Hủy
Kinh Doanh

Chọn giỏ bỏ tiền 2020

Ngọc Thủy Thứ Ba | 17/12/2019 08:00

Ảnh: Quý Hòa

 
 
Ngược lại với xu hướng hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế trong khu vực, kinh tế Việt Nam vẫn là một điểm sáng.

Tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam - Vietnam Investment Professionals Forum (VIPF), nhiều chuyên gia cùng chung dự đoán, bức tranh thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2020 sẽ tích cực và VN-Index  có thể vượt 1.200 điểm. Tuy nhiên, chỉ một số ngành có cơ hội bứt phá.

Điểm sáng ngân hàng

Theo Công ty Chứng khoán Ngân Hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), các yếu tố vĩ mô như chỉ số GDP, đầu tư, tiêu dùng... đều tăng trưởng. Việt Nam cũng đang thực hiện tốt việc kiểm soát lạm phát. Trong điều kiện ấy, giới phân tích đồng tình, tăng trưởng tín dụng năm 2020 có thể sẽ giữ ở mức 13-14%; lãi suất liên ngân hàng và trái phiếu chính phủ tiếp tục ở mức thấp; thanh khoản dồi dào và tỉ giá ổn định. Về phía các ngân hàng, 9 tháng đầu năm, nợ xấu của các ngân hàng niêm yết ở mức 1,6%, theo BSC.

Trong khi đó, nhiều ngân hàng đã áp dụng chuẩn Basel II trước hạn. Không ít ngân hàng còn thực hiện chính sách trích lập dự phòng ở mức cao, chủ động giảm tỉ trọng cho vay vào các ngành rủi ro (bất động sản, xây dựng...), tăng cường huy động vốn dài hạn. P/E của các ngân hàng Việt Nam hiện ở mức 8x, thấp hơn mức 22x trong khu vực Đông Nam Á. Nhà đầu tư đặc biệt chú ý đến 10 cổ phiếu ngân hàng gồm VCB, MBB, TCB, ACB, VPB, BID, CTG, HDB, STB và VIB.

 

Cơ hội từ thị trường 100 triệu dân

Theo Tổng cục Thống kê, 11 tháng năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục tăng cao, gần 12% so với cùng kỳ. Ở khía cạnh đầu tư, nhiều đơn vị ngoại, như doanh nghiệp Thái Lan khi vào Việt Nam đều hướng sự chú ý đến ngành hàng tiêu dùng (Vinamilk, Sabeco...). Ngoài ra, những công ty thiết lập được mạng lưới bán lẻ nổi bật như Thế Giới Di Động (MWG), PNJ luôn sáng giá.  BSC cho rằng, ngành bán lẻ vẫn sẽ duy trì tăng trưởng trên 20% trong năm tới.

Đối với mảng giáo dục, vốn FDI vào giáo dục tính từ tháng 8-10.2019 đã đạt 97 triệu USD, theo Savills  Việt Nam. Trong đó, các hoạt động M&A, cụ thể là mua cổ phiếu trong lĩnh vực giáo dục chiếm đa số, tới 37% tổng FDI giai đoạn này. Ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam, nhận định, nếu quy định pháp luật rõ ràng hơn, thủ tục hành chính đơn giản hơn thì Việt Nam sẽ rất rộng cửa trong kêu gọi đầu tư nước ngoài vào giáo dục.

Sức hút du lịch

Theo Tổng cục Thống kê, 11 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 16,3 triệu lượt, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Trong đó, hơn 77% là khách từ châu Á như Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc... Sang năm 2020, theo các chuyên gia trong khảo sát của Vietnam Report, ngành du lịch sẽ mang lại mức tăng trưởng trên 10%. Mặc dù vậy, để có thể cạnh tranh trong ngành du lịch, theo Vietnam Report, các công ty phải bắt kịp xu hướng. Trong đó, ứng dụng công nghệ, thay đổi cách làm du lịch là rất quan trọng.

Vận tải và logistics

Đây là lĩnh vực liên tục tăng trưởng những năm gần đây, với mức tăng khoảng 14-16%/năm, đạt quy mô khoảng 40-42 tỉ USD, theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA). Tính ra, logisitcs tại Việt Nam chỉ sau Singapore, Malaysia, Thái Lan ở Đông Nam Á.

Với tốc độ tăng trưởng được dự báo là 12%/năm và kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 623 tỉ USD vào năm 2020, theo World Bank, logistics Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến của các nhà đầu tư. Trong bức tranh đó, các cổ phiếu thuộc doanh nghiệp có lợi thế về logistics, cảng biển như GMD, DVP, CMIT dễ hưởng lợi.

Xây dựng và vật liệu

Theo số liệu thống kê, 9 tháng đầu năm 2019, ngành xây dựng cơ bản ghi nhận mức vốn đầu tư tăng trưởng hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhiều doanh nghiệp như Coteccons (CTD), Hòa Bình (HBC), Fecon (FCN), Licogi 14 (L14), Licogi 16 (LCG)... ghi nhận tỉ trọng gia tăng của mảng xây dựng công nghiệp trong cơ cấu doanh thu. Đây cũng là các công ty có tốc độ tăng trưởng hoạt động sản xuất kinh doanh tốt và có nhiều tiềm năng phát triển trong giai đoạn 2020-2022.

Nông nghiệp

Năm 2019, Việt Nam ghi nhận ngành nông nghiệp và dịch vụ hàng hóa hỗ trợ tăng trưởng chậm. Nguyên nhân, theo SSI, là do ảnh hưởng của hiện tượng El Niño, khô hạn, nên sức mua kém. Tuy nhiên, sang năm 2020, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư của SSI, cho rằng sau 1 năm khô hạn, thời tiết sẽ tốt hơn ít nhất trong 2 năm sau đó, làm cho ngành nông nghiệp phát triển. Kéo theo là ngành dịch vụ như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và kênh phân phối cũng sẽ tích cực hơn.

 

Bên cạnh những ngành trên, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, những ngành có lợi thế so sánh truyền thống như dệt may, da giày, đồ gỗ... cũng đáng cân nhắc đầu tư. Trong đó, các doanh nghiệp lớn được kỳ vọng sẽ tiếp tục là đầu tàu trong nhiều ngành nghề, tạo ra thị trường, lực kéo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng tham gia sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới