Hủy
Kinh Doanh

Ngành dược Việt hút vốn ngoại

Minh Anh Thứ Ba | 05/03/2019 15:54

Taisho đang đẩy mạnh mua vào một lượng lớn cổ phiếu của DHG. Nguồn ảnh: Qúy Hòa

Taisho đang nóng lòng “cưới” DHG trong thời gian nhanh nhất có thể. Bằng chứng trong một tuần Taisho đã liên tục muốn mua vào một lượng cổ phiếu đáng kể.
 

Cụ thể, cuối tháng 2 vừa qua, Taisho Pharmaceutical Co., Ltd (Taisho) đăng ký mua thêm 28,36 triệu cổ phiếu (tương đương 21,7%) cổ phần của Dược Hậu Giang (HoSE: DHG). Kế hoạch này được đưa ra chỉ một tuần sau khi Taisho hoàn tất mua 925.200 cổ phiếu DHG (khoảng 0,7%). Có thể, Dược Hậu Giang là cái tên tiếp theo thuộc về doanh nghiệp ngoại.

Ngày Dược Hậu Giang về với Taisho rất gần

Mối duyện của Taisho và DHG bắt đầu từ 2016. Sau chuyến thăm đầu tiên đến DHG, Taisho đã nhanh chóng chi 100 triệu USD để mua 24,44% cổ phần Dược Hậu Giang với mức giá 100.000 đồng/ cổ phiếu. 2 năm sau, Taisho quyết định nâng tỉ lệ sở hữu lên 24,94%. Ngay khi trần sở hữu nước ngoài của Dược Hậu Giang được phê duyệt nới lên 100% vào giữa năm 2018, Taisho liên tiếp ra thông báo mua cổ phiếu DHG và nhanh chóng sở hữu 34,99% vốn điều lệ.

Gần đây nhất, Taisho quyết định chi 16 tỉ Yên Nhật (khoảng 3.403 tỉ đồng) để nâng tỉ lệ sở hữu tại DHG lên 74,12 triệu cổ phiếu, tương đương 56,7% vốn. Thương vụ này sẽ được thực hiện trong 2 tháng tới, dự kiến đến tháng 4 hoàn tất chuyển nhượng.

Phía Taisho đã cử thêm nhân lực vào ban quản trị, Dược Hậu Giang tập trung vào sản xuất và phân phối các sản phẩm mũi nhọn của Taisho. Theo ông Đoàn Đình Duy Khương, Tổng giám đốc DHG, việc hợp tác giữa hai doanh nghiệp sẽ có lợi cho người tiêu dùng Việt Nam.

Dược Hậu Giang là công ty dược nội địa lớn nhất Việt Nam xét về doanh thu và vốn hóa thị trường. Ước tính vốn hoá hiện tại của Dược Hậu Giang xấp xỉ 15.000 tỉ đồng. Theo số liệu Báo cáo tài chính 2018 của DHG, doanh thu của Công ty năm 2018 đạt 3.888 tỉ đồng, lớn hơn tổng doanh thu của cả hai công ty đứng sau gộp lại. Lợi nhuận sau thuế của DHG đạt 651,6 tỉ đồng tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Ngoài Taisho, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đang là cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này với 43,31% cổ phần. Nếu SCIC không bán ra thì Taisho cần mua lại cổ phần của toàn bộ các cổ đông khác để mua được lượng cổ phiếu mong muốn.

Nganh duoc Viet hut von ngoai
 

Những thương vụ trong ngành dược

Câu chuyện của DHG là một điển hình cho ngành dược vài năm trở lại đây. Nhiều thương vụ mua bán sáp nhập giữa doanh nghiệp ngoại và doanh nghiệp trong nước cũng đã diễn ra ồ ạt hơn sau khi Nghị định 60/2015/NĐ-CP có hiệu lực. Nghị định này đã tạo động lực cho doanh nghiệp ngoại tham gia M&A trong giai đoạn 2016-2017, khi nghị định quy định về các doanh nghiệp đại chúng có thể nới room ngoại lên 100% thay vì con số 49% như trước đó.

Gần đây nhất, công ty dược đứng thứ 6 về doanh thu trên thị trường chứng khoan là Domesco (DMC) đã về tay tập đoàn Abbott. Theo đó, Công ty CFR International Spa, thuộc Tập đoàn Abbott nâng tỉ lệ sở hữu DMC lên 51% cồ phần với tư cách là cổ đông chiến lược. Công ty dược phầm khác của Việt Nam là Glomed cũng bị Abbott thâu tóm vào năm 2016.

Traphaco cũng là một cái tên đang được nhiều doanh nghiệp ngoại để ý. Công ty Cổ phần Traphaco (HoSE: TRA) cũng nằm trong nhóm có doanh thu lớn của ngành dược phẩm, với doanh thu năm 2017 là 1.880 tỉ đồng. Hiện 2 nhà đầu tư Hàn Quốc đang nắm khá nhiều cổ phần của TRA là Daewon với tỉ lệ sở hữu 15% và công ty quản lý quỹ Mirae Asset đang nắm 25% cổ phần. Cả 2 nhà đầu tư Hàn Quốc cùng mua lại số cổ phần này từ Mekong Capital và một số nhà đầu tư khách cách đây 1 năm.

Trong khi, Công ty Cổ phần dược phẩm Imexpharm (HoSE:IMP) cũng có bàn tay nhà đầu tư ngoại với mức tổng sở hữu nước ngoài là 47,8%. Sau khi Pymepharco (HoSE: PME) được chấp thuận nâng tỉ lệ sở hữu nước ngoài lên 100%, nhà đầu tư ngoại là Stada Service Holding B.V được phép nâng tỉ lệ sỡ hữu lên tối đa 72%, hiện tỉ lệ sở hữu của Stada Service Holding tại PME là 49%.

Theo IMS Health, năm 2018, Việt Nam là một trong 17 nước xếp vào nhóm có mức tăng trưởng ngành dược cao nhất (Pharmerging markets). Dự báo trong các năm tới, mức chi tiêu dược phẩm bình quân đầu người vẫn tiếp tục ở mức cao ở và tốc độ tăng trưởng trung bình mỗi năm cũng sẽ tiếp tục duy trì ở con số 14%/năm. 

Vào thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài cũng bị hạn chế trong phân phối thuốc. Theo cam kết WTO, các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam được phép nhập khẩu nhưng không được phép trực tiếp phân phối thuốc tại Việt Nam. Do đó, họ thường thông qua công ty Việt Nam có chức năng phân phối để bán sản phẩm vào thị trường. Ngày càng có nhiều công ty dược nước ngoài hợp tác và mua lại các nhà sản xuất Việt Nam để tận dụng chi phí sản xuất rẻ hoặc hệ thống phân phối.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới