Hủy
Kinh Doanh

Giá cà phê tăng đột biến do nhiều quốc gia tăng tích trữ trong dịch COVID-19

Thái Bình Thứ Ba | 21/04/2020 17:31

Một nông dân hái hạt cà phê trong thời gian thu hoạch tại Karo ở Bắc Sumatra, Indonesia, vào ngày 29.3. Nguồn ảnh: CNBC

Nông dân hưởng lợi khi giá cà phê tăng đột biến và các quốc gia tăng tích trữ trong dịch COVID-19.
 

Người tiêu dùng vẫn cần caffeine dù đang trong đại dịch toàn cầu. Do đó, lo ngại về nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng dưới tác động của COVID-19 đã khiến một số quốc gia và người tiêu dùng tăng tích trữ cà phê, từ đó góp phần thúc đẩy giá mặt hàng nông sản này.

Thiếu hụt về nguồn cung thúc đẩy giá cà phê tăng

Dường như, cứ sau mỗi đợt khủng hoảng kinh tế và dịch bệnh có ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu là xuất hiện một đợt tăng giá mạnh trên thị trường cà phê thế giới. Đó là tin tốt lành cho nông dân ở các vùng sản xuất cà phê quan trọng, những người đang gặp khó khăn khi giá cà phê liên tục giảm trong những năm qua.

Kể từ năm 2016, giá đã giảm 30% dưới mức trung bình trong thập kỷ qua, theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO). Giá cà phê Arabica trong tháng 3 ở mức trên 1,12 USD/pound, khác xa so với mức đỉnh hơn 3 USD/pound vào  năm 2011. "Rất nhiều trong số 25 triệu nông dân trồng cà phê trên toàn thế giới đã phải vật lộn để trang trải chi phí hoạt động vì giá hạt giống và phân bón tiếp tục tăng. Do đó, thu nhập của nông dân giảm đáng kể và sinh kế của họ đang bị đe dọa nghiêm trọng", ICO nêu ra trong báo cáo công bố hồi cuối tuần trước.

Nhưng mọi thứ đã thay đổi, giá của Arabica, cà phê được sản xuất phổ biến nhất thế giới, đã tăng mạnh do lo ngại về tính sẵn có của nó, ICO cho biết.

Giá cà phê robusta London qua các đợt khủng hoảng tài chính và dịch bệnh.
Giá cà phê robusta London qua các đợt khủng hoảng tài chính và dịch bệnh.

Cà phê Arabica từ Brazil, nơi sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, đã tăng 10% trong tháng 3 so với tháng 2. Cà phê kỳ hạn giao dịch tại New York đã tăng 8,8% trong tháng 3, lên mức trung bình khoảng 1,16 USD/pound. Đại dịch COVID-19 đã dẫn đến sự gián đoạn nguồn cung - từ sản xuất, vận chuyển đến bán lẻ - vì việc khóa cửa được áp đặt trên toàn thế giới.

ICO lý giải rằng, mùa vụ thu hoạch của Columbia vào tháng 4 nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng bởi các biện pháp kiểm soát dịch cũng như do lệnh hạn chế di chuyển khiến người lao động từ các nước lân cận không thể quay trở lại làm việc.

Một nông dân làm việc trên một đồn điền cà phê ở Tres Pontas, bang Minas Gerais, Brazil, vào ngày 28.5.2019. Nguồn ảnh: CNBC
Một nông dân làm việc trên một đồn điền cà phê ở Tres Pontas, bang Minas Gerais, Brazil, vào ngày 28.5.2019. Nguồn ảnh: CNBC

Nhiều quốc gia đang mua và tích trữ cà phê

Về tình hình toàn cầu, ICO cho biết: Hiện tại cầu đang vượt quá cung, sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng cả trong vận chuyển và thu hoạch có thể dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung tạm thời, gây áp lực lên giá trong ngắn hạn. Cùng với đó, nhiều người trên thế giới đã  dự trữ cà phê. Một số quốc gia đã ngừng xuất khẩu một số cây trồng, trong khi những nước khác đang dự trữ nguồn cung cấp thực phẩm, để đảm bảo họ có đủ cho công dân của mình. Dường như cà phê cũng không ngoại lệ.

Nhiều quốc gia đang mua cà phê tích trữ do e ngại về việc gián đoạn nguồn cung trong tương lai, ông Samuel Burman chuyên viên kinh tế tại Capital Economic nói. Theo báo cáo của Reuters, các nhà nhập khẩu cà phê ở một số quốc gia tiêu thụ lớn nhất đang dự trữ và đưa ra các đơn đặt hàng trước tới 1 tháng.

"Dữ liệu ghi nhận tại các nhà bán lẻ và siêu thị cho thấy việc mua và tích trữ cà phê trong hoảng loạn đã khiến nhu cầu tiêu dùng tại một số nước tăng lên", ICO nêu ra trong báo cáo hồi tuần trước. Trên thực tế, chi tiêu cho cà phê tại Pháp trong tháng 3 đã tăng 34,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tại Ý tăng 29,5%, theo viện nghiên cứu thị trường IRI (có trụ sở tại Chicago, Mỹ).

Có thể bạn quan tâm:

Cạnh tranh với Việt Nam, Brazil tăng sản lượng cà phê Robusta

►CNBC lý giải vì sao chuỗi cà phê Việt thắng thế trước các chuỗi cà phê ngoại như Starbucks

 

Nguồn CNBC


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới