Kinh Bắc trở lại, có lợi hại hơn xưa?
Các doanh nghiệp hoạt động trong Lĩnh vực khu công nghiệp từng kỳ vọng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tạo cú hích mạnh mẽ cho dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Nhưng kết quả bất ngờ từ bầu cử Tổng thống Mỹ đã làm đảo ngược tình thế. Ông Donald Trump, Tổng thống mới đắc cử, tuyên bố Mỹ sẽ không tham gia TPP. Điều này đã tác động đến dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, riêng tháng 11, tình hình thu hút vốn FDI ở mức thấp nhất tính từ đầu năm đến nay. Không chỉ thế, FDI vào lĩnh vực bất động sản còn bị âm 560 triệu USD trong 11 tháng qua. Rõ ràng, thách thức cho các doanh nghiệp khu công nghiệp nói chung và Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) nói riêng là không nhỏ.
Nhưng Kinh Bắc sớm trấn an nhà đầu tư bằng tin vui đến từ hợp đồng vừa mới ký kết với JA Solar. Theo đó, JA Solar, một trong những công ty sản xuất và tiêu thụ pin năng lượng mặt trời hàng đầu thế giới, đã quyết định thuê 88ha đất ở Khu Công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang) để đầu tư dự án. Hợp đồng này được chia thành nhiều giai đoạn. Dự kiến trong năm 2016, Kinh Bắc có thể bàn giao khoảng 20ha đất và hạch toán doanh thu khoảng 250 tỉ đồng. Luxshare-ICT, doanh nghiệp công nghệ cao chuyên sản xuất linh kiện cho các hãng điện thoại lớn như Apple và Samsung, Lenovo, Sony, Asus, Dell, Huawei..., cũng chú ý đến Khu Công nghiệp Quang Châu và tiến hành ký kết thuê lại 14ha vào tháng 9 vừa qua.
Kinh Bắc cũng đã cho thuê gần 45ha tại Khu Công nghiệp Tràng Duệ 2, ước ghi nhận thêm 20ha đất cho thuê ở Khu Công nghiệp Tân Phú Trung. Công ty này cho biết, các hợp đồng đang trong quá trình đàm phán và có khả năng thành công cao. Kinh Bắc cũng đẩy mạnh đầu tư cho mục tiêu tiến hành bán hàng ở Khu Công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh vào năm 2017.
Rõ ràng, tình hình bán hàng ở các khu công nghiệp của Kinh Bắc cho đến nay vẫn khả quan. Tính tới thời điểm này, Công ty ký hợp đồng cho thuê khoảng 260 ha đất công nghiệp và gần một nửa trong số đó sẽ được ghi nhận vào doanh thu năm nay. Đây là mức bán hàng đã tăng 25% so với diện tích đất ghi nhận vào năm ngoái.
Hầu hết khách hàng thuê đất ở các khu công nghiệp thuộc Kinh Bắc đều là doanh nghiệp FDI hoạt động trong ngành điện tử, linh kiện điện tử. Không phải ngẫu nhiên họ chọn Kinh Bắc. Trong lĩnh vực khu công nghiệp, Kinh Bắc là cái tên nổi bật và có những lợi thế của một doanh nghiệp đầu ngành. Đó là nắm giữ hơn 4.500ha đất khu công nghiệp tại nhiều vị trí tốt, chủ yếu thuộc các trung tâm công nghiệp phía Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh.
Tính ra, Kinh Bắc chiếm đến 8% tổng diện tích đất khu công nghiệp của Việt Nam. Quy mô này sẽ còn tiếp tục tăng thêm do Kinh Bắc đã được Ủy ban Nhân dân Hải Phòng giao thêm 600ha đất cho dự án Khu Công nghiệp Tràng Duệ giai đoạn 3. Kinh Bắc cũng đang lên kế hoạch xin thêm 100ha đất ở Bắc Giang. Ước tính đến năm 2017, tổng quỹ đất công nghiệp thương phẩm để Kinh Bắc triển khai đầu tư cho thuê sẽ lên đến gần 1.800ha.
Ngoài cho thuê đất và cơ sở hạ tầng, Kinh Bắc còn tham gia phát triển khu đô thị, khu dân cư. Với 1.300ha đất, Kinh Bắc có nhiều cơ hội trong mảng này. Trước mắt, Khu Đô thị Phúc Ninh đã gần đủ các điều kiện về hạ tầng để bán 2,5ha đất biệt thự. KBC dự kiến sẽ mở bán đất khu biệt thự trong cuối năm 2016.
Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc. Ảnh: vtc.vn |
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, Kinh Bắc có điều kiện để đạt tăng trưởng 70-80% về doanh thu, lợi nhuận sau thuế. Trước mắt, theo báo cáo tài chính quý III/2016, doanh thu 9 tháng của Kinh Bắc đạt trên 1.500 tỉ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ, còn lợi nhuận sau thuế đã tăng 75%. So với kế hoạch đề ra cho cả năm 2016, Kinh Bắc đã gần về đích.
Sang năm 2017, đà tăng trưởng doanh thu của Kinh Bắc được giới phân tích dự đoán vẫn trong mức 35-40%. Cơ sở để Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) đưa ra đánh giá vì nguồn thu từ mảng cho thuê đất công nghiệp, bán đất khu dân cư, cho thuê kho, các dịch vụ đi kèm của Kinh Bắc đều dự báo sẽ tăng. Năm tới, Công ty còn có thêm nguồn thu từ bán nhà kho khi hoàn tất đầu tư 4 nhà kho ở Khu Công nghiệp Quế Võ.
Kinh Bắc chỉ còn nỗi lo bán hàng gặp khó nếu dòng vốn FDI không đổ mạnh vào Việt Nam, khi TPP bất thành. Nhưng cả khi như vậy, giới phân tích cho rằng, Kinh Bắc vẫn có thể tìm thấy cơ hội từ những hiệp định thương mại song phương, đa phương mà Việt Nam đã ký với các nước châu Á, châu Âu. Ngoài ra, so với vài năm trước, điều hành quản trị ở Kinh Bắc giờ đã tốt hơn. Công ty hướng nguồn lực vào ngành chính và tìm cách giảm nợ vay.
Theo báo cáo tài chính, trong 9 tháng đầu năm 2016, Kinh Bắc đã giảm được gần 480 tỉ đồng nợ vay ngắn hạn dài hạn. Nhờ đó, Công ty giảm được 6 tỉ đồng chi phí lãi vay. Ngoài ra, Kinh Bắc dự tính các kế hoạch tăng vốn hàng ngàn tỉ đồng cho mục đích đảm bảo khả năng đầu tư và thanh toán. Kế hoạch này đã được cổ đông thông qua và có thể triển khai chậm hơn dự tính do Công ty cần chờ thời điểm thích hợp.
Thực tế, tuy là công ty có tổng nợ lớn nhất ngành, trên 6.000 tỉ đồng, song nợ/tổng tài sản của Kinh Bắc lại chỉ ở mức 43-44%, thấp hơn mức trung bình ngành (58%). Nhưng Kinh Bắc lại kém hấp dẫn hơn Long Hậu, TIX, Sonadezi Long Thành… khi biên lợi nhuận gộp, lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE), lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản (ROA) đều thấp hơn. Vì thế, theo giới phân tích, Công ty cần cải thiện hoạt động để gia tăng hiệu quả kinh doanh.
Giá cổ phiếu KBC của Kinh Bắc hiện ngập trong sắc đỏ và tình trạng này đã kéo dài suốt 2 tháng nay. Dù vậy, so với thời điểm đầu năm 2016, cổ phiếu KBC vẫn tăng 20-30%. Mới đây, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Kinh Bắc, đã đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu như một động thái tâm lý nhằm ổn định giá cổ phiếu.
Ngọc Thủy
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Nguyễn Mai
-
Minh Đức
-
Tiến sĩ Võ Trí Thành