Hủy
Kinh Doanh

Nhìn lại biến động tại Sacombank trong 2012

Chủ Nhật | 16/12/2012 08:11

Có thể nói, năm 2012 đã để lại quá nhiều dấu ấn và sự kiện đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung và mỗi ngân hàng nói riêng.
 

Ngân hàng đầu tiên được xem là để lại nhiều dấu ấn trong năm nay có lẽ phải kể đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – STB).

Thay đổi ban lãnh đạo

Đầu tiên phải kể đến việc thay đổi ban lãnh đạo. Sau ĐHCĐ của ngân hàng vào tháng 5/2012, cơ cấu HĐQT gần như thay đổi hoàn toàn, chỉ có Chủ tịch HĐQT Đặng Văn Thành và Phó chủ tịch Đặng Hồng Anh ở lại.

Đáng chú ý trong cơ cấu nhân sự mới của HĐQT có tới 4 thành viên từ ngân hàng Phương Nam chuyển sang, đó là ông Trầm Bê, ông Trầm Khải Hòa (con ông Trầm Bê), ông Phan Huy Khang và bà Dương Hoàng Quỳnh Như.

Trong cơ cấu ban Giám đốc, Sacombank bổ nhiệm mới 11 vị trí Phó Tổng giám đốc trong năm nay và 1 vị trí Tổng giám đốc.

Ông Phan Huy Khang chính thức lên làm Tổng giám đốc kể từ ngày 3/7, sau khi làm Quyền Tổng giám đốc từ ngày 1/6 (sau khi ông Trần Xuân Huy từ nhiệm). Ông Khang cũng là người đại diện theo pháp luật của Sacombank - người đứng đầu của ngân hàng và được ngân hàng ủy quyền, thay mặt ngân hàng thực hiện các giao dịch vì lợi ích của ngân hàng, với đối tác, khách hàng và với cơ quan Nhà nước - thay cho ông Đặng Văn Thành, chủ tịch HĐQT.
Thay đổi cơ cấu cổ đông
Năm nay còn chứng kiến hàng loạt các vụ thoái vốn khỏi Sacombank như Thành Thành Công thoái toàn bộ hơn 22 triệu cổ phần Sacombank; Australia & NewZealand Banking thoái toàn bộ hơn 103,2 triệu cổ phần; Cơ điện Lạnh thoái toàn bộ hơn 42 triệu cổ phần; chồng của phó chủ tịch HĐQT Huỳnh Quế Hà là Chang Hen Jui thoái toàn bộ hơn 33,2 triệu cổ phần; Công ty con Sacomreal thoái 34,6 triệu cổ phần; Bourbon Tây Ninh thoái toàn bộ 7,5 triệu cổ phần; chứng khoán Phương Nam thoái 2 triệu cổ phần và chỉ còn nắm giữ hơn 3,4 triệu cổ, tương đương 0,35%...

Về hoạt động mua vào và tăng nắm giữ cổ phần có Trầm Trọng Ngân, con trai của ông Trầm Bê – thành viên HĐQT, đã mua 8 triệu cổ phần Sacombank và hiện đang nắm giữ 4,93% cổ phần của nhà băng này. Thành viên HĐQT Trầm Khải Hòa mua 700.000 cổ phần, nâng số cổ phần nắm giữ lên trên 20,8 triệu, tương đương 2,14% cổ phần của Sacombank. Ông Trần Phát Minh, chủ tịch HĐQT ngân hàng Kiên Long mua vào hơn 1,5 triệu cổ phần, đưa tổng số cổ phần nắm giữ lên con số 48,8 triệu cổ phần - trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất của ngân hàng.

Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Sài Gòn Á Châu đầu năm nay cũng mua gần 22 triệu cổ phần STB, đưa lượng nắm giữ lên trên 48,7 triệu cổ, chiếm tỷ lệ 5,01%. Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn Exim mua hơn 42 triệu cổ phần, đưa lượng nắm giữ lên 50,35 triệu cổ phần, tương đương 5,17%... Cổ đông tổ chức lớn nhất của Sacombank vẫn là Eximbank, với 10,7%.

Ngoài những thay đổi về cổ đông nói trên, Sacombank năm nay còn dính “nghi án” bị thâu tóm. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thanh tra Sacombank cùng với 31 tổ chức dụng khác trong chương trình thanh tra toàn diện các tổ chức tín dụng năm 2012. Hồi tháng 8, Thống đốc NHNN cho biết sẽ có kết quả thanh tra vào tháng 8, song đến ngày 5/10 mới thanh tra xong và cho đến nay vẫn chưa công bố kết quả.

Những biến động tại Sacombank chưa dừng lại, khi đầu tháng 11 vừa qua, chủ tịch HĐQT của ngân hàng là ông Đặng Văn Thành từ nhiệm, lên thay là ông Phạm Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT. Tháng 12, đến lượt con trai của ông Đặng Văn Thành là ông Đặng Hồng Anh cũng từ nhiệm HĐQT.
Về hoạt động kinh doanh, năm 2012 Sacombank dự kiến đạt 2.876 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 4% so với năm 2011 (theo dự báo của công ty chứng khoán Vietcombank - VCBS).

Trong 10 tháng đầu năm, ngân hàng đã đạt 2.259 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương 66% kế hoạch năm. Tỷ lệ nợ xấu ở mức rất thấp là 1,26%, so với tỷ lệ 8,82% của toàn hệ thống.
Tổng tài sản đạt 149.689 tỷ đồng, tăng 7% so với thời điểm cuối năm 2011; tiền gửi và cho vay của Sacombank tại các tổ chức tín dụng khác là 15.377 tỷ đồng, tăng 59% so với số dư đầu năm.

Tăng trưởng tín dụng đối với tổ chức kinh tế và dân cư 10 tháng đầu năm tăng 9,1% (cao hơn nhiều so với tỷ lệ 4% của toàn hệ thống) với lượng vốn cho vay khách hàng đạt hơn 84.452 tỷ (đã trích lập1.139 tỷ đồng dự phòng rủi ro). Tiền gửi của khách hàng vào Sacombank đạt 121.528 tỷ đồng, tăng17% so với đầu năm (trong đó bằng VND tăng 27%).

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của Sacombank là một trong số không nhiều cổ phiếu tăng hai chữ số trong năm nay. So với đầu năm, giá cổ phiếu STB đóng cửa ngày 14/12 đã tăng 4.100 đồng so với giá mở cửa của ngày 3/1, mức tăng trương đương 27,7%. Thanh khoản của mã này liên tục duy trì ở mức cao và được khối ngoại giao dịch mạnh.

Còn theo đánh giá Vietnam Report và báo VietNamNet (chủ yếu dựa vào doanh thu) thì ngân hàng Sacombank hiện đứng thứ 6 trong số 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam. Trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất thì Sacombank đứng thứ 36.

Diễn biến giá cổ phiếu của STB từ đầu năm tới nay
Diễn biến giá cổ phiếu của STB từ đầu năm tới nay

Nguồn CafeF


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới