Công ty thua lỗ, gia đình ông Đặng Thành Tâm vẫn "đút túi" thêm 200 tỷ đồng
Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Mã CK: KBC) vừa công bố Báo cáo quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2013. Theo số liệu công bố tại báo cáo, tính đến ngày 30/6, gia đình ông Đặng Thành Tâm sở hữu hơn 135,65 triệu cổ phiếu tại công ty này, không thay đổi so với cuối năm 2012.
Phiên giao dịch ngày 16/7, cổ phiếu KBC mất giá 200 đồng, còn 7.700 đồng, mất hơn 86% giá trị so với đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên ngày 18/12/2009. Tuy vậy, so với mức giá 6.100 đồng tại thời điểm đầu năm nay, giá KBC đã tăng 26,2%, qua đó, giúp tài sản trên thị trường chứng khoán của gia đình ông Tâm thông qua nắm giữ KBC "dôi" thêm 217 tỷ đồng.
Tính theo thị giá KBC hiện nay, tổng trị giá khối tài sản mà gia đình ông Đặng Thành Tâm đang nắm giữ tại Kinh Bắc đạt 1.044,5 tỷ đồng. Trong đó, ông Tâm vẫn là người có cổ phần lớn nhất với 101,25 triệu cổ phiếu và cũng là cổ đông lớn nhất tại KBC, chiếm 34,94%, khối tài sản này tương ứng 779,6 tỷ đồng.
Vợ ông Tâm, bà Nguyễn Thị Kim Thanh sở hữu 12,27 triệu cổ phiếu KBC, trị giá 94,5 tỷ đồng. Mới đây, bà Thanh vừa bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Theo đó, trong quá trình thoái toàn bộ vốn tại ngân hàng Navibank, bà Thanh đã báo cáo không đúng thời hạn kết quả thực hiện giao dịch bán gần 13 triệu trên tổng số 14,82 triệu cổ phiếu NVB.
Một nhân vật khác sở hữu khối lượng lớn cổ phần tại KBC là em gái ông Đặng Thành Tâm - bà Đặng Thị Hoàng Phượng với gần 21,94 triệu đơn vị, cổ đông lớn thứ 3, chiếm tỷ lệ 7,57%. Khối cổ phần này tương ứng với 168,9 tỷ đồng. Ông Đặng Quang Hạnh, anh trai ông Tâm chỉ sở hữu gần 169 nghìn cổ phiếu tương đương 1,3 tỷ đồng.
Diễn biến của cổ phiếu KBC trong xu hướng tăng bất chấp kết quả kinh doanh và tài chính không mấy khả quan của doanh nghiệp này. Giá KBC có lúc đã tăng lên đến 11.200 đồng trong tháng 2/2013.
Năm 2012, KBC lỗ ròng 435,64 tỷ đồng hợp nhất, chi phí tài chính 345 tỷ đồng, trong đó có 322,7 tỷ đồng là chi phí lãi vay. Cũng chính vì kết quả bê bết này nên cổ phiếu KBC đã bị Sở giao dịch chứng khoán TPHCM đưa vào diện cảnh báo kể từ 2/4/2013.
Trong văn bản giải trình, KBC giải thích, do năm ngoái nền kinh tế gặp nhiều bất ổn với sự sụt giảm mạnh của dòng vốn FDI, bất động sản đóng băng, chứng khoán suy giảm, các ngân hàng dè dặt cho vay mới…
Hoạt động cốt lõi của KBC là thu hút FDI bị sụt giảm mạnh, đạt 281,4 tỷ đồng, nhiều danh mục đầu tư tài chính phải trích lập dự phòng. Trong khi đó, chi phí lãi vay tăng cao tới 322,6 tỷ đồng, tổng doanh thu không đủ bù đắp chi phí.
Thế nhưng, bước sang quý I/2013, tình hình công ty vẫn không được cải thiện khi tiếp tục báo lỗ 55 tỷ đồng, trong đó phần lỗ thuộc về cổ đông công ty mẹ là 53 tỷ đồng. Trong năm nay, công ty dự kiến thu về 979 tỷ đồng, kế hoạch lợi nhuận sau thuế được đưa ra khiêm tốn với 68 tỷ đồng và không có kế hoạch chia cổ tức.
(Theo Dantri)
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Trực Thanh
-
Nguyễn Mai
-
Minh Đức