Cho đến nay, ngày IPO của Oyo vẫn chưa được xác định.
Với Oyo là quản lý bất động sản thì Zoomcar đang quản lý “động sản”, vốn phức tạp hơn rất nhiều và là tài sản có giá trị ở Việt Nam. Trước đây, việc đốt tiền đổi tăng trưởng để thúc đẩy mô hình công nghệ được chống lưng bởi dòng vốn đầu tư toàn cầu. Tuy nhiên, điều này không còn nữa. Theo TechCrunch, hồi đầu năm nay, Quỹ Vision thuộc SoftBank báo cáo khoản lỗ 32 tỉ USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm trước dù rằng quỹ này đã cẩn trọng hơn trong việc triển khai vốn cho các công ty khởi nghiệp gần đây.
Kết quả kinh doanh không mấy khả quan của Quỹ Vision, cùng với tình hình kinh tế hiện nay, gần đây nhất là Ngân hàng SVB đã ảnh hưởng rất lớn đến các công ty đốt tiền đổi tăng trưởng. Thứ đến, mô hình SPAC cũng không còn phát huy tác dụng trong bối cảnh lãi suất tăng vọt hiện nay, càng tạo thêm nhiều khó khăn cho các công ty mở rộng dựa trên dòng vốn huy động.
Trong bối cảnh đó, các công ty Ấn Độ buộc phải ưu tiên tái cơ cấu hoạt động trong nước và bỏ qua các thị trường tiềm năng nhưng cần thời gian để phát triển. Việc mở rộng thị trường bằng mọi giá cũng khiến nhóm này bỏ qua các hoạt động nghiên cứu và phát triển để thích nghi với văn hóa kinh doanh của địa phương. Do đó, từ doanh nghiệp năng động nhất, khuynh đảo thị trường, họ lại là những người rút lui sớm nhất khi dòng vốn bị cắt. Hơn ai hết Zoomcar và Oyo hiểu rất rõ điều này sau trải nghiệm chóng vánh ở Việt Nam.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư