Làm phụ trợ cho Samsung: Đã có nhiều tiến bộ!
Việc đa số doanh nghiệp Việt Nam thừa nhận không thể đáp ứng yêu cầu của Samsung, dù chỉ là sản xuất ốc vít, đã trở thành câu chuyện buồn về ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Tuy nhiên, nỗi buồn này đang nguôi ngoai ít nhiều.
Vào tháng 9.2015, Samsung đã cử chuyên gia hỗ trợ 9 doanh nghiệp Việt, trong đó có Công ty Dây và Cáp điện Ngọc Khánh, nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm trước khi trở thành đối tác của Samsung. “Chúng tôi có thể đáp ứng để trở thành nhà cung ứng linh kiện cho tập đoàn này”, ông Vũ Quang Khánh, Chủ tịch Công ty Dây và Cáp điện Ngọc Khánh, đã khẳng định như vậy. Theo ông Khánh, nhờ tư vấn của các chuyên gia từ Samsung, năng suất của nhà máy đã tăng lên 30%. Tới đây, Công ty sẽ tiếp tục thay đổi và rút kinh nghiệm để đạt mức tăng 50% đúng như kỳ vọng của Samsung.
Ngay cả những doanh nghiệp đã trở thành nhà cung ứng chính thức như Công ty In và Bao bì Goldsun, Samsung vẫn áp dụng những hỗ trợ cần thiết, để giúp doanh nghiệp này liên tục cải thiện quy trình sản xuất và đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện nay, trong 5 nhà cung cấp sản phẩm bao bì cho Samsung, có Goldsun và Việt Hưng là doanh nghiệp Việt Nam. Doanh thu năm 2015 của Goldsun đạt 36 triệu USD, trong đó doanh thu từ Samsung chiếm 45%. Năm 2016, dự kiến doanh thu từ Samsung sẽ tăng khoảng 30% so với năm 2015.
Tuy nhiên, ông Phạm Cao Vinh, Tổng Giám đốc Goldsun, thừa nhận “không đơn giản để cung cấp được bao bì cho tập đoàn lớn nhất nhì Hàn Quốc này”. Bởi vì, làm ăn với Samsung, không tránh được chuyện hàng bị trả lại, thường xuyên bị than phiền do Samsung luôn đòi hỏi khắt khe về quy mô, trình độ và sự chuyên nghiệp cao.
Ông Han Myoung sup, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Điện tử Việt Nam, tuần trước đã đến thăm và khảo sát năng lực của Dây và Cáp điện Ngọc Khánh và Goldsun, để thẩm định năng lực của 2 đối tác này. Tại Công ty Ngọc Khánh, ngoài việc yêu cầu phải cải thiện các khu vực sản xuất chưa đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường như còn bụi và mùi, ông Han Myoung sup đặc biệt nhấn mạnh đến yêu cầu phải đảm bảo an toàn lao động trong quá trình sản xuất.
Ông Han Myoungsup (áo vàng), Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Điện tử Việt Nam, đến thăm và khảo sát năng lực của Công ty Dây và Cáp điện Ngọc Khánh - Ảnh: baomoi.vn |
Trực tiếp tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam nhận hỗ trợ của Samsung, ông Jang Yoonho, chuyên gia cấp cao của Samsung phụ trách dự án hỗ trợ doanh nghiệp Việt, nói rằng “có hạn chế” và nguyên nhân là do “chưa có các phương pháp để tiến hành cải tổ, dù thực tế họ thông minh và có thể thay đổi nhanh”.
Theo ông Jang Yoonho, để trở thành nhà cung cấp cho Samsung, doanh nghiệp Việt phải mở rộng đội ngũ nhân lực kỹ thuật, luôn nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như quản lý chặt chẽ các khâu sản xuất... Những yêu cầu này đòi hỏi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp của Việt Nam phải có ý chí. “Tinh thần kinh doanh thật sự quan trọng trong nỗ lực tạo ra cuộc cách mạng thay đổi trong bản thân các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Jang Yoonho nói.
Được biết, Goldsun mỗi năm dành khoảng 10 triệu USD đầu tư trang thiết bị mới. Goldsun đang có một nhà máy sản xuất đồ gia dụng, chuyên sản xuất hàng kim loại xuất khẩu, nhưng để chuyển sang làm phụ trợ linh kiện điện tử cho Samsung đòi hỏi phải đầu tư lớn về công nghệ và trình độ quản lý.
“Chúng tôi không chắc chắn nhận được hợp đồng sản xuất hàng phụ trợ kim loại, ngay cả khi có đủ điều kiện đầu tư công nghệ, với 4 chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại Công ty”, ông Phạm Cao Vinh nói. Đòi hỏi rất cao của Samsung cũng là lời giải thích vì sao đến nay, doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ cung cấp cho tập đoàn này những sản phẩm có hàm lượng công nghệ thấp như bao bì, đóng gói và khuôn mẫu...
Tuy nhiên, sự kiên trì trong nhiều năm đã giúp Samsung có được danh sách 11 doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 và 52 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp 2. Như vậy, tổng số có 63 doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia chuỗi cung ứng của Samsung. Đây là con số tích cực khi năm ngoái chỉ có 4 doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Ha Chan Ho, cố vấn chiến lược của Samsung nói rằng, việc có thêm các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng sẽ đảm bảo cam kết của Samsung với Chính phủ Việt Nam về việc thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển. Nhưng quan trọng hơn là giúp Samsung giảm giá thành nhập khẩu linh kiện, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng lợi nhuận. “Nếu chúng tôi chỉ chấp nhận những doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia vào chuỗi cung ứng thì không thể chứng minh sự hiện diện của Samsung tại Việt Nam”, ông Han Chan Ho, vị cố vấn từng là Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, khẳng định.
Con số này cũng nhằm hiện thực hóa mục tiêu tỉ lệ nội địa hóa đạt 35% theo cam kết Samsung đưa ra khi khởi công xây dựng dự án Khu phức hợp điện tử gia dụng (SEHC), vốn đầu tư 1,4 tỉ USD hồi tháng 5.2015 tại TP.HCM. “Chúng tôi đang xem xét khả năng hợp tác với nhiều doanh nghiệp tiềm năng khác, đặc biệt là những doanh nghiệp đã có thành tích tốt trong việc cải tiến quy trình sản xuất sau khi được hỗ trợ từ phía chuyên gia Hàn Quốc”, ông Han Myoung-sup, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, cho biết.
Hải Vân
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Minh Đức
-
Hải Vân
-
Công Sang
-
Hải Đăng
-
Trung Nam