Đã đến thời lên ngôi của "nhan sắc dao kéo"?
Hình ảnh lộng lẫy của những người nổi tiếng showbiz sử dụng dao kéo làm đẹp đã gây “áp lực” phải phẫu thuật thẩm mỹ đối với nữ giới, đặc biệt là những người có mặc cảm về ngoại hình.
Woo Yan Ah, một bạn trẻ từ Hàn Quốc, chia sẻ về Myung Dong, ở thủ đô Seoul. Nơi này được xem là trung tâm làm đẹp của xứ sở kim chi và cô cho biết hầu hết bạn bè của mình đều chỉnh sửa sắc đẹp. Đối với các bậc cha mẹ Hàn Quốc, món quà tặng trong lễ tốt nghiệp trung học để chuẩn bị bước vào đại học của con cái phổ biến nhất là... phẫu thuật nâng mũi hoặc bổ mí. “Tôi muốn phẫu thuật thẩm mỹ khi còn trẻ và sẽ chỉnh sửa cho sống mũi thẳng hơn”, Woo Yan Ah nói.
Có vẻ như quan niệm “đẹp nhân tạo còn hơn xấu tự nhiên” của người Hàn đang trở thành xu hướng tại Việt Nam khi cũng như Ah, nhiều bạn trẻ Việt Nam cũng ao ước sẽ có một gương mặt, thân hình như diễn viên Hàn Quốc nhờ các kỹ thuật nâng mũi Sline 3D, cắt mí Eyelids, nâng ngực Yline... Đặc biệt, hàng loạt ngôi sao ca nhạc, phim ảnh của Việt Nam cũng không ngần ngại thừa nhận việc đã qua chỉnh sửa để có được vẻ ngoài như mong muốn.
Mới đây, Viện Nghiên cứu và ứng dụng thẩm mỹ Việt Nam (trực thuộc Hiệp hội Thiết kế mẫu và sáng tạo mỹ thuật Việt Nam) đã công bố kế hoạch tổ chức cuộc thi “Nữ hoàng sắc đẹp 2017 “dành cho người đẹp phẫu thuật thẩm mỹ dự kiến diễn ra vào tháng 7.2017.
Xu hướng đầu tư vào các bệnh viện, cơ sở thẩm mỹ vì thế ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là từ Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Singapore. Nhiều chuỗi trung tâm thẩm mỹ viện phát triển khá mạnh về số lượng chi nhánh như KangNam, Orient...
“Việt Nam hiện là thị trường tiềm năng nhất đối với các công ty hoạt động trong ngành chăm sóc sắc đẹp của Hàn Quốc. Có thể xuất phát từ việc thu nhập bình quân ngày càng cao hoặc do yêu cầu công việc mà tỉ lệ phụ nữ và giới trẻ thành thị Việt Nam có nhu cầu làm đẹp bằng liệu trình chuyên nghiệp tăng rất nhanh”, ông Cho Yun Oh, đại diện thương hiệu chăm sóc da và thẩm mỹ viện Beaupeople, nhận định với báo chí Việt Nam.
Đồng quan điểm, ông M. Gandhi, Giám đốc Điều hành khu vực Đông Nam Á của Công ty United Business Media, cũng cho rằng Việt Nam là thị trường phát triển thứ ba về làm đẹp và mỹ phẩm tại châu Á sau Hàn Quốc và Trung Quốc khi tầng lớp trung lưu tại Việt Nam ngày càng có nhiều người quan tâm đến làm đẹp.
Sức hút của thị trường làm đẹp tại Việt Nam vẫn nóng và đầu tư cho các thẩm mỹ viện vẫn được coi là hái ra tiền. NCĐT được một bác sĩ chuyên giải phẫu thẩm mỹ “bật mí” vài thông tin về siêu lợi nhuận trong lĩnh vực làm đẹp này. Ngoài thu nhập lương 100 triệu đồng/tháng, vị bác sĩ cho biết, sẽ hưởng thêm phần trăm doanh thu khi trung tâm có nhiều khách hàng. “Trung bình mỗi ca nâng ngực 70 triệu đồng, trừ chi phí, trung tâm có lời khoảng 40 triệu đồng. Hút mỡ bụng thì khoảng 40 triệu đồng”, vị bác sĩ này cho biết.
Một thẩm mỹ viện trung bình sẽ có mức đầu tư khoảng 3-5 tỉ đồng trở lên. Tuy nhiên, một số thẩm mỹ viện sử dụng máy và thuốc nhái nhập trái phép từ Trung Quốc vẫn có thể hoạt động với số vốn đầu tư khoảng 500 triệu đồng. Ông Nguyễn Thanh Trường, chuyên gia huấn luyện và cố vấn y khoa của Teoxane Laboratories, Thụy Sĩ cho rằng, nhiều thẩm mỹ viện quảng cáo quá xa so với thực tế. “Trong khoảng 2 năm gần đây, hầu như chưa có công nghệ nào mới trên thị trường, nếu có chỉ là cải tiến nhỏ”, ông Trường cho biết. Ngoài ra, vì “siêu lợi nhuận” nên các thẩm mỹ viện đã mở ra một cách ồ ạt, đầu tư thiếu bài bản. Mới đây, trong danh sách bình chọn của Sở Y tế TP.HCM năm 2016, hầu hết bệnh viện bị chấm điểm dịch vụ kém điều liên quan đến ngành phẫu thuật thẩm mỹ.
Nhìn nhận về xu hướng một số chuỗi thẩm mỹ viện cùng bác sĩ nước ngoài sắp đổ bộ vào Việt Nam, ông Trường cho biết, ở mặt tích cực, các bệnh viện và bác sĩ Việt Nam có cơ hội học hỏi các kỹ thuật thẩm mỹ mới trên thế giới. Người dân được đáp ứng nhu cầu làm đẹp ngày càng cao cấp hơn. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo, cũng không ít vụ việc thực chất chỉ là ký kết hợp đồng với nhau để sử dụng hình ảnh của thương hiệu nổi tiếng, đánh bóng hình ảnh không thực chất. Vì vậy, khi bác sĩ nước ngoài sang Việt Nam làm việc cần phải được cơ quan chuyên môn thẩm định vì thực tế, những bác sĩ giỏi có tay nghề cao sẽ hiếm khi nào chấp nhận sang Việt Nam.
“Thực tế có một số ca sau khi bác sĩ nước ngoài trở về nước thì xảy ra tai biến. Một số cơ sở sẽ thoái thác trách nhiệm và cuối cùng khách hàng sẽ là người chịu thiệt. Đó là một trong những vấn đề khách hàng có xu hướng thích bác sĩ nước ngoài gặp phải”, một bác sĩ tại trung tâm thẩm mỹ quận 1, TP.HCM cho biết. Ngay cả đến Hàn Quốc là thủ phủ chỉnh sửa sắc đẹp còn có những ca gây biến chứng thì Việt Nam cũng cần rút ra bài học cho mình.
Đức Tài
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Trần Chung