Giá gạo cần được theo dõi chặt chẽ
Trên thực tế, xuất khẩu gạo đã lập kỷ lục mới về khối lượng trong nửa đầu năm 2023 nhờ giá xuất khẩu thuận lợi. Ảnh: TL.
Các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam đang tận hưởng thời kỳ huy hoàng khi giá gạo xuất khẩu tăng 16,1% tính từ đầu năm, vượt qua mức đỉnh năm 2021 để thiết lập mức cao nhất trong thập kỷ đạt 541 USD/tấn.
Theo góc nhìn của Maybank Investment Bank, mức tăng giá mạnh được thúc đẩy bởi một loại hạn chế đối với xuất khẩu gạo của Ấn Độ để kìm hãm giá gạo nội địa tăng cao do thời tiết khắc nghiệt.
Giá xuất khẩu gạo của Việt Nam lập kỷ lục sau năm 2008 do Ấn Độ áp đặt một loạt hạn chế đối với xuất khẩu gạo của nước này. Nguồn: Maybank Investment Bank. |
Trước đó, vào tháng 9/2022, Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất với 39% thị phần, đã cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với xuất khẩu gạo non-basmati do mưa kém làm giảm diện tích trồng lúa. Vào ngày 20/7/2023, chính phủ nước này cho biết họ sẽ cấm xuất khẩu gạo non-basmati, loại gạo chiếm tới 80% tổng lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ, do mưa gió mùa lớn đang gây thiệt hại cho mùa màng. Đây là lệnh cấm đầu tiên kể từ cuối năm 2007 khi các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam chứng kiến giá gạo tăng gấp 3 lần trong 5 tháng đầu năm 2008.
Trên thực tế, xuất khẩu gạo đã lập kỷ lục mới về khối lượng trong nửa đầu năm 2023 nhờ giá xuất khẩu thuận lợi. Điều này làm tăng giá gạo bán lẻ trong nước và kịch bản này có thể sẽ tiếp diễn trong ngắn hạn, từ đó làm tăng lạm phát lương thực cũng như lạm phát toàn phần vì lương thực, khi thực phẩm là nhóm đóng góp lớn nhất với tỉ trọng 33,56%.
Lệnh cấm có khả năng tác động đến nguồn cung gạo toàn cầu khi Ấn Độ là nước xuất khẩu lớn nhất với 39% thị phần vào năm 2022. Nguồn: Maybank Investment Bank |
“Lạm phát lương thực (trong đó 70% là gạo) vẫn ở mức rất cao trong khi các mặt hàng lương thực, thực phẩm khác đã mất đỉnh vào cuối năm ngoái. Trong ngắn hạn, giá gạo sẽ là một trong những yếu tố chính gây lạm phát trong nước và cần được theo dõi chặt chẽ”, Maybank Investment Bank nhận định. Tổ chức này cũng đưa ra 4 nguyên nhân khiến nhà đầu tư cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của giá gạo.
Thứ nhất, Việt Nam có thể thực hiện các biện pháp hạn chế tương tự đối với gạo xuất khẩu như Ấn Độ để đảm bảo an ninh lương thực. Để đối phó với sự bùng phát của dịch COVID-19 trong năm 2020, Việt Nam đã áp dụng hạn ngạch xuất khẩu gạo tạm thời vào tháng 4/2020. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ giảm một nửa xuống còn 2,22 triệu tấn trong nửa cuối năm 2023 từ 4,48 triệu tấn trong 6 tháng đầu năm 2023. Trên thực tế, xuất khẩu gạo từ tháng 6-7/2023 đã giảm xuống còn 600.000 tấn từ hơn 1 triệu tấn trong tháng 4-5/2023.
Thứ 2, gạo là 1 trong 9 mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá. Chính phủ có thể thực hiện các biện pháp hành chính và tài chính để ổn định giá bán lẻ trong nước. Chính phủ có thể yêu cầu các nhà phân phối giảm xuất khẩu và bán với giá chiết khấu cho các kênh bán lẻ địa phương hoặc bán gạo trực tiếp từ kho dự trữ quốc gia.
Thứ 3, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thông báo đợt El-Nino đã vào Việt Nam từ tháng 6/2023. Dự báo nắng nóng, hạn hán sẽ đạt đỉnh điểm vào cuối năm 2023 và kéo dài sang năm 2024, ảnh hưởng đến vụ lúa của các địa phương. Tuy nhiên, USDA dự báo sản lượng gạo 2022-2023 và 2023-2024 vẫn có thể kiểm soát được. Việt Nam thực tế đã trải qua El-Nino trong các vụ 2015-2016 và 2019-2020 nhưng chỉ tác động nhẹ đến sản xuất lúa gạo.
Thứ 4, Maybank Investment Bank cho biết họ nhận thấy có mối tương quan thấp giữa lạm phát lương thực địa phương và lạm phát lương thực toàn cầu trong 10 năm qua. Giá trong nước có xu hướng ổn định hơn so với giá toàn cầu. Hơn nữa, tác động trực tiếp của việc tăng giá gạo cũng có thể kiểm soát được do lương thực chỉ đóng góp 3,67% trong rổ tính CPI, trong đó gạo chiếm 2,55%.
Có thể bạn quan tâm
JP Morgan: Giờ vàng của hàng tiêu dùng
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư