Hủy
Kinh Doanh

Hơn 21 tỉ USD vốn đầu tư FDI đăng ký vào Việt Nam

Minh Anh Thứ Hai | 28/09/2020 16:06

Trong 9 tháng của năm nay, không chỉ vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam giảm, lượng vốn FDI giải ngân trên thực tế cũng giảm. Ảnh: Qúy Hòa

 
 
Nguồn vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong 9 tháng năm nay bằng 81,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Cục Đầu tư Nước ngoài, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam tính đến nay đạt 21,2 tỉ USD, nguồn vốn này bao gồm vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh tăng thêm và góp vốn mua cổ phần doanh nghiệp trong nước.

Như vậy vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong 9 tháng năm nay bằng 81,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, có 1.947 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt 10,36 tỉ USD, giảm 5,6%.

Có 798 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 5,11 tỉ USD, tăng 6,8%. Ngoài ra, còn có 5.172 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp 5,73 tỉ USD, bằng 55,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong 9 tháng của năm nay, không chỉ vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam giảm, lượng vốn FDI giải ngân trên thực tế cũng giảm. Số vốn giải ngân đầu tư FDI đạt 13,76 tỉ USD, bằng 96,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Ảnh:vnmedia
Ảnh: vnmedia.

Vốn đăng ký đầu tư giảm, vốn thực hiện giảm cho thấy đại dịch COVID-19 đã có tác động không nhỏ tới dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian qua.

Theo Cục Đầu tư Nước ngoài, tuy dòng vốn FDI vào Việt Nam giảm sút so với cùng kỳ, nhưng xét trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 thì kết quả thu hút đầu tư FDI của Việt Nam vẫn tốt hơn nhiều quốc gia khác.

Trong cuộc họp giữa tháng 7, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ, Việt Nam được xác định là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn với những lợi thế cạnh tranh sẵn có, cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư và vị thế trên trường quốc tế ngày càng tăng, cùng với những biện pháp phòng chống COVID-19 tích cực và hiệu quả.

 

Do đó, đây là thời điểm thuận lợi cho Việt Nam để thu hút có chọn lọc dòng vốn đầu tư nước ngoài mới phù hợp với nhu cầu của Việt Nam, song cũng cần nhận diện, xử lý các thách thức khách quan và chủ quan trong hợp tác đầu tư nước ngoài và cần có hành động và giải pháp đột phá để kịp thời thu hút dòng vốn.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ Kế hoạch - Đầu tư, các bộ, ngành thành viên tổ công tác, các địa phương đã tích cực và chủ động nghiên cứu, đề xuất giải pháp, trao đổi, phối hợp, thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các dự án có chất lượng vào Việt Nam.

Ảnh:samsung Electronic
Các nhà đầu tư FDI đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực tại Việt Nam. Ảnh: Samsung Electronic.

Thời gian qua, các nhà đầu tư FDI đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được 9,9 tỉ USD, chiếm 46,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đến là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện với tổng vốn đầu tư trên 4,3 tỉ USD, chiếm 20,6% tổng vốn đầu tư đăng ký; lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký lần lượt gần 3,2 tỉ USD và 1,3 tỉ USD, còn lại là các lĩnh vực khác.

Xét theo vùng, lãnh thổ, Singapore đang dẫn đầu về số vốn đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đầu tư 6,77 tỉ USD, Hàn Quốc đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký đầu tư 3,17 tỉ USD, Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đăng ký đầu tư 1,87 tỉ USD.

► Tính đến ngày 16/9, tín dụng tăng 4,81% so với cuối năm 2019


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới