Hủy
Kinh Doanh

Doanh nghiệp nhôm Việt giành lại thị phần sau quyết định áp thuế

Kim Ngân Thứ Tư | 09/10/2019 14:25

Ảnh: VnMedia.vn

 
 
Hiệp Hội nhôm Việt Nam cho biết,sau 120 ngày áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời, lượng nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam đã giảm hơn 50%.

Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định chính thức áp dụng thuế bán phá giá từ 2,46% đến 35,58% với một số sản phẩm nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc.

Theo quyết định, những sản phẩm bị áp thuế bao gồm nhôm và các sản phẩm bằng nhôm, hợp kim hoặc không hợp kim ở dạng thanh, que và hình đã được đùn ép, đã hoặc chưa xử lý bề mặt, đã hoặc chưa được gia công thêm nhập khẩu vào Việt Nam.

Đây được xem là một tin tốt với các doanh nghiệp nhôm trong nước. Với quyết định này, không ít các doanh nghiệp nhôm Trung Quốc bị áp thuế tới trên 35% khi xuất khẩu các sản phẩm nhôm vào Việt Nam. Nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá, đây là cơ hội tốt cho ngành nhôm nội giành lại thị phần.

Theo Hiệp hội Nhôm Việt Nam, trong 4 năm qua, lượng nhôm Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng lên gần 9 lần. Cụ thể, nếu như năm 2015, Việt nam chỉ nhập khẩu khoảng 7.000 tấn nhôm Trung Quốc thì đến năm 2018 con số này đã lên tới 62.000 tấn.

Nếu năm 2016 nhôm Việt Nam chiếm khoảng 70% thị phần trong nước thì đến năm 2019, vị trí đã đảo ngược hoàn toàn, 70% thị phần thuộc về nhôm Trung Quốc, nhôm trong nước chỉ còn 30%. Cùng với việc nhập khẩu ồ ạt, thì biên độ bán phá giá của nhôm Trung Quốc cũng tăng từ 20 - 35%.  Bộ Công thương dự báo nếu tình hình này kéo dài đến năm 2020 thì các doanh nghiệp nhôm trong nước có nguy cơ sẽ bị phá sản.

Nhập khẩu nhôm thanh đùn ép từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng nhanh trong giai đoạn 2015 - 2018. Ảnh: baocongthuong.
Nhập khẩu nhôm thanh đùn ép từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng nhanh trong giai đoạn 2015 - 2018. Ảnh: congthuong.vn

Sau 120 ngày áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời thì hiện nay nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam đã giảm đi trông thấy. Cụ thể, nếu tháng 6/2019, Việt Nam nhập khẩu 4,5 nghìn tấn nhôm Trung Quốc thì đến tháng 8/2019, con số này giảm xuống chỉ còn 2,1 nghìn tấn.

Trên thị trường, lượng nhôm nhập và nhôm trong nước đã dần cân bằng. Bà Ngô Thị Mai Hương, chủ cửa hàng nhôm tại Hà Nội cho biết, “trước đây tại cửa hàng, lượng nhôm nhập khẩu được bán nhiều hơn. Tuy nhiên, giờ đây, doanh số bán của nhôm trong nước và nhôm nhập khẩu đã được cân bằng”.

Trong khi đó, tại một số doanh nghiệp sản xuất nhôm, mức sản xuất đã tăng lên từ 20 – 30%, nhiều công nhân nghỉ việc khi tình hình khó khăn, nay cũng đã trở lại làm việc. Bà Nguyễn Thị Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Euroha cho biết, sau khi áp thuế chống bán phá giá tạm thời, sản lượng nhôm bán ra đã tăng từ 15, 20 lên 30%. Và bây giờ thì chúng tôi đã khôi phục được 75,80% kế hoạch sản xuất. Với đà này, chúng tôi hy vọng khi áp thuế chính thức, doanh nghiệp sẽ lấy lại được 100% công suất.

Theo Hiệp hội Nhôm Việt Nam, quyết định áp thuế chống bán phá giá của Bộ Công thương là cơ hội để doanh nghiệp nhôm trong nước lấy lại thị phần đã mất trong cuộc chiến không công bằng suốt 4 năm qua với nhôm Trung Quốc. Đặc biệt là hàng nhập lậu, hàng trôi nổi. “Khi sự bình đẳng được tạo ra thì các doanh nghiệp nhập khẩu cũng như các doanh nghiệp sản xuất sẽ được cạnh tranh bình đẳng và đem lại chất lượng cho thị trường”, ông Dương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhôm Việt Nam nhấn mạnh.

►Việt Nam áp thuế chống bán phá giá hơn 34% với tôn mạ màu Trung Quốc

►Mỹ áp thuế chống bán phá giá 456% lên thép: Ai hưởng lợi?

Nguồn Tổng hợp


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới