Cuba: Thị trường nhiều cơ hội với hàng hóa Việt Nam
Cuba nằm cách xa Việt Nam nửa vòng trái đất, quy mô dân số không lớn nhưng đây vẫn được coi là thị trường hàng tiêu dùng đầy tiềm năng với các doanh nghiệp Việt.
Hàng Việt Nam có mặt tại hầu khắp các siêu thị, cửa hàng lớn ở Thủ đô La Habana của Cuba, chủ yếu là đồ gia dụng và thực phẩm. Một số doanh nghiệp không chỉ xuất hàng từ Việt Nam sang giới thiệu, phân phối ở Cuba mà đã bắt tay triển khai các dự án sản xuất hàng hóa ngay trên đất bạn.
Cuba là một trong những nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam |
Những mặt hàng Việt Nam trong siêu thị Cuba đã góp phần làm nên kim ngạch xuất khẩu hàng hóa khoảng 245 triệu USD từ Việt Nam sang Cuba trong năm 2017. Tuy nhiên, con số 245 triệu USD này chiếm chưa đầy 2% trong tổng số kim ngạch nhập khẩu 13-14 tỷ USD của Cuba hồi năm ngoái. Điều này cho thấy, thị trường Cuba vẫn còn rất nhiều tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam.
Điểm đến của doanh nghiệp Việt
Trên thực tế, từ nhiều năm này Chính phủ hai nước đã tạo những điều kiện tốt nhất để cộng đồng doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh quan hệ đầu tư, kinh doanh. Trong số các nhà đầu tư Việt Nam đang đầu tư vào Cuba phải kể tới Cty CP Đầu tư thương mại Thái Bình, một doanh nghiệp có thâm niên 20 năm tại thị trường Cuba, phân phối 12 nhóm ngành hàng vào Cuba và có mặt ở 16 tỉnh thành đất nước này, đây có thể xem là một doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm làm ăn tại thị trường Cuba.
Ông Trần Thanh Tú, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thương mại Thái Bình, cho
biết, đón đầu những cơ hội mới khi Cuba và Mỹ bình thường hóa quan hệ, Thái Bìnhđã đầu tư một số dự án mới xây dựng nhà máy bột giặt và nhà máy tã lót - hai mặt hàng chiến lược của Việt Nam mà người tiêu dùng Cuba rất tin dùng, với tổng vốn đầu tư 23 triệu USD (cho nhà máy bột giặt) và 9 triệu 350 ngàn USD (cho nhà máy tã lót)
Theo đó, Nhà máy tã lót - băng vệ sinh đã khởi công xây dựng từ tháng 11/2017 và dự kiến đi vào hoạt động trong quý IV năm 2018. Bên cạnh đó, Nhà máy bột giặt có công suất 50.000 tấn/năm với vốn đầu tư 23 triệu USD, do liên doanh giữa Thái Bình và công ty NEXUS S.A (Trực thuộc Gempil – bộ công nghiệp nhẹ Cuba) đã được cấp phép xây dựng và dự kiến đi vào hoạt động năm 2021. Sản phẩm sẽ cung cấp cho thị trường Cuba và xuất khẩu sang các nước thuộc châu Mỹ.
Điều đáng nói là doanh nghiệp này đã rất nhanh nhạy khi tận dụng được những ưu đãi để đầu tư vào Đặc khu kinh tế Mariel, nơi chỉ cách thủ đô Havana vỏn vẹn 43 km với rất nhiều ưu đãi mà Cuba đang “trải thảm” để thu hút các nhà đầu tư trên khắp thế giới, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam.
Đầu tư vào lĩnh vực gì?
Rõ ràng, Cuba có thể sẽ nối tiếp Lào, Campuchia và Myanamar trở thành điểm đến mới của doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, ở thời điểm này nhiều doanh nghiệp cũng đang lúng túng và chưa biết sẽ đầu tư vào lĩnh vực nào sẽ thành công ở thị trường Cuba.
Trong một hội thảo do VCCI phối hợp với các đối tác phía Cuba tổ chức cuối năm 2017, giới chức đến từ Cuba cho biết, hiện có 5 lĩnh vực tiềm năng cho các nhà đầu tư đầu tư vào Cuba là: viễn thông, nông nghiệp, khách sạn, hàng không, dịch vụ hàng hải.
Ông Orlando Hernández Guillen, Chủ tịch Phòng Thương mại Cuba, cho biết, hiện Cuba đã xây dựng một danh sách các lĩnh vực ưu tiên dành cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nước này.
Riêng đặc khu kinh tế Mariel với những điều kiện tốt nhất để thu hút các nhà đầu tư. “Các doanh nghiệp Việt Nam khi hợp tác với Cuba trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, đặc biệt là nông sản chất lượng cao có thể dễ dàng xâm nhập thị trường Hoa Kỳ và châu Mỹ la tinh rộng lớn”, Chủ tịch Phòng Thương mại Cuba nhấn mạnh.
Theo tính toán, hiện Cuba đang phải nhập khẩu tới 60 – 65% lượng lương thực phục vụ nhu cầu trong nước mặc dù đây là một đất nước có tiềm năng lớn về nông nghiệp.
Trong khi đó đây lại là lĩnh vực mà các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng nhất. Doanh nghiệp hai nước có thể hợp tác sản xuất các sản phẩm nông nghiệp để sử dụng ngay tại thị trường Cuba, sau đó có thể xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và các nước Mỹ la tinh…
Một lĩnh vực khác mà giới chức Cuba cũng khuyên doanh nghiệp Việt Nam nên đầu tư là lĩnh vực viễn thông, đây là một thị trường vô cùng mầu mỡ với các doanh nghiệp Việt Nam, bởi hiện nước này được đánh giá là nước có tỷ lệ truy nhập Internet thấp nhất thế giới với cơ sở hạng tầng thông tin nghèo nàn và kỹ thuật công nghệ lạc hậu.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Hải Vân
-
La Quang Trí - CEO Công ty SHIPOFFER GROUP
-
Lam Hồng