Hủy
Kinh Doanh

Hệ thống đập thủy điện đe dọa hệ sinh thái phía hạ lưu sông Mê Kông

Thứ Hai | 09/11/2015 17:45

 
 
Nhiều chuyên gia cảnh báo Việt Nam trong thời gian tới sẽ phải đối mặt với tình trạng xói lở bờ biển, nhiễm mặn...do các đập thủy điện phía thượng nguồn.

Nhiều chuyên gia cảnh báo vùng hạ lưu sông Mê Kông sẽ sớm phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cá tự nhiên, xói mòn đường bờ biển và nguy cơ ngập mặn trong thời gian tới.

"Những bằng chứng đang ngày càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết", ông Marc Goichot, hiện đang làm việc tại Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam cho biết. 

Những người dân sống dọc theo lưu vực sông Mê Kông đang phải đối mặt với nguy cơ sạt lở đất do tình trạng khai thác cát quá mức và khai thác mạch nước ngầm. Ngoài ra, độ nhiễm mặn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đang ngày càng tăng, đe dọa tới 13.500 ha đất trồng trọt. Với tình trạng này, 600 km đường bờ biển của Việt Nam phía hạ lưu sông Mê Kông nhiều khả năng sẽ dần biến mất với tốc độ 4-12 m mỗi năm.

Hiện tại, nhiều đập thủy điện vẫn đang được xây dựng trên sông Mê Kông, đặc biệt Lào đang lên kế hoạch và xây dựng 11 dự án đập thủy điện phía thượng nguồn con sông. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học cho biết việc xây dựng hệ thống đập thủy điện sẽ gây ảnh hưởng lớn nhất đến lượng cá trong khu vực. 

Một đề tài nghiên cứu cấp quốc gia được thực hiện bởi Ủy ban sông Mê Kông tại Việt Nam đưa ra con số ước tính rằng nguồn lợi từ khai thác cá hiện đang mang lại hơn 7 tỷ USD mỗi năm cho người dân nơi đây, trong đó Việt Nam và Campuchia chiếm hơn 50%.

Tại diễn đàn Greater Mekong Forum, các chuyên gia nhận định rằng với 11 dự án đập thủy điện đang được xây dựng tại Lào, thì lượng cá nhiều khả năng sẽ sụt giảm khoảng 50% trong vài năm tới. Ngoài ra, các đập thủy điện còn có thể kéo theo tình trạng bất ổn trong việc đảm bảo an ninh lương thực tại khu vực này.

Các báo cáo nghiên cứu cho biết có đến  trên 50% các loài cá được đánh bắt ở phía hạ lưu sông Mê kông là loài di cư. Do đó, những loài này có nguy cơ cao nhất khi các đập được xây dựng. Đơn cử, nhóm cá trắng sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất vì các loài cá này di cư một quãng đường tương đối dài dọc sông Mê Kông. Trong đó, 40% lượng cá trắng của Việt Nam và 37% của Campuchia có nguy cơ sẽ biến mất.

Trong những năm gần đây, Ủy Ban các quốc gia sông Mê Kông (MRC) đã tổ chức nhiều cuộc thảo luận về vấn đề quy hoạch thủy điện. Năm 2011, hai nước Việt Nam và Campuchia đã yêu cầu Lào tạm hoãn xây đập thủy điện trong thời hạn 10 năm.

Tuy nhiên, Lào vẫn đang tiếp tục xây dựng hệ thống đập thủy điện của nước này để hướng tới việc xuất khẩu năng lượng qua các nước láng giềng, đặc biệt là Thái Lan. Được biết, Lào đã hoàn thành khoảng 60% tiến độ thi công đập thủy điện Xayabury với công suất 1.285 MW. Ngoài ra, Lào còn phê duyệt xây dựng đập thủy điện Don Sahong, vốn gây tranh cải giữa các nước khu vực sông Mê Kông cách đây không lâu.

Tuệ Nghi

Nguồn The Straits Times


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới