Hủy
Kinh Doanh

M&A ngân hàng nóng trở lại

Thứ Năm | 15/01/2015 11:34

Thị trường ngân hàng những ngày đầu năm mới lại chộn rộn với thông tin mua bán, sáp nhập trong đó hé lộ những cái tên khá bất ngờ.
 

Một nguồn tin cho biết, Ngân hàng Nam Á đang tìm hiểu Eximbank, tuy nhiên, đây mới là bước đầu thăm dò, nếu thực sự phù hợp nhau thì hai bên còn phải xin ý kiến cổ đông và trình lên Ngân hàng Nhà nước xem xét phê duyệt. Cũng theo nguồn tin này, NamABank muốn hợp nhất với Eximbank nhằm tạo ra một định chế tài chính vững mạnh hơn, mang lại lợi ích cho cả 2 ngân hàng, cũng như thực hiện chủ trương giảm bớt số lượng các tổ chức tín dụng về 20 đơn vị đến cuối năm 2017.

Vốn điều lệ của NamABank là 3.000 tỷ đồng và hôm 7/1 vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng lên 4.000 tỷ đồng, còn Eximbank là 12.355 tỷ đồng. Thương vụ hợp nhất hai ngân hàng này nếu hoàn tất như kịch bản ban đầu sẽ đưa vốn điều lệ của ngân hàng mới lên 16.355 tỷ đồng, tạo tiền đề cho nhà băng sau sáp nhập vươn lên thành ngân hàng cổ phần có quy mô lớn nhất nhì hệ thống.

Trước đó, DaiABank và HDBank là trường hợp đầu tiên tiến hành sáp nhập tự nguyện thành công. Ngoài ra, Sacombank và Southernbank hay Maritime Bank và MDB cũng đang trong quá trình hoàn tất đề án sáp nhập trình cổ đông và Ngân hàng Nhà nước.

Tại đại hội cổ đông bất thường mới đây, Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) đã thông qua chủ trương tìm kiếm và sáp nhập một ngân hàng thương mại khác.

Từ cuối tuần trước đến nay, giới đầu tư lại xôn xao khi danh sách 6-8 ngân hàng thuộc diện có thể hợp nhất, sáp nhập lại rò rỉ ra thị trường. Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, hiện nay vẫn chưa có thông tin chính thức về những tên tuổi trong danh sách.

Trong lộ trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, bên cạnh mục tiêu hợp nhất, sáp nhập tự nguyện để đến 2017 toàn hệ thống chỉ còn 20 ngân hàng lớn, thì nhiệm vụ trọng yếu của Ngân hàng Nhà nước là phải xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém. Theo đó, quá trình xử lý 9 ngân hàng thuộc diện này gồm Tienphong Bank, Navibank, Trustbank, SCB, Tín Nghĩa, Đệ Nhất, Habubank, Western Bank đã được khởi động hơn ba năm qua, đến nay cơ bản hoàn thành.

Bắt đầu bằng thương vụ hợp nhất 3 ngân hàng SCB, Tín Nghĩa và Đệ Nhất. Sau đó, Habubank sáp nhập vào SHB, Western Bank hợp nhất với PVFC. Ba nhà băng khác là Tienphong Bank, Navibank, Trustbank tự tái cấu trúc và lần lượt đổi tên thành TPBank, NCB và VNCB. Hiện nay, còn lại một ngân hàng yếu duy nhất là GP.Bank (dự kiến cũng sẽ sáp nhập vào một ngân hàng quốc doanh).

Trao đổi với VnExpress, ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, trong bối cảnh Chính phủ đặt mục tiêu kéo tỷ lệ nợ xấu về dưới 3%, việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng để xử lý những lộn xộn, sở hữu chéo là cấp thiết.

"Hệ thống ngân hàng từng có rất nhiều khuyết tật, chúng ta phải giải phẫu để tìm ra liệu pháp chữa trị căn bệnh đó. Trong đó, sáp nhập, hợp nhất hay Nhà nước tham gia góp vốn vào các tổ chức yếu kém được coi là những liều thuốc khác nhau", ông nói.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cũng nhìn nhận, năm 2014 các nhà băng chủ yếu tự tái cơ cấu, chấn chỉnh lại hoạt động nội bộ thông qua điều chỉnh các hoạt động, đào tạo đội ngũ nhân sự... “Động thái này giúp ngân hàng làm đẹp mình hơn, chuẩn bị cho năm 2015 sẽ có nhà băng đến dạm hỏi”, ông Nghĩa ví von. Do đó, vị này khẳng định năm 2015 việc hợp nhất - sáp nhập sẽ diễn ra quyết liệu hơn những năm trước đây.

Tuy nhiên, đại diện Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước cho biết, những bước đi của nhà điều hành luôn có "liều lượng" thích hợp và không máy móc. Có thể ngày hôm nay nói hợp nhất, sáp nhập nhưng trong tương lai có thể thay đổi. Giai đoạn 2009 - 2010 khi hệ thống ngân hàng gặp nhiều khó khăn, trên bờ vực rủi ro lớn, nhiều tổ chức tín dụng phải tiến hành M&A để tồn tại. Song hiện nay, khi thanh khoản đã ổn định, hệ thống đã qua giai đoạn khó khăn nhất, Ngân hàng Nhà nước phải lựa chọn những giải pháp tối ưu.

“Mục đích mà nhà điều hành nhắm tới là hệ thống tài chính ổn định hơn, không gây ra những rủi ro tiềm ẩn. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước có thể thử nghiệm nhiều giải pháp trong tái cơ cấu”, vị này khuyến nghị.

Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng khởi sắc, lạm phát thấp, ông Phước nhận định việc thanh lọc lại cơ cấu cổ đông, giảm sở hữu chéo hoàn toàn nằm trong tay cơ quan quản lý. “Chúng ta đang ở trên một nền tảng thuận lợi, những khuyết tật đa số đã được nhận diện và hiện nay có điều kiện để đi vững chắc, hiệu quả hơn, chữa trị được căn bệnh cố hữu của nền kinh tế”, vị chuyên gia từng nhiều năm làm quản lý tại ngân hàng phát biểu.

Nguồn VnExpress


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới