“Cởi trói” cho doanh nghiệp nhà nước
Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp là nhiệm vụ nhiều năm qua được thúc đẩy. Ảnh: QH.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng tài sản của khối doanh nghiệp nhà nước (giá trị sổ sách năm 2021) khoảng 4 triệu tỉ đồng. Theo đó, quy mô tài sản bình quân đạt 4.100 tỉ đồng/doanh nghiệp và cao gấp 10 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và gấp 109 lần doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Dù nắm trong tay nhiều tài sản nhưng khu vực này tiếp tục có xu hướng giảm dần về quy mô và tỉ lệ đóng góp ở tất cả các chỉ tiêu về hiệu quả trong giai đoạn 2016-2021. Thậm chí, doanh nghiệp nhà nước nhìn chung đang có chỉ số nợ cao nhất trong các loại hình doanh nghiệp; chỉ hoạt động hiệu quả ở rất ít ngành, lĩnh vực có lợi thế tự nhiên như khai thác khoáng sản, dầu khí hoặc viễn thông, tài chính, ngân hàng.
“Việc không tạo ra được năng lực tăng thêm này sẽ dẫn đến trong 5 năm tới, đóng góp của khu vực doanh nghiệp nhà nước đối với nền kinh tế sẽ rất hạn chế khi tỉ trọng đóng góp hiện nay của khối này vào GDP đang là khoảng 29%”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định.
Doanh nghiệp nhà nước được định vị trở thành chủ lực để xây dựng nền kinh tế tự chủ, đồng thời dẫn dắt và thúc đẩy các thành phần khác phát triển. Mặc dù vậy, thực tế phải thừa nhận đóng góp của khối này chưa tương xứng với nguồn lực, thị trường đang nắm giữ và những đặc quyền được hưởng từ chính sách. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng tựu chung lại là do nhiều doanh nghiệp nhóm này rơi vào tình trạng “không được làm hoặc không dám làm những việc đáng ra phải làm bình thường như một doanh nghiệp”. Đó là khi họ vướng phải nhiều rào cản như hệ thống pháp luật khi các quy định liên quan quản trị doanh nghiệp, quản lý vốn, tài sản, đất đai, đấu giá, đấu thầu... chưa đồng bộ, phù hợp theo thị trường.
Trong quá khứ, có 2 bài học từ những con số khổng lồ từ các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả. Đó là việc cấp vốn quá lớn cho khối doanh nghiệp này từng là nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Việt Nam năm 2011. Các khoản nợ xấu khổng lồ buộc Việt Nam phải cải tổ hệ thống ngân hàng để đối phó, với việc sáp nhập 5 ngân hàng nội địa và tái cơ cấu 3 ngân hàng khác trong năm 2014.
Khi đó, cổ phần hóa và thoái vốn trong các doanh nghiệp nhà nước là một trong những giải pháp lớn để xử lý căn nguyên yếu kém doanh nghiệp nhà nước. Có thể thấy, những doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam hiện nay như Vinamilk, FPT, REE... là điển hình của cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước thành công.
Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp là nhiệm vụ nhiều năm qua được thúc đẩy. Tuy nhiên, nhiệm vụ này lại đang diễn ra ì ạch trong nhiều năm qua. Chẳng hạn, trong năm 2021, chỉ cổ phần hóa được 3 doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV); số doanh nghiệp chưa hoàn thành cổ phần hóa theo kế hoạch là 89 doanh nghiệp.
Để giải quyết bài toán này, Chính phủ đã ban hành và triển khai Quyết định 22/2021/QĐ-TTg tạo cơ chế nâng cao tính công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước với doanh nghiệp nhà nước; tăng cường phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho các cơ quan đại diện chủ sở hữu trong sắp xếp, thúc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nhận định: “Muốn thoái được vốn nhà nước, thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa hiệu quả hơn, thì phải sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về thoái vốn, xác định giá trị doanh nghiệp, xác định giá khởi điểm vốn nhà nước khi đem bán, phải linh hoạt hơn theo nguyên tắc thị trường”.
Đây cũng là điều mà ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), chia sẻ: “Với cơ chế mà doanh nghiệp nhà nước đang phải tuân thủ, thì đúng là những gì doanh nghiệp tư nhân đang làm là mơ ước của chúng tôi”. Thực tế, không chỉ ACV, đây cũng là kiến nghị của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước như Viettel, EVN, TKV... đã đưa ra nhiều năm qua.
Ảnh: QH. |
Theo đó, hiện nay đề xuất được nhiều chuyên gia kinh tế chú ý là nên có phương thức một luật sửa nhiều luật, để tạo khung khổ pháp lý cho doanh nghiệp nhà nước được hoạt động theo đúng nguyên tắc thị trường, bên cạnh việc lấy hiệu quả kinh tế, số lượng dự án mới được triển khai, thực hiện làm tiêu chí đánh giá chủ yếu; củng cố, phát triển các doanh nghiệp quy mô lớn...
Được biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đề xuất đổi mới cơ chế, chính sách để doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, chủ động và vận hành linh hoạt như doanh nghiệp tư nhân. Thậm chí, còn có đề xuất nghiên cứu hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư vận hành doanh nghiệp nhà nước hoặc một phần tài sản, dự án của doanh nghiệp nhà nước.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Thái Huệ