Hủy
Kinh Doanh

Nguyễn Kim sẽ thâu tóm Dược Lâm Đồng

Mạnh Đức Thứ Năm | 09/11/2017 15:40

Internet

 
 
Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại Dược Lâm Đồng lên thành 51%.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim (Nguyễn Kim Group) vừa có Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc chào mua công khai cổ phiếu của Công ty cổ phần Dược Lâm Đồng (Hose: LDP).

Theo đó, Nguyễn Kim Group sẽ mua cổ phiếu LDP để nâng tỷ lệ sở hữu từ 24% lên hơn 51% vốn điều lệ và LDP sẽ trở thành Công ty con của tập đoàn này. Số lượng chào mua công khai dự kiến là hơn 2,1 triệu cổ phiếu với giá chào mua tối đa 32.000 đồng. Nhiều khả năng giao dịch trên sẽ được thực hiện thông qua thỏa thuận, khi mà 1 tháng qua khối lượng giao dịch cổ phiếu LDP trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội chỉ là khoảng 10.000đ/cp, và giá của cổ phiếu này chỉ dao động quanh mức 31.000 đồng.

Nhắc tới Nguyễn Kim, chúng ta thường hay nhớ ngay đến Trung Tâm Điện Máy Nguyễn Kim, vốn do Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT quản lý. Vào năm 2015, thông qua PowerBuy, Central Group đã mua lại 49% cổ phần của Công ty thuộc sở hữu gia đình ông Nguyễn Văn Kim.

Ngoài ra gia đình ông Kim còn một công ty nữa, đó chính là Công ty Cổ phần đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim. Ngoài đầu tư vào các công ty dược phẩm, Công ty này còn đầu tư vào bất động sản, lương thực.

Mục đích chào mua là tăng tỷ lệ sở hữu tại Dược Lâm Đồng từ 24% lên 51%, đồng thời chuyển từ công ty liên kết thành công ty con của Nguyễn Kim Group. Dược Lâm Đồng công ty chuyên sản xuất nông dược, mua bán thuốc, dược liệu, thiết bị y tế, xuất nhập khẩu thuốc, dược liệu.

Ngoài LDP, Nguyễn Kim Group còn sở hữu 16,48% cổ phần của dược 3/2 (hay còn gọi là F.T. Pharma).

Trong những năm vừa qua LDP làm ăn khá tốt khi đạt lợi nhuận sau thuế ổn định quanh mức 18-20 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của Dược 3/2 cũng khá tốt.

Nguyen Kim se thau tom Duoc Lam Dong
 

Với quy mô hiện lên đến 4,7 tỷ USD, thị trường dược phẩm và chăm sóc sức khỏe đang trở nên rất hấp dẫn, khi thị trường này ở Việt Nam còn rất phân mảnh. Một điểm dễ nhận ra đối với các công ty sản xuất dược phẩm của Việt Nam là họ đều làm ăn có lãi, mặc dù so với doanh thu thì biên lợi nhuận là thấp. theo số liệu từ Frost Sullivan và World Bank, năm 2015, tổng chi phí chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam là 13 tỉ USD, dự báo sẽ tăng lên 24 tỉ USD vào năm 2020. Đây có lẽ là lý do vì sao mà các công ty công nghệ lại tìm đến ngành dược phẩm như là một kênh để đa đang hóa hoạt động và duy trì tăng trưởng.

“Kê toa” cho Thế Giới Di Động

 Vào tháng 8.2017, MWG đã trình cổ đông duyệt khoản ngân sách 2.500 tỉ đồng để mua lại chuỗi điện máy và dược phẩm. Và theo báo cáo của HSC, gã khổng lồ bán lẻ của Việt Nam nhiều khả năng sẽ mua lại chuỗi dược phẩm Phúc An Khang. Trong một động thái khác, thì MWG cũng đã đăng tuyển dược sĩ chuyên môn.

Một công ty công nghệ khác là Công ty Cổ phần Thế Giới Số (Hose: DGW) cũng lấn sân vào lĩnh vưc phân phối thực phẩm chức năng. Với lợi thế về số cửa hàng và kinh nghiệm vận hành chuỗi, cả MWG và Thế Giới Số có thể tạo thành những đối thủ mới trong thị trường đầy tiềm năng này.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới