3 lời khuyên của chuyên gia tài chính trong giai đoạn suy thoái
Các chuyên gia tài chính cho rằng, không cần phải hoảng sợ khi đối phó với tình trạng suy thoái kinh tế. Ảnh: Investopedia.
Trong thời kỳ nền kinh tế trì trệ hoặc suy thoái, các chuyên gia tài chính cho rằng bạn nên theo dõi chi tiêu và không nên mạo hiểm quá mức để tránh gây nguy hiểm cho sức khỏe tài chính và mục tiêu của bạn. Dưới đây là 3 rủi ro tài chính cụ thể mà các chuyên gia tài chính khuyên bạn nên tránh trong thời kỳ suy thoái:
Vay khoản nợ mới
Việc gánh thêm khoản nợ mới, chẳng hạn như khoản vay mua ô tô, tín dụng mua nhà hoặc khoản vay sinh viên sẽ không phải là vấn đề trong thời kỳ thuận lợi, khi bạn có thể kiếm đủ tiền để thanh toán hàng tháng và vẫn tiết kiệm được cho hưu trí.
Nhưng khi nền kinh tế chuyển biến xấu, nguy cơ bạn bị sa thải hoặc mất thu nhập kinh doanh sẽ tăng lên. Nếu điều đó xảy ra, bạn có thể phải nhận một công việc, hoặc nhiều công việc có mức lương thấp hơn, điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của bạn. Việc gánh thêm nợ mới trong thời kỳ suy thoái là rủi ro và cần phải thận trọng.
Không coi trọng công việc hiện tại
Trong thời kỳ suy thoái kinh tế, ngay cả các tập đoàn lớn cũng có thể chịu áp lực tài chính, khiến họ phải tìm cách cắt giảm chi phí. Điều này đồng nghĩa với việc rủi ro bị mất việc trong giai đoạn này là hiện hữu.
Việc tìm kiếm công việc trong giai đoạn suy thoái là điều không dễ dàng. Ảnh: Freepik. |
Các chuyên gia tài chính khuyên rằng, trong bối cảnh suy thoái, công việc trở nên bấp bênh, người lao động nên suy nghĩ kỹ trước khi nghỉ và lựa chọn nhảy việc.
Thực hiện các khoản đầu tư mạo hiểm
Lời khuyên này được chuyên gia dành cho các chủ doanh nghiệp. Mặc dù bạn luôn phải nghĩ về tương lai và cách phát triển doanh nghiệp của mình, nhưng suy thoái kinh tế có thể không phải là thời điểm tốt nhất để mạo hiểm.
Vào giai đoạn đầu của suy thoái không phải là lúc để bạn liều lĩnh. Sau đó, khi nền kinh tế bắt đầu cho thấy dấu hiệu phục hồi bền vững, đó sẽ là lúc bắt đầu với những kế hoạch lớn hơn.
Vay tiền để mở rộng văn phòng, tăng hàng tồn kho có thể là lựa chọn tốt, đặc biệt là khi lãi suất thấp trong thời kỳ suy thoái. Nhưng điều này cũng cần phải suy nghĩ một cách cẩn thận, bởi hoạt động kinh doanh có thể tăng chậm lại trong giai đoạn suy thoái, những khoản nợ có thể trở thành áp lực trong giai đoạn này. Nhìn chung, suy thoái dẫn đến sản lượng kinh tế giảm, nhu cầu tiêu dùng thấp hơn và tỉ lệ thất nghiệp cao hơn.
Các chuyên gia cho rằng, suy thoái kinh tế không phải là thời điểm để hoảng sợ, nhưng bạn nên nhận thức được khả năng suy giảm trong ngành của mình và những khó khăn bạn có thể gặp phải khi tìm việc làm mới nếu thất nghiệp.
Áp dụng các kế hoạch ngân sách, quỹ khẩn cấp hoặc tạo thêm nguồn thu nhập là những điều bạn nên làm trong giai đoạn suy thoái. Ảnh: Freepik. |
Nếu bạn sở hữu một doanh nghiệp, tốt nhất là tránh đầu tư quá mức vào các khoản đầu tư mới, cho đến khi có những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế.
Đối với đầu tư, các chuyên gia tài chính cho rằng nếu bạn là nhà đầu tư dài hạn, nên cho phép tài sản của mình có thời gian phục hồi sau những khoản lỗ trong suy thoái, bạn có thể hưởng lợi khi giữ nguyên hoặc mở rộng danh mục đầu tư của mình. Hầu hết các cổ phiếu và trái phiếu lợi suất cao có xu hướng giảm giá trong thời kỳ suy thoái, trong khi các tài sản rủi ro thấp hơn như vàng và trái phiếu kho bạc Mỹ lại có xu hướng tăng giá. Trong thị trường chứng khoán, cổ phiếu của các công ty lớn có dòng tiền và cổ tức vững chắc có xu hướng hoạt động tốt hơn trong thời kỳ suy thoái.
Các chuyên gia tài chính cho rằng, không cần phải hoảng sợ khi đối phó với tình trạng suy thoái kinh tế, nhưng nên chú ý hơn đến việc chi tiêu và cảnh giác để không phải chịu những rủi ro không cần thiết.
Ngay cả trong một cuộc suy thoái kinh tế lớn, vẫn có nhiều điều tích cực bạn có thể thực hiện để cải thiện tình hình và chống suy thoái cho cuộc sống của mình. Bao gồm áp dụng các kế hoạch ngân sách, quỹ khẩn cấp hoặc tạo thêm nguồn thu nhập nếu cần.
Nguồn Theo Investopedia
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư