Kiều hối chảy vào ngân hàng ngày càng nhiều
Theo ước tính của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho thấy, kiều hối năm nay có thể đạt khoảng 10 tỷ USD (tăng khoảng hơn 10% so với năm 2011) và tăng mạnh nhất trong vòng 4 năm qua.
Đối tượng đóng góp rất lớn vào nguồn kiều hối năm nay đến từ hơn 4 triệu kiều bào đang sinh sống tại nước ngoài và đặc biệt là 400.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc) và khu vực Trung Đông.
Lượng kiều hối năm nay tăng, một phần còn do những cải tiến trong giao dịch khiến thời gian tiến hành nhanh và thuận tiện hơn nhiều so với trước mang lại tiện ích tốt nhất cho khách hàng.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM, cho biết thông thường lượng kiều hối về thành phố chiếm bình quân khoảng 42-43% tổng lượng kiều hối cả nước.
Thống kê cho thấy lượng kiều hối gửi về TPHCM trong năm 2012 đạt khoảng 4,1 tỷ USD; trong đó 70% đổ vào sản xuất kinh doanh, 23% vào lĩnh vực bất động sản (chủ yếu cho các dự án đang triển khai dở dang), 6% còn lại là hỗ trợ khó khăn cho người thân.
Trong khi đó, theo ông Đào Công Hải, Cục phó Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ Lao động thương binh xã hội, kiều hối từ lao động nước ngoài năm nay có thể sẽ đạt từ 1,8 - 2 tỷ USD, tức bằng với mức của 7 năm gần đây.
Các thị trường có lượng kiều hối mà người lao động gửi về nhiều là Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc…
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại lớn trên địa bàn Hà Nội cho biết, những năm trước đây, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam không đọng lại ở ngân hàng nhiều vì chảy ra thị trường tự do do chênh lệch tỷ giá giữa hai thị trường và tình trạng đô la hóa ở Việt Nam rất lớn.
Đặc biệt, năm 2012 là năm mà Ngân hàng Nhà nước có nhiều chính sách và những điều hành giữ tỷ giá tương đối ổn định, tỷ giá chênh lệch giữa thị trường tự do và trong ngân hàng không còn nhiều. Chính vì vậy lượng kiều hối chuyển về Việt Nam trong năm 2012, khách hàng nhận được tiền bán lại và gửi lại cho ngân hàng rất nhiều.
Điều này được thể hiện ở các ngân hàng như Sacombank, DongA Bank, Vietcombank... người dân bán lại ngoại tệ cho ngân hàng để gửi VND tăng hơn nhiều so với những năm trước. Tuy chưa có con số thống kê chính thức nhưng ở một số ngân hàng khác, con số này cũng tăng lên đáng kể.
Do tỷ giá ổn định nên người thụ hưởng từ kiều hối thường gửi tiết kiệm USD hoặc quy đổi sang VND, giúp cho cung ngoại tệ của các ngân hàng tăng lên, góp phần ổn định tỷ giá hối đoái, tăng dự trữ ngoại tệ.
Nguồn Chinhphu.vn
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư