Hủy
Kinh Doanh

Cao tốc Hà Nội-Lào Cai: Ðộng lực phát triển cho các tỉnh phía Bắc

Thứ Sáu | 19/09/2014 20:41

Dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai với thiết kế hiện đại đã hoàn thành và chính thức thông xe toàn tuyến vào ngày 21/9.
 

Đây là dự án đặc biệt quan trọng phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng phía hữu ngạn sông Hồng, khu vực Tây Bắc và tạo đà chuyển dịch kinh tế-xã hội đồng bào các dân tộc trong khu vực.

Nhiều thách thức, khó khăn

Theo ông Mai Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), sau hơn 5 năm triển khai, dự án đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức như: thời tiết không thuận lợi, giải phóng mặt bằng chậm, giá cả nguyên vật liệu tăng, nhà thầu chính khó khăn tài chính...

Bên cạnh đó, dự án phải thi công các hạng mục lớn, phức tạp như hầm xuyên núi địa phận tỉnh Yên Bái, các cầu Sông Lô, Sông Hồng và hầm chui Quốc lộ 2, hầm xuyên núi dài 580m... với khối lượng đất đá đào đắp lên đến 100 triệu m3, 6 triệu m3 cấp phối đá dăm…

Trong thời gian triển khai dự án, Bộ Giao thông Vận tải và VEC đã làm việc với các địa phương để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, cho lùi tiến độ một số gói thầu và thanh toán kịp thời cho nhà thầu. Bộ đã yêu cầu các nhà thầu cung cấp tài chính, thiết bị cũng như lực lượng lao động đủ để đáp ứng tiến độ.

Có những thời điểm, dự án bị chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra. Ngoài lý do giải phóng mặt bằng, mưa nhiều cản trở thi công còn có nguyên nhân thuộc về các nhà thầu nước ngoài mà đặc biệt là các nhà thầu Hàn Quốc.

Ba nhà thầu Hàn Quốc là Posco, Doosan và Keangnam chưa quen cách điều hành dự án ở Việt Nam nên việc triển khai ban đầu chậm, công tác chuẩn bị dự án không đạt tiến độ.
Mặt khác, nhà thầu chính sử dụng nhiều nhà thầu phụ không đủ năng lực, không cung cấp đủ tài chính cho dự án, cùng với đó là sự thiếu bao quát, thiếu tập trung của các tập đoàn lớn Hàn Quốc với các đơn vị đang tham gia dự án ở Việt Nam. Vì vậy, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và VEC đã phải sang Hàn Quốc để làm việc trực tiếp với lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn này.

Để đảm bảo hỗ trợ nhà thầu, Bộ Giao thông Vận tải, VEC đã cam kết dành tất cả các trợ giúp cần thiết trong phạm vi thẩm quyền của mình trong các vấn đề liên quan tới giải phóng mặt bằng, giải quyết các vấn đề kỹ thuật, thiết kế, nguồn vật liệu…

Minh chứng rõ nhất cho sự giúp đỡ và xử lý linh hoạt các tình huống từ Bộ Giao thông Vận tải và VEC đó là cách đây ba tháng, hơn 70km của dự án đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai thuộc gói thầu A4 và A5 của nhà thầu chính Keangnam Enterprises (Hàn Quốc) mới chỉ hoàn thành lần lượt là 74% và 78%. Với một khối lượng công việc khổng lồ còn lại như vậy, tại thời điểm đó không ai nghĩ dự án có thể về đích đúng cam kết.

Ông Lê Kim Thành, Phó Tổng Giám đốc VEC, kiêm Giám đốc dự án cao tốc Hà Nội-Lào Cai chia sẻ: "Chúng tôi nhận định thách thức lớn nhất trong quá trình thi công gói thầu A4, A5 là nhà thầu chính đang khó khăn về tài chính để chi trả cho các nhà thầu phụ.

Vì vậy, dưới sự chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, VEC đã áp dụng những biện pháp mạnh, yêu cầu nhà thầu chính chuyển ngay kinh phí 12,5 triệu USD để chi trả thi công. Tuy nhiên, nhà thầu chính Keangnam Enterprises chỉ chuyển được số tiền 6,5 triệu USD. "
Trước thực tế này, VEC đã phải huy động những nguồn lực của Tổng công ty để ứng trước gần 500 tỷ đồng cho các nhà thầu phụ tăng cường năng lực máy móc, đẩy mạnh thi công. Nhờ đó, tiến độ của dự án đến nay đã cơ bản hoàn thành đúng như cam kết.

Đối với công tác giải phóng mặt bằng, được xác định là công việc vô cùng khó khăn của các dự án giao thông, cao tốc Hà Nội-Lào Cai cũng không phải là ngoại lệ. Là đường cao tốc dài nhất tính đến thời điểm này đi qua địa phận của 5 tỉnh với diện tích cần giải phóng mặt bằng hơn 2.000ha và 25.031 hộ dân bị ảnh hưởng.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, các địa phương có dự án đi qua đã chủ động phối hợp với chủ đầu tư làm đúng chủ trương chính sách giải phóng mặt bằng, lo chỗ tái định cư, công ăn việc làm cho người dân theo quy định của Chính phủ.
Ông Lê Kim Thành chia sẻ, sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương các cấp trong công tác giải phóng mặt bằng, tổ chức tái định cư cũng như các công việc trong quá trình triển khai thực hiện là một trong những nhân tố giúp dự án hoàn thành đúng tiến độ.

Để tạo điều kiện cho các gia đình bị thu hồi đất ổn định chỗ ở, có điều kiện tiếp tục phát triển sản xuất, các ngành chức năng và Ủy ban Nhân dân các địa phương có dự án đi qua đã triển khai xây dựng các khu tái định cư tại những vị trí thuận lợi, gần đường giao thông để người dân thuận lợi trong sinh hoạt và sản xuất. Cụ thể, dự án đã xây dựng 99 khu tái định cư, áp dụng chương trình phục hồi thu nhập cho gần 17.000 hộ dân.

Ví dụ, tỉnh Lào Cai đã giao cho Trung tâm Dạy nghề của tỉnh và các huyện, thành phố lập hồ sơ, tổ chức dạy các nghề: xây dựng, sửa chữa ôtô, xe máy; lái xe, lái máy xúc; nhà hàng, khách sạn, dịch vụ nấu ăn; nuôi dạy trẻ… cho gần 1.600 lao động là con em của các hộ thuộc diện di chuyển, giải phóng mặt bằng đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai.

Cơ hội phát triển Tây Bắc

Theo đánh giá, việc đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai đáp ứng sự mong đợi của nhân dân các dân tộc thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc. Tuyến đường này sẽ kết nối Hà Nội-Hải Phòng, đường cao tốc Côn Minh-Hà Khẩu tạo thành tuyến cao tốc Côn Minh-Hải Phòng, một trong những tuyến đường hợp tác phát triển tiểu vùng sông Mekong mở rộng, góp phần thực hiện thành công thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc về xây dựng, phát triển hai hành lang, một vành đai kinh tế.

Ông Mai Anh Tuấn đánh giá, tuyến đường cao tốc mới sẽ giảm thời gian đi lại giữa Hà Nội và Lào Cai từ hơn 7 giờ xuống còn 4 giờ, Hà Nội-Yên Bái còn hơn 3 giờ và cũng rút ngắn thời gian đi lại với các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ…, đặc biệt dự án sẽ kết nối các khu vực nghèo và vùng sâu vùng xa của Tây Bắc với các trung tâm kinh tế phát triển.

Tuyến đường được khai thông hứa hẹn sẽ giúp ngành du lịch của các tỉnh khu vực phía Bắc phát triển. Điển hình là quần thể khu di tích-danh thắng Tây Thiên (thuộc huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc). Trước đây, quãng đường từ Nội Bài đến Tây Thiên mất hơn 1 giờ thì nay chỉ còn hơn 30 phút. Đặc biệt, địa danh du lịch Sa Pa cũng là điểm thu hút khách du lịch trong thời gian tới.

Để đón đầu những lợi thế khi cao tốc Hà Nội-Lào Cai đưa vào hoạt động, lãnh đạo các địa phương trong đó có tỉnh Lào Cai đã đi trước một bước trong việc phát triển hạ tầng. Cụ thể, khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đã được xây dựng một cách đồng bộ; trong đó có khu thương mại công nghiệp Kim Thành - khu thương mại, công nghiệp lớn nhất vùng biên giới Tây Bắc.

Đây là một trong những điểm nối quan trọng của trục hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, nối từ cầu đường bộ Kim Thành bắc qua sông Hồng với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Với vị trí thuận lợi, đây là điểm được các nhà đầu tư trong và ngoài nước lựa chọn để đầu tư dịch vụ thương mại và các dự án khác.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường đánh giá việc hoàn thành dự án sẽ tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, góp phần hình thành và liên kết các khu công nghiệp, tăng cường giao lưu, giao thương hàng hóa và quan trọng hơn nữa là cắt giảm chi phí vận tải.

Áp dụng 5 loại phí trên toàn tuyến

Ông Lê Kim Thành, Phó Tổng giám đốc VEC cho biết để có cơ sở tính toán và áp dụng cước phí cho từng loại xe đi trên tuyến, đơn vị đã áp dụng hệ số quy đổi theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 2054: 2005) với 5 loại phí.

Cụ thể, đối với xe dưới 12 chỗ, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng là 300.000 đồng/xe/lượt. Đối với xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn là 460.000 đồng/xe/lượt.

Đối với xe từ 31 ghế ngồi trở lên; Xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn là 610.000 đồng/xe/lượt. Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe chở container 20 fit là 760.000 đồng/xe/lượt và xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở container 40 fit là 1.220.000 đồng/xe/lượt.

Theo ông Bùi Đình Tuấn, Giám đốc Công ty Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M), toàn tuyến cao tốc sẽ có 10 trạm thu phí và mức phí được tính theo km đường.

Về hình thức vận hành thu phí sẽ thực hiện hình thức thu phí kín như cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình. Theo đó, khi phương tiện đi vào đường cao tốc sẽ được phát thẻ và lưu số xe, đến khi xe ra khỏi đường sẽ có trạm thu phí dựa theo số km đoạn tuyến trên đường xe lưu thông để tính mức phí.
Ngoài ra, trên tuyến đang xây dựng 5 trạm dừng nghỉ (hai bên đối xứng) có cây xăng, nhà ăn, bãi đỗ xe đang giao cho các nhà đầu tư triển khai và cố gắng trong quý 4 năm nay sẽ đưa vào sử dụng.

Cũng theo VEC, trên tuyến đã được bố trí 4 đội vận hành, trực 24/24h. Thông qua số đường dây nóng 1900545592, khi phương tiện gặp sự cố có thể gọi cho lực lượng cứu hộ túc trực ứng cứu.

Ngoài ra, VEC còn ký kết hợp tác cứu hộ, cứu nạn với cấp cứu 115 và Bệnh viện đa khoa các địa phương có tuyến đường đi qua, để cấp cứu kịp thời khi chẳng may có sự cố tai nạn.

Nguồn Vietnam+


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới