Hủy
Kinh Doanh

Giá trị xuất khẩu phân bón tăng mạnh và nhiều kỳ vọng ở quý IV

Nhật Lệ Thứ Tư | 26/10/2022 11:57

Sang quý IV, quý cao điểm vụ Đông Xuân, sản lượng tiêu thụ phân bón trong nước được dự báo sẽ gia tăng trở lại. Ảnh: Quý Hòa.

 
 
Tính trong 3 quý đầu năm 2022, tổng lượng phân bón xuất khẩu của cả nước là 1,39 triệu tấn, tăng 45,4% về so với cùng kỳ năm 2021.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 9/2022, lượng phân bón các loại xuất khẩu là hơn 161.000 tấn, với trị giá hơn 94 triệu USD, tăng 36,9% về lượng và tăng 33,6% về trị giá so với tháng trước. Tính trong 3 quý đầu năm 2022, tổng lượng phân bón xuất khẩu của cả nước là 1,39 triệu tấn với trị giá 886 triệu USD, tăng 45,4% về lượng và tăng 166,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

 

Trong 3 quý đầu năm 2022, xuất khẩu phân bón các loại chủ yếu sang các thị trường: ASEAN với 836.000 tấn, tăng 20%; Ấn Độ với 255.000 tấn, gấp 11,8 lần; Hàn Quốc với 85.000 tấn, gấp 3,6 lần so với 3 quý đầu năm 2021. 

Sang quý IV, quý cao điểm vụ Đông Xuân, sản lượng tiêu thụ phân bón trong nước được dự báo sẽ gia tăng trở lại. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sản xuất cũng kỳ vọng nhu cầu nhập khẩu phân bón từ các thị trường quốc tế sẽ có những tín hiệu tích cực hơn.

Ông Phùng Hà, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (VFA) cho biết, do ảnh hưởng cuộc chiến Nga - Ukraine cùng các lệnh trừng phạt giữa phương Tây và Nga..., việc thiếu hụt nguồn cung khí khiến giá khí tại châu Âu ngày càng tăng. Theo đó, giá phân bón có thể tiếp tục tăng mạnh. Với tình hình hiện tại, nhiều nhà máy đã đóng các dây chuyền sản xuất ammonia hoặc sản xuất phân urê vì giá bán không bù được chi phí.

“Trong bối cảnh nguồn cung khí tại châu Âu đang vô cùng khan hiếm, hoạt động sản xuất phân bón bị cắt giảm, nguồn cung trên thế giới thiếu hụt, dự báo giá phân bón sẽ tăng trở lại vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu phân bón của Việt Nam sẽ tăng cao”, ông Hà dự báo.

 

Hiện các sản phẩm phân bón của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường trong khu vực như Campuchia chiếm 27,5% tổng khối lượng xuất khẩu 8 tháng, tiếp theo là Malaysia, Hàn Quốc, Philippines, Lào, Thái Lan… Các thị trường như châu Âu, Trung Đông, Biển Đen lại chưa thể đẩy mạnh.

Theo ông Hà, sản phẩm phân bón của Việt Nam đạt chuẩn quốc tế nhưng chưa xuất khẩu ra châu lục khác có thể do các thị trường chưa “làm quen” với sản phẩm phân bón “made in Viet Nam” và chi phí vận chuyển lớn.

Dù vậy, ông Hà cho rằng, trong thời gian tới, nhiều yếu tố được đánh giá sẽ hỗ trợ đắc lực cho xuất khẩu phân bón của Việt Nam sang các thị trường tiềm năng khác. Đầu tiên, giá khí cung cấp cho các nhà máy phân bón trong nước được tính theo giá dầu FO Singapore (đang có xu hướng giảm), mà giá urê trung bình 8 tháng năm 2022 cao hơn 60% so với trung bình cả năm 2021, trong khi con số này đối với dầu FO Singapore chỉ là 38%. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất phân urê đang có lợi thế chi phí đầu vào rẻ hơn.

Cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu cao đang khiến hàng loạt nhà máy phân bón ở khu vực này phải cắt giảm sản lượng, khởi đầu là các nhà máy sản xuất phân bón ở Ba Lan ngừng hoạt động, sau đó đã lan rộng ra toàn khu vực với các doanh nghiệp hàng đầu như Achema, Yara và Borealis.

Do đó, châu Âu sẽ tranh giành nguồn cung cấp các sản phẩm đạm từ khắp nơi trên thế giới để có được khối lượng mà họ cần cho sản xuất. Trong khi đó, Nga, cường quốc số 1 về xuất khẩu phân bón thế giới đang tiếp tục áp dụng hạn ngạch xuất khẩu đối với urê trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 12/2022. 

Có thể bạn quan tâm 

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh các mức lãi suất điều hành

Nguồn Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới