Hủy
Kinh Doanh

Bộ Tài chính Mỹ: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản không thao túng tiền tệ

Thứ Bảy | 15/04/2017 08:49

Mỹ cũng thúc giục Trung Quốc thả nổi đồng Nhân dân tệ và tăng cường hợp tác thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
 

Theo báo cáo tiền tệ nước ngoài do Bộ Tài chính Mỹ vừa ban hành hôm thứ Sáu 14/4,  không có đối tác thương mại lớn nào của Mỹ đã bị liệt vào danh sách các nước thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, Mỹ vẫn đưa Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Đức và Thụy Sĩ vào danh sách theo dõi về tỷ giá ngoại hối.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính thì: “Trung Quốc hiện đang có thặng dư thương mại song phương rất lớn và dai dẳng với Mỹ, cho thấy Trung Quốc cần phải mở cửa nền kinh tế hơn nữa cho hàng hóa và dịch vụ của Mỹ”, cũng như là cải cách nhanh hơn nhằm tăng tiêu dùng hộ gia đình (giúp mua nhiều hàng hóa của Mỹ hơn).

Ông Trump đã thông báo vào thứ Tư rằng ông sẽ không thực hiện lời hứa liệt Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, khi 2 nước muốn tăng cường hợp tác thương mại và giải quyết mối nguy hạt nhân từ CHDCND Triều Tiên. Ông Trump cũng nói rằng Trung Quốc đã không thao túng tiền tệ trong nhiều tháng qua, và đồng USD đang trở nên quá mạnh.

Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cho rằng, trong một thập kỷ, Trung Quốc đã có những hành động can thiệp với quy mô lớn nhằm giảm giá đồng nội tệ, và sau đó chỉ nâng giá đồng tiền của mình dần dần - một hành động đã gây ra “những khó khăn lớn và kéo dài lên các công nhân và các công ty Mỹ”. Trung Quốc hiện vẫn đang can thiệp để ngăn chặn đà giảm của đồng Nhân dân tệ, tuy nhiên đà bán dự trữ ngoại hối của quốc gia này đã giảm vào đầu năm nay.

Hiện giờ, Trung Quốc cần cho thấy rằng việc họ không có hành động can thiệp nào vào thị trường tiền tệ “nhằm ngăn cản sự tăng giá” trong 3 năm qua là một chính sách “bền vững” bằng cách cho phép đồng Nhân dân tệ mạnh lên “khi áp lực tăng giá trở lại”, theo Bộ Tài chính Mỹ.

Bo Tai chinh My:  Trung Quoc, Han Quoc, Nhat Ban khong thao tung tien te
Tỷ giá đồng USD so với NDT (màu trắng) và franc Thụy Sĩ (màu xanh) đã tăng mạnh. Ảnh: Bloomberg

Cũng giống như báo cáo lần trước của chính quyền Obama vào tháng 10 năm ngoái, Trung Quốc chỉ đáp ứng 1 trong 3 tiêu chuẩn – là tạo ra thâm hụt lớn cho Mỹ - mà bộ Tài chính sử dụng làm tiêu chuẩn để liệt một quốc gia vào danh sách thao túng tiền tệ. Trong năm ngoái, Trung Quốc có thặng dư thương mại 347 tỷ USD với Mỹ, mức lớn nhất trong số các đối tác thương mại của Mỹ.

Đài Loan cũng chỉ đáp ứng 1 tiêu chuẩn, trong khi 4 nước còn lại đáp ứng 2 tiêu chuẩn.

Bộ Tài chính My cho biết Đức phải có “trách nhiệm” để giúp cân bằng nhu cầu và dòng chảy thương mại toàn cầu. Nền kinh tế lớn nhất Châu Âu nên sử dụng chính sách tài khoá nhằm thúc đẩy nhu cầu nội địa, vốn có thể tạo ra “áp lực tăng giá” với đồng euro. Thụy Sĩ “có thể dựa nhiều hơn vào lãi suất chính sách để giới hạn việc can thiệp vào thị trường ngoại hối, và cách làm này được cho là sẽ minh bạch hơn”.

Tại Châu Á, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc được yêu cầu giảm thiểu việc can thiệp vào tiền tệ và thực thi chính sách tỷ giá minh bạch và linh hoạt.

Báo cáo viết rằng: “Mỹ không thể và sẽ không chấp nhận các gánh nặng từ hệ thống thương mại quốc tế gây bất lợi cho mình và có lợi cho các đối tác thương mại thông qua việc làm méo mó tỷ giá. Bộ Tài chính cam kết sẽ theo dõi sát sao và kiểm soát các hành vi thao túng tiền tệ”.

Bo Tai chinh My:  Trung Quoc, Han Quoc, Nhat Ban khong thao tung tien te
Kể từ khi suy thoái kết thúc, đồng USD đã tăng giá khá mạnh. Ảnh: Bloomberg

Theo luật, Bộ Tài chính Mỹ phải báo cáo với Quốc hội 2 lần/năm về việc liệu các đối tác thương mại lớn của Mỹ có tác động vào tiền tệ của họ hay không. Báo cáo này là cơ sở để chính phủ Mỹ ra quyết định liệu có quy kết một nước nào đó là đang “thao túng tiền tệ”, và sẽ đàm phán các giải pháp và hình phạt nếu các hành vi này tái diễn trong vòng 1 năm sau khi kết luận.

Mỹ đã không quy kết nước nào vào danh sách thao túng tiền tệ kể từ năm 1994.

Bộ Tài chính Mỹ cũng không thay đổi các tiêu chuẩn về hành vi này, vốn bao gồm: có thặng dư thương Mại với Mỹ trên 20 tỷ USD, có tài khoản vãng lai ở mức 3% GDP, và thường xuyên can thiệp vào tiền tệ bằng việc mua tài sản nước ngoài lên đến 2% GDP trong 1 năm.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã nói rằng vấn đề “bất đồng về tiền tệ”  – cũng bao gồm việc giảm giá không cố ý- sẽ được thảo luận trong một cuộc nghiên cứu về hành vi thương mại của các nước có thặng dư lớn với Mỹ, sẽ được hoàn thành trong tháng 6 tới.

Bá Ước

Nguồn Bloomberg


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới