Bức tranh ngành thép đang sáng dần
Tiêu thụ thép xây dựng ở mức thấp trong bối cảnh ngành bất động sản trầm lắng khi nguồn cung dự án giảm mạnh. Ảnh: TL.
Số liệu từ Công ty Chứng khoán MB (MBS), 9 tháng đầu năm 2023, sản lượng tiêu thụ thép nội địa đạt 10,8 triệu tấn, giảm 27% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ mức giảm gần 26% của thép xây dựng (chiếm 30% sản lượng toàn ngành). Tiêu thụ thép xây dựng ở mức thấp trong bối cảnh ngành bất động sản trầm lắng khi nguồn cung dự án giảm mạnh.
Vướng mắc pháp lý cũng như khó khăn trong việc xác định tiền đền bù đã kéo dài quá trình triển khai của các dự án bất động sản. Do đó, nguồn cung bất động sản trên cả nước giảm mạnh sau tháng 9/2023.
Theo báo cáo của CBRE, nguồn cung căn hộ dự kiến cải thiện kể từ năm 2024. |
Sau 3 quý, theo thống kê của CBRE, nguồn cung căn hộ tại TP.HCM giảm 60% đạt trên 7.750 căn hộ và tại Hà Nội, nguồn cung giảm 42% về mức 7.000 căn hộ. Nhu cầu tiêu thụ thép yếu do nguồn cung bất động sản sụt giảm khiến giá thép xây dựng giảm mạnh về mức trung bình 14,1 triệu đồng/tấn, giảm 15% so với cùng kỳ. Cho cả năm 2023, MBS dự báo giá thép nội địa duy trì quanh mức 13,9 triệu đồng, giảm 20% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo của CBRE, nguồn cung căn hộ dự kiến cải thiện kể từ năm 2024, nguồn cung căn hộ tại Hà Nội dự kiến tăng hơn 33% so với cùng kỳ vào năm 2024, đạt mức 20.000 căn hộ và tại TP.HCM nguồn cung đạt khoảng 12.000 căn, tăng 31% so với cùng kỳ. Nguồn cung căn hộ phục hồi sẽ tác động tích cực đến nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng nội địa.
Hơn nữa, Chính phủ đã ban hành một số biện pháp hỗ trợ thị trường bất động sản kể từ đầu năm 2023 nhằm giải quyết vướng mắc pháp lý các dự án.
Điểm sáng đã xuất hiện khi nguồn cung tại TP.HCM trong quý III/2023 đạt hơn 3.600 căn hộ, hồi phục 187% so với quý trước theo thống kê của CBRE. Các chủ đầu tư lớn như Nam Long hay Vinhomes mở bán phân khúc bình dân và đạt tỉ lệ hấp thụ cao trên 65%.
“Chúng tôi kỳ vọng yếu tố tích cực từ giá thép thế giới và thị trường bất động sản phục hồi từ giữa năm 2024 thúc đẩy giá thép nội địa. Nhờ đó, giá thép xây dựng dự kiến phục hồi lên mức 15 triệu đồng/tấn, tăng 8% so với cùng kỳ vào năm 2024”, MBS nhận định.
Bên cạnh thị trường nội địa, xuất khẩu thép của Việt Nam cũng đang có những điểm sáng. Xuất khẩu thép trở thành điểm sáng khi hồi phục 29% so với cùng kỳ và đạt mức 8,3 triệu tấn sau 9 tháng đầu năm 2023, do sản lượng xuất khẩu sang EU tăng trên 30% (thị phần xuất khẩu sang EU đã tăng từ 19% lên 26% kể từ quý II/2023). Đóng góp chính đến từ tôn mạ và HRC khi có mức tăng trưởng trên 40% so với cùng kỳ. Thiếu hụt nguồn cung tại EU trong bối cảnh chi phí điện tăng mạnh và các đối tác xuất khẩu vào EU như Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Ukraina không thể duy trì sản lượng. “Chúng tôi đánh giá, nhu cầu phục hồi từ EU là yếu tố chính tác động tích cực đến thị trường thép xuất khẩu. Trong bối cảnh các đối tác xuất khẩu chính vào EU không thể duy trì sản lượng, nguồn cung tại EU tiếp tục thiếu hụt”, MBS nhận định.
Sản lượng xuất khẩu thép dự kiến lần lượt đạt 10,5 triệu tấn, tăng 25% so với cùng kỳ và 11,2 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ vào năm 2023 và năm 2024. Bên cạnh đó, giá HRC xuất khẩu dự kiến đạt 800 USD/tấn, tăng 8% so với cùng kỳ trong năm 2024.
Có thể bạn quan tâm
Thu nhập bình quân tháng của người lao động tiếp tục tăng
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Hải Vân
-
Công Sang
-
Hải Đăng
-
Trung Nam